Dẫu Bắc Kinh đã tìm cách trấn an rằng các những công trình xây cất của họ là nhằm “phục vụ các mục đích dân sự, nghiên cứu hàng hải và tạo điều kiện cho giao thông hàng hải, cũng như bảo đảm an toàn trong khu vực”, đồng thời đưa ra nhiều đề nghị kèm hứa hẹn và tỏ ra mềm mỏng, thiện chí ở Diễn Đàn Hương Sơn lần thứ sáu được tổ chức tại Bắc Kinh, nhưng Trung cộng (TC) vẫn bị nhiều thành viên ASEAN chỉ trích kịch liệt.
Một viên tướng tên là Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, còn cố gắng chứng minh chuỗi đảo nhân tạo mà TC vừa bồi đắp xong ở quần đảo Trường Sa, không những không gây phương hại cho tự do lưu thông mà còn rất hữu ích cho hoạt động hàng hải. Phạm Trường Long còn cho rằng việc xây dựng hai hải đăng ở quần đảo Trường Sa như một bằng chứng về thiện ý của Trung Quốc: Cung cấp dịch vụ hàng hải cho tất cả các quốc gia cùng hưởng dụng.
Tuy nhiên các nỗ lực như vừa kể của Trung Quốc không những không xóa bỏ được nghi ngại mà còn bị phủ nhận.
Bản tin của International Business Times hôm 18/10 dẫn lời phát biểu của ông Zulkefli Mohd Zin, Tổng tham mưu trưởng quân đội Malaysia, đề cập đến hoạt động xây dựng trên chuỗi đảo nhân tạo mà TC đã bồi đắp tại quần đảo Trường Sa là sự “khiêu khích phi lý”. Đối với “thiện chí” mà TC bày tỏ, tướng Zin cho rằng cần phải có thời gian để thấy TC thật sự muốn gì.
Ông Voltaire Gazmin, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, vẫn tiếp tục lập lại lời kêu gọi TC ngưng hoạt động xây dựng trên chuỗi đảo nhân tạo mà TC vừa bồi đắp xong tại quần đảo Trường Sa. Đồng thời phải tránh các hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng biển Đông khiến căng thẳng gia tăng. Ông Gazmin cho rằng, các tranh chấp về chủ quyền tại biển Đông cần phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế.
Leave a Comment