Mặc dù Hàn-Nhật đã thiết lập bang giao từ năm 1965, nhưng mãi đến năm 2000 sau khi hai quốc gia này tổ chức chung giải bóng đá thế giới thì người dân hai nước Hàn-Nhật mới thật sự giao hảo tốt đẹp với nhau còn trước đó chỉ là bề ngoài. Điều này cũng dễ hiểu vì người Hàn quốc vẫn còn mặc cảm bị Nhật đô hộ, về phía Nhật thì thiết lập ngoại giao để viện trợ cho Hàn quốc tái thiết hầu chuộc lại những sai lầm của mình trong khi đô hộ bán đảo Triều Tiên. Sau khi người dân hai nước giao lưu tốt đẹp thì đúng lúc nền điện ảnh, ca nhạc Hàn quốc phát triển mạnh với các phim nổi tiếng như Bản tình ca mùa đông hoặc Cuộc đời cung nữ Dea Jang Geum…nên được dân Nhật dễ dàng chấp nhận thế là các sản phẩm văn hóa Hàn quốc tràn ngập xứ Nhật, Các tài tử, ca sĩ Hàn quốc đua nhau đến Nhật trình diễn lần nào đông nghẹt khán giả lần đó. Khu phố Shin Okubo ở Tokyo trước đó chỉ có khoảng vài trăm người Hàn quốc cư ngụ đã trở thành một Korean Town tấp nập người lui tới hơn cả phố Tàu ở Yokohama. Khi mà đã thích Hàn quốc rồi thì thức ăn, thực phẩm và các đồ tạp hóa của nước này cũng được thích luôn, tiệm quán Hàn quốc ở Nhật bán những đồ này mệt nghĩ. Ngược lại phim ảnh, ca nhạc Nhật muốn vào Hàn quốc phải qua một khâu kiểm duyệt để xem có vấn đề gì nhạy cảm chạm tự ái của người Hàn quốc đối với việc Nhật đô hộ Triều Tiên trước đây hay không. Đây là một điều không công bằng, nhưng Nhật không phản đối mạnh chỉ lên tiếng yêu cầu chính phủ Hàn quốc đừng làm như thế mà thôi.
Thời kỳ trăng mật giữa Hàn và Nhật chấm dứt vào tháng 8 năm 2012 khi Tổng thống Hàn quốc lúc đó là ông Lý Minh Bác đến thăm một hòn đảo (Hàn quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima) nằm trong biển Nhật Bản đang trong vòng tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Tokyo lên tiếng kháng nghị ngay và đã được Seoul đáp lại bằng các phong trào bài Nhật. Đến khi bà Phát Cận Huệ lên làm Tổng thống còn đưa thêm vấn đề lính Nhật hồi trước bắt phụ nữ Triều Tiên phục vụ tình dục, đòi Thủ tướng Nhật và cả Nhật hoàng phải chính thức lên tiếng xin lỗi và phải bồi thường cho các nạn nhân và gia đình chứ không thể coi đó là hành động đáng tiếc như Thủ tướng Abe đã phát biểu. Người ta thường nghe nữ Tổng thống Hàn quốc chỉ trích Nhật thật nặng mỗi khi có dịp nên phong trào bài Nhật ở Hàn quốc ngày càng mạnh, phát động luôn chiến dịch bài trừ hàng hóa Nhật.
Ở Nhật thì không có phong trào bài đồ Hàn quốc, nhưng người dân cảm thấy Hàn quốc đối xử với Nhật như thế thì không còn thích hàng hóa Hàn quốc nữa, phố Hàn ở khu Shin Okubo vắng khách dần, vắng đén nổi hơn nửa tiệm quán ở khu phố này phải dẹp tiệm.
Theo con số mà hải quan Hàn quốc vừa mới đưa ra đầu tháng 9 này thì số lượng hàng thực phẩm xuất khẩu sang Nhật đều giảm hơn phân nửa, chẳng hạn như mì ăn liền năm 2011 xuất sang Nhật là 11.400 tấn thu vào khoảng 52 triệu 780 ngàn mỹ kim nay chỉ còn 24 triệu 470 ngàn US, rượu Hàn quốc bán sang Nhật giảm khoảng 81% so với thời điểm năm 2011.
Thưa quý độc giả nói về mì ăn liền thì Nhật Bản là xứ phát minh mặt hàng này đầu tiên thế giới, về mặt kỹ nghệ sản xuất thì Nhật là một trong những quốc gia đứng hàng đầu nên đủ loại mì ăn liền và số lượng nhiều vô kể, rượu thì họ thường uống Saké chứ rượu Hàn quốc thì ít người nếm qua, nhưng mỗi khi mà đã thích Hàn quốc rồi thì vẫn mua để ăn và uống như thường, nay không thích nữa thì bỏ không có gì khó. Chúng tôi có nhiều người bạn Nhật đôi lúc cùng đi nhậu với nhau, trước đây vào quán gọi rượu Hàn quốc thì chẳng ai thắc mắc gì, nay mà gọi thì họ trả lời khéo thôi uống các thứ khác đi. Tuy nhẹ nhàng trong lời nói nhưng chúng tôi cảm thấy họ rất dứt khoát trong quyết định, đó là một trong những cái hay của người Nhật. Nếu người Việt chúng ta cũng làm như người Nhật đối với các mặt hàng Made in China thì hay biết mấy thưa có đúng không quý độc giả.
Leave a Comment