12/10/2015
Tư Mã Thiên, sử gia Trung Quốc vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên ghi chép về sự trù phú của đời nhà Hán như sau: kho lương thực của các thị trấn đầy ấp, kho bạc đầy vàng bạc, châu báu. Tiền nhiều đến độ dây xỏ xâu cột tiền đồng bị mục đứt. Kho lương ở thành đô tràn đầy lương thực đến độ thóc bị mốc hư”.
Nhà Hán bành trướng về phía tây và phía nam, và thiết lập tuyến đường giao thương được biết dưới tên gọi “Con Đường Tơ Lụa” đi từ cố đô Tràng An kéo dài đến Rome.
Hai ngàn năm sau sự việc tái diễn khi Trung Quốc cũng thặng dư xi-măng, sắt thép và toan tính bành trướng để giải quyết vấn đề nội tại.
Sau hai thập niên phát triển nhanh chóng, Bắc Kinh đang dòm ngó ra bên ngoài biên giới để tìm cơ hội đầu tư và giao dịch. Họ xem lại mô hình “Con Đường Tơ Lụa” khi xưa. Thiết lập lại phiên bản hiện đại của tuyến đường giao dịch cổ xưa trở thành một chính sách ngoại giao dấu ấn của Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Tư tưởng lớn của họ Tập
Nếu tính trị giá bề nổi thì Con Đường Tơ Lụa mới trở thành một chương trình ngoại giao kinh tế lớn nhất kể từ Kế Hoạch Marshall của Hoa Kỳ để tái thiết Âu châu hậu chiến, bao gồm hàng chục quốc gia với tổng số dân hơn 3 tỉ người. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái và sức mạnh quân sự gia tăng, dự án này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để xác định vai trò của Trung Quốc trên thế giới và quan hệ với các nước láng giềng.
Về mặt kinh tế, ngoại giao, quân sự Bắc Kinh sẽ dùng dự án này để khẳng định vai trò lãnh đạo trong vùng tại Á Châu. Dự án này của đảng Cộng Sản Trung Quốc đang xây dựng một đế quốc mới.
Theo các cựu giới chức thì khởi đầu của Con Đường Tơ Lụa bắt đầu một cách khiêm tốn từ bộ thương mại Trung Quốc. Để giải quyết tình trạng sản xuất thặng dư thép và các vật liệu khác, giới chức bộ thương mại vạch ra kế hoạch xuất cảng. Chương trình này được sự chấp thuận của cấp trên khi họ Tập tuyên bố “Con Đường Tơ Lụa Mới” trong chuyến viếng thăm Kazakhstan năm 2013.
Sau đó khi kinh tế chậm lại thì dự án này nhanh chóng trở thành một chính sách quan trọng và mang một cái tên mới rườm rà hơn: “Một Dây Lưng, Một Con Đường”. Dây lưng là tuyến đường giao thương đường bộ nối liền Trung Á, Nga và Âu châu. Con đường thì lại ý nói đến tuyến đường hàng hải từ mé tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.
Giao dịch giữa Trung Quốc và năm quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã nhảy vọt từ năm 2000 lên đến 50 tỉ đô-la vào năm 2013. Trung Quốc hiện muốn xây đường và ống dẫn dầu để tiếp cận các nguồn tài nguyên cần thiết cho việc phát triển.
Đầu năm nay họ Tập thông báo chương trình đầu tư và tín dụng trị giá 46 tỉ đô la vào một hành lang kinh tế giữa Trung Quốc và Pakistan, ngừng tại cảng Gwadar, vùng biển Á-rập. Vào tháng Tư, Bắc Kinh thông báo kế hoạch bơm thêm 62 tỉ đô-la của quỹ dự trữ hối đoái vào ba ngân hàng nhà nước sẽ tài trợ cho Con Đường Tơ Lụa Mới.
Theo đánh giá của Tây Phương thì hiện thời chưa ai làm phân tích kinh tế đàng hoàng cho dự án này. Tiền nhà nước đổ vào chưa đủ. Trung Quốc hy vọng có vốn đầu tư tư nhân, nhưng giới tư doanh có chịu đầu tư vào hay không? Có lời lãi gì không?
Ngoài việc hé mở cho thấy tham vọng của Trung Quốc, dự án Con Đường Tơ Lụa Mới còn cho thấy các chính sách kinh tế vĩ mô được quyết định như thế nào tại Bắc Kinh – thường là thiếu chuẩn bị chu đáo, rồi sau đó các quan chức phải thêm thắt, bồi đắp, vẽ vời ra thêm.
Khi quyền lợi kinh tế bành trướng ra ngoài thì guồng máy an ninh và quân đội khổng lồ nhiều phần cũng sẽ bị kéo vào đóng vai trò lớn hơn trong vùng. Trung Quốc hiện không có căn cứ quân sự nào ở nước ngoài và khẳng quyết là họ không can thiệp vào nội tình chính trị của bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên các luật lệ chống khủng bố đang được soạn thảo cho phép gửi binh sĩ Trung Quốc đến nước ngoài với sự chấp thuận của nước chủ nhà.
Các dự án trong vùng bất ổn rồi cũng sẽ thử thách chính sách của Trung Quốc tránh vướng vào vấn đề an ninh bên ngoài. Pakistan hiện đang có 10 ngàn binh sĩ bảo vệ các dự án đầu tư của Trung Quốc, trong khi đó tại Afghanistan, binh sĩ Hoa Kỳ thì đi bảo vệ một mỏ đồng có Trung Quốc đầu tư vào.
Các hải cảng đang được xây cất tại Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan khiến các phân tích gia đặt câu hỏi là liệu Trung Quốc có dùng các cảng này cho mục tiêu quân sự không, dùng để kiểm soát tuyến đường hàng hải.
Để có được lòng tin cậy của các nước láng giềng nghị kỵ như Việt Nam, Nga, Ấn Độ không phải là điều dễ khi mà Trung Quốc lấn chiếm tại vùng biển Đông.
Xuất khẩu thặng dư
Lê Nin lý luận rằng chủ nghĩa đế quốc đến từ thặng dư tư bản. Điều này có vẻ đúng, một cách oái ăm thay, ngay tại một trong những xứ Lê-nin-nít còn lại trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà chiến lược Con Đường Tơ Lụa trùng hợp với thời điểm sau cơn sốt đầu tư đã để lại khối thặng dư hàng hóa thật lớn và vì vậy có nhu cầu tìm thêm thị trường bên ngoài.
Ngành xây dựng chậm lại và Trung Quốc không có nhu cầu xây thêm đường xa lộ, xe lửa, hải cảng, thành ra phải tìm các quốc gia khác có nhu cầu. Một trong những mục tiêu của dự án là tìm thêm mối thầu tại nước ngoài cho các công ty xây cất Trung Quốc.
Khi tiến vào vùng Trung Á Trung Quốc sẽ điền vào khoảng trống để lại khi Nga rút ra sau chiến tranh lạnh, và tiếp theo Mỹ rút ra khỏi Afghanistan năm tới. Khi Bắc Kinh cho biết là họ đang đối diện mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng thì giữ ổn định trong vùng là ưu tiên. Nhưng khi làm như thế Trung Quốc sẽ thừa hưởng những vấn đề gây khó khăn cho Hoa Kỳ trước đó. Bắc Kinh thì tin là họ có thể làm nguôi ngoai các xung đột địa phương qua đầu tư và xây dựng hạ tầng cơ sở.
Đối đầu với Hồi giáo cực đoan
Nếu hướng giải quyết trên không thành, Trung Quốc sẽ gặp những chọn lựa hiểm hóc – hoặc cúp đuôi bỏ chạy, hoặc có nguy cơ sa lầy về an ninh và nội tình địa phương. Trung Quốc nói rõ là họ không muốn thay thế Hoa Kỳ tại Afghanistan cũng như không muốn đóng vai trò cảnh sát vùng.
Các chiến lược gia Bắc Kinh lý luận rằng phát triển kinh tế sẽ xóa bỏ điểm thu hút của Hồi Giáo cực đoan tại Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan và Trung Á. Tuy nhiên giới chỉ trích thấy rằng các chính sách thiếu tế nhị về văn hóa, sự hiện diện đầy dẫy của công an và chiến lược kinh tế làm lợi cho cộng đồng người Hoa và gây thua thiệt cho dân bản xứ cho đến nay chỉ làm tình hình thêm căng thẳng tại Tân Cương, vùng sa mạc với 22 phần trăm lượng dầu dự trữ nội địa và 40 phần trăm số lượng than đốt.
Xa lộ và ống dẫn dầu xuyên qua Pakistan và Miến Điện sẽ giúp Trung Quốc né tránh một điểm yếu chiến lược – đó là cổ chai của eo biển Malacca, nơi 75 phần trăm lượng dầu hỏa nhập khẩu đi qua. Hiện nay phân nửa số lượng khí đốt được chuyển vận đường bộ từ Trung Á vào.
Mặc dầu các quốc gia láng giềng hoan hỉ đón nhận vốn đầu tư, chưa chắc gì họ muốn số lượng hàng thặng dư của Trung Quốc. Nhiều quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao và các nhà máy sản xuất sắt thép của họ cũng chưa hoạt động hết mức. Ngoài ra có quốc gia có tham vọng xây dựng công nghệ riêng cho họ hơn là đi nhập khẩu từ ngoài vào.
Đầu tư hàng loạt cũng gây quan ngại về tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và kéo theo đó là ảnh hưởng chính trị – như đã xảy ra tại Miến Điện và Sri Lanka. Trung Quốc hy vọng là mối lợi đầu tư quá lớn sẽ là động lực khiến cho các nước láng giềng không cưỡng lại được.
Một chuyên viên tư vấn nhận định rằng: Trung Quốc không có nhiều quyền lực mềm, vì rất ít quốc gia tin tưởng họ. Trung Quốc thì lại không thể hoặc không muốn dùng quyền lực quân sự. Cuối cùng cái mà họ có để dùng là một khối tiền lớn.
Hoàng Thuyên tóm lược
Leave a Comment