Radio Chân Trời Mới: Thưa Ts. Nguyễn Quang A, lâu nay chúng ta hay đề cập đến vấn đề tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Theo ông thế nào là chất lượng tăng trưởng trong kinh tế?
Ts. Nguyễn Quang A: Chất lượng tăng trưởng thì nói rộng lắm. Quan trọng là chất lượng gắn liền với tính hiệu quả của nền kinh tế, tức là trong phần tăng trưởng thì những phần nào là phần thực sự do năng suất lao động do những việc sử dụng nguồn lực hiệu quả thì được gọi là tăng trưởng có chất lượng. Có lẽ là cách tiếp cận ngược lại thì sẽ dễ hiểu hơn đối với bạn đọc và bạn nghe đài. Những loại tăng trưởng nào là những loại tăng trưởng thực sự không có chất lượng, tôi nói thí dụ: người ta làm một cái cầu rồi sập cái cầu ấy, thì cái công để bốc dỡ cái cầu sập ấy cũng là làm tăng GDP, cái công để xây lại cây cầu ấy cũng là làm tăng GDP; kể cả việc xây lần thứ nhất. Việc nó sập phải có công xá để dọn dẹp sạch nó đi rồi xây lại đều là góp phần tăng trưởng GDP, nhưng là loại GDP có chất lượng hoàn toàn xấu, như anh Trần Đức Nguyên một thời ở bên IDS chúng tôi gọi là “GDP bẩn”. Nói nôm na là GDP có thể tăng bằng cách chúng ta ra vườn sau đào một cái hố lên rồi chúng ta lại lấp xuống, rồi lại đào lên và lại lấp xuống. Cứ như thế như việc đào bới đường mà chất lượng kém thì tất cả những công việc thực sự là vô bổ ấy cũng sẽ góp phần làm tăng GDP. Nói cách khác, những GDP tăng theo kiểu như thế thì nó sẽ không có một tý chất lượng nào cả, tức là chúng ta nói chất lượng thì hơi khó nhưng nếu nói về kém chất lượng thì dễ hơn.
Radio Chân Trời Mới: Như vậy thì có thể hiểu rằng là nếu GDP như ông vừa trình bày về những công trình xây lên rồi đập xuống cũng là tăng trưởng GDP, thì sự tăng trưởng đó sẽ không bền vững phải không thưa ông?
Ts. Nguyễn Quang A: Khái niệm tăng trưởng bền vững lại là một khái niệm rộng hơn nhiều và có sự khác biệt một chút nhưng cái thí dụ tôi dùng ở trên về vấn đề chất lượng của sự tăng trưởng thì có thể toát lên rằng số liệu tăng trưởng GDP là một chỉ số rất quan trọng. Nhưng chỉ số ấy lại không nói lên một chút gì về chất lượng tăng trưởng của một đất nước chẳng hạn.
Radio Chân Trời Mới: Khi nhìn vào tình trạng kinh tế nước nhà hiện nay, có thể nói là đáng lo ngại khi mà vẫn nói là GDP đang ngày càng tăng trưởng?
Ts. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ nói như thế là hơi vội. Chúng ta phải xem xét thật kỹ việc tăng trưởng như thế nào. Ví dụ năm ngoái chúng ta tăng trưởng được năm phẩy mấy phần trăm, và 6 tháng đầu năm nay cho đến tháng 8 vừa rồi thì nền kinh tế tăng trưởng ở mức 6,3%; và sự tăng trưởng 6,3% trong bối cảnh quốc tế như hiện nay thì tôi nghĩ đó là thành tích không phải là tồi.
Radio Chân Trời Mới: Khi nói về tăng trưởng người ta thường nghĩ tới vấn đề hiệu quả mang lại đời sống người dân ngày càng khá lên hoặc kinh tế đất nước ngày càng hưng thịnh hơn, tuy nhiên hiện nay thì đồng tiền vẫn tiếp tục phá giá, đời sống của người lao động vẫn ngày càng cùng khổ. Phải chăng sự tăng trưởng ấy chưa đáp ứng được đúng chất lượng tăng trưởng như chúng ta mong muốn?
Ts. Nguyễn Quang A: Nói như thế cũng chưa thật sự có cơ sở lắm, bởi vì như vậy sự tăng trưởng có góp phần vào cải thiện cuộc sống của người dân hay không? Nếu nói chung chung là người dân vẫn còn khổ chúng ta phải có một so sánh với cái gì đó, chứ nói chung chung như vậy rồi đi đến kết luận chất lượng kém thì tôi nghĩ là hơi võ đoán.
Radio Chân Trời Mới: Nói về kinh tế thì có nhiều vấn đề khá phức tạp. Theo đánh giá của ông thì hiện nay kinh tế của Việt Nam so với các nước trong vùng đang ở mức độ nào và đang cần phải lo lắng những điều gì?
Ts. Nguyễn Quang A: Vấn đề so sánh với các nước thì chúng ta so sánh dựa trên rất nhiều các tiêu chí khác nhau, thí dụ về tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam so với các nước ở trong khu vực có thể nói không đến nỗi quá là tồi. Nếu so mức tuyệt đối, chẳng hạn như thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với bình quân đầu người của Thái Lan, Singapore, Indonesia hay Malaysia thì chúng ta còn kém xa bởi vì điểm xuất phát của chúng ta thấp hơn họ rất là nhiều. Và nhiều người dựa vào những con số vênh nhau như thế và bảo Việt Nam chậm hơn Thái Lan mấy chục năm, hay chậm hơn Singapore 50 năm chẳng hạn…, là những đánh giá dựa vào con số và không nhìn thấy hoàn toàn chiều hướng và bối cảnh, thì tôi nghĩ cũng chưa được toàn diện lắm. Việc so sánh với các nơi thì phải xem là so sánh đó bắt đầu từ thời điểm nào, xu hướng kéo dài hay sự tăng trưởng chỉ là tạm thời. Tôi nghĩ có như thế chúng ta mới có được một bức tranh tương đối là đầy đủ hơn, không bị méo mó.
Radio Chân Trời Mới: Nói về tăng trưởng kinh tế người ta hay nói về khoảng cách giàu nghèo. Nếu tăng trưởng kinh tế mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa ra thì đó là điểm xấu hay điểm tốt ạ?
Ts. Nguyễn Quang A: Vấn đề giàu nghèo lại là một chiều kích khác của một xã hội, đo mức độ bình đẳng, mức độ tái phân phối của một nền kinh tế. Tất nhiên là không ai muốn mức độ giàu nghèo giãn ra hay càng ngày càng lớn. Tôi vẫn nghĩ không có một nước nào muốn như vậy cả, nhưng gắn với sự tăng trưởng thì thường đi đôi với sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng. Điều đó là không tốt và mang tính phổ quát trên khắp thế giới và là điều nhức nhối chung cho tất cả các nước trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Chúng ta nhớ một vài năm trước đây phong trào chiếm Wall Street với khẩu hiệu 99% có mức [nghèo] thế này; còn 1% là những người giàu thì họ chiếm một mức rất lớn của một nền kinh tế như nước Mỹ, thì tôi nghĩ là trong sự phát triển nếu mức độ giàu nghèo có sự bất bình đẳng càng lớn thì càng không tốt. Đó là vấn đề đau đầu cho bất kể chính quyền một nước nào, họ phải dùng những biện pháp như thuế khóa, phá phân phối, tạo cơ hội việc làm cho những người thu nhập thấp có khả năng tăng lên; và đó là vấn đề chung của tất cả các nước.
Radio Chân Trời Mới: Việt Nam đã tạo ra những điều kiện gì để khoảng cách giàu nghèo có thể bớt đi?
Ts. Nguyễn Quang A: Trong 30 năm qua, có thể nói khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam đã tăng lên rất, rất nhiều; và hiện tượng những con cái của những trọc phú hay bản thân họ khoe khoang của cải, nhà cửa, xe cộ, làm cho dư luận rất bức xúc. Đấy là một căn bệnh rất đáng tiếc ở Việt Nam. Như tôi đã nói lúc trước, đây là căn bệnh không phải chỉ của Việt Nam, không là đặc thù của Việt Nam, mà ở khắp các nơi. Có thể nói rằng ở Việt Nam các chính sách của chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua về chính sách xóa đói giảm nghèo thì thực sự được Liên Hiệp Quốc (LHQ) đánh giá rất cao, và chương trình Mục tiêu Thiên niên kỷ mà chủ yếu là vấn đề giảm bớt những người nghèo ở mức thấp nhất, thì có thể nói rằng LHQ đánh giá thành tích của Việt Nam rất cao trong 10 năm trở lại đây.
Radio Chân Trời Mới: Vẫn có người lo ngại là đánh giá của LHQ có khả năng là quá tin vào những con số thống kê của chính phủ Việt Nam mà không nhìn vào thực tại cuộc sống của người dân Việt Nam. Ông suy nghĩ thế nào về điều này?
Ts. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ những điều lo ngại đó cũng rất có lý, bởi vì chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với những người nông dân, những người lao động tự do, những người cơ nhỡ, thì đúng là tình trạng cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn. Nhưng nhìn tổng thể trong sự phát triển các giai đoạn dài khoảng 20 năm qua thì những thành tích đó của Việt Nam là không thể chối cãi được, và tôi nghĩ rằng LHQ không chỉ dựa vào số liệu thống kê của Việt Nam, mà chúng ta có thể nói rằng những số liệu thống kê ấy là không đáng tin cậy. Họ có nhiều phương pháp để đo lường và đưa ra đánh giá của họ; và những đánh giá ấy cũng khó có thể phủ định hay nói là không có căn cứ.
Radio Chân Trời Mới: Khi đưa ra định nghĩa về nước nghèo, nước giàu, nước trung bình thì người ta đều có tiêu chí. Cách đây mấy năm Việt Nam tuyên bố đã thoát ra khỏi nước nghèo và trở thành nước trung bình. Việt Nam sau đó đã mất đi một số khoản ưu đãi của các tổ chức quốc tế. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới một số hoạt động, mà trước hết là xóa đói giảm nghèo mà chính Việt Nam phải cải chính lại một số điểm. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ts. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng phải nói chính xác Việt Nam được liệt vào loại nước có thu nhập thấp, và bây giờ Việt Nam vẫn được gọi là một nước có thu nhập thấp. Tuy đã vượt qua ngưỡng chuyển sang thu nhập trung bình, tức là trung bình GDP chia ra đầu người đạt khoảng 2000$/năm, vượt qua mức đó thì gọi là chuyển sang mức thu nhập trung bình. Nhưng trung bình của chúng ta chỉ vừa mới vượt qua đúng ngưỡng ấy, tức là vẫn ở trong những nước có thu nhập thấp, và có thể gọi là trung bình thấp. Điều đó có nghĩa là những khoản ưu đãi cho vay của quốc tế như ODA, các khoản cho vay chính thức hạn hẹp đi và có ảnh hưởng khó khăn đến chuyện phát triển sau này. Nhưng tôi nghĩ việc đó không phải ảnh hưởng ngay lập tức như anh nói, và nhất là ảnh hưởng đến chuyện xóa đói giảm nghèo của người dân. Bởi vì những việc đó không phải việc đi xin người ta bố thí để giúp cho người nghèo vì đó không phải cách xóa đói giảm nghèo bền vững. Xóa đói giảm nghèo bền vững là phải tạo ra công ăn việc làm để tạo ra sinh kế cho họ. Còn như ý anh nói là lấy viện trợ của người ta, trước đây mình là nước nghèo khổ người ta phải viện trợ, mà viện trợ đưa cho bà con để xóa đói giảm nghèo thì hiểu như vậy là không chính xác.
(Còn tiếp phần 2)
Leave a Comment