Quảng Cáo

Hoa Kỳ đi tuần tra để thử thách lời hứa của Trung Quốc

Quảng Cáo

12/10/2015

Lời hứa gần đây của Tập Cận Bình khi viếng thăm Hoa Kỳ là Bắc Kinh không có ý định “quân sự hóa” các đảo trong vùng biển Đông đã gây ngạc nhiên bất ngờ cho giới chức Hoa Kỳ. Và Hoa Kỳ quyết định thử thách lời cam kết đó bằng những cuộc tuần tra gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong vùng biển Đông.

Họ Tập cam kết như thế trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama hồi cuối tháng Chín vừa rồi, tuy nhiên ông ta không cho biết rõ là lời hứa đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Nếu mục tiêu của họ Tập là ngăn ngừa Hoa Kỳ đi tuần tra gần các đảo nhân tạo thì ông ta đã không thành công. Sau nhiều tháng trời tranh luận bên trong chính quyền Hoa Kỳ, hiện đã có sự đồng thuận là Hải Quân Hoa Kỳ nên đưa tàu chiến hoặc phi cơ đến gần khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo để thách thức chủ quyền lãnh thổ mà Trung Quốc giành lấy.

Một viên chức Hoa Kỳ xác nhận vào Chủ Nhật là đã có quyết định tiến hành tuần tra nhưng chưa rõ khi nào và ở nơi nào. Nhưng vấn đề chỉ là thời gian. Một viên chức khác cho biết cuộc tuần tra có thể tiến hành trong vài ngày tới.

Câu hỏi bây giờ là Trung Quốc sẽ phản ứng với cuộc tuần tra đó bằng cách kềm lại chương trình xây dựng các đảo hoặc không giữ lời hứa quân sự hóa đảo, viện dẫn lý do khêu khích của tàu tuần tra Hoa Kỳ.

Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã sẵn sàng để tiến hành “công tác tự do hải hành” quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc sau khi được lệnh của Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter vào đầu năm. Quyết định đi tuần tra được hoãn lại để tránh làm xáo trộn buổi họp thượng đỉnh Mỹ-Trung, theo nguồn tin thân cận cho biết.

Công tác tự do hải hành của Hoa Kỳ sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc khẳng định là Hoa Kỳ mới chính là quốc gia “quân sự hóa” biển Đông, và nếu Trung Quốc muốn, loại công tác như thế sẽ tạo lý cớ cho họ tiếp tục quân sự hóa thêm. Ông Tayloer Fravel, chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại đại học MIT nhận định như thế.

Khác với buổi họp báo chung, trong cuộc nói chuyện riêng với Tổng thống Obama, ông Tập không đả động gì đến việc cam kết không quân sự hóa biển Đông. Và giới chức Hoa Kỳ không có giờ ngay sau buổi họp báo để làm rõ với phía Trung Quốc “quân sự hóa” nghĩa là sao.

Giới chức Hoa Kỳ tìm hiểu lại cho rõ chuyện này với phía Trung Quốc, không nghĩ là ông Tập nói trật. Nhưng những tuyên bố bất ngờ về một trong những vấn đề nhạy cảm nhất giữa quan hệ Mỹ-Trung cho thấy lối hành xử lãnh tụ tối cao của ông Tập có thể gây rối rắm.

Phát ngôn nhân của Nhà Trắng từ chối bình luận về lời phát biểu của ông Tập, nhưng nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Obama là “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lái tàu, bay và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép”.

Trước buổi họp thượng đỉnh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry đã thuyết phục các quốc gia tranh chấp đồng ý không tiếp tục xây dựng các đảo nếu Trung Quốc cũng đồng ý tương tự. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi tuyên bố đề nghị của Hoa Kỳ “không khả thi” và Bắc Kinh đã ngưng việc cải tạo đảo. Tuy nhiên hình vệ tinh chụp sau đó cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng đảo.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã không trả lời khi được hỏi là ông Tập có ý gì khi nói đến “quân sự hóa” và ông có nói điều đó khi thảo luận riêng với Tổng thống Obama không. Tuy thế trong một buổi họp báo thường kỳ vào ngày thứ Sáu, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về tin Hoa Kỳ sắp sửa đi tuần tra trong vùng 12 hải lý của Trường Sa. Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hải hành nhưng “kiên quyết phản đối sự xâm nhập của các quốc gia khác vào lãnh hải và không phận của quần đảo Nam Sa dưới danh nghĩa tự do hải hành”.

Từ năm 2011 đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành sáu cuộc tuần tra tự-do-hải-hành trong vùng biển Đông, kể cả ba lần quanh vùng Trường Sa. Nhưng từ năm 2012, Hoa Kỳ chưa tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Tiến vào phạm vi 12 hải lý là điều đáng nói vì theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thì các quốc gia nào có chủ quyền trên các đảo được hình thành tự nhiên thì được quyền có lãnh hải 12 hải lý quanh đảo. Nhưng cũng theo luật này, thì điều này không áp dụng cho các bãi đá ngầm, ngay cả khi chúng được cải tạo để trở thành đảo nhân tạo.

Hoàng Thuyên tóm lược

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux