Dự báo của Tổng Cục thống kê, năm 2017 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn “dân số già”, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 trở lên) không ngừng tăng.
Do tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm, tuổi thọ tăng, người già ở Việt Nam đang tăng nhanh cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số chung. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người cao tuổi so với tổng dân số nước ta sẽ đạt 10% vào năm 2017, tức là cơ cấu dân số chính thức bước vào giai đoạn “già hóa”.
Liên hiệp quốc dự báo tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam sẽ tăng mạnh từ năm 2015 và chiếm 26,1% trên tổng dân số vào năm 2050. Theo các nhà nhân khẩu học, dân số già hóa gây ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế, hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội.
Rủi ro về kinh tế cũng lớn khi dân số Việt Nam rơi vào tình trạng “già trước khi giàu”, nghĩa là mức tích lũy, tiết kiệm không đáp ứng kịp với tốc độ già hóa.
Tốc độ già hóa nhanh còn khiến cho cân bằng bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, ở nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn, việc chăm sóc cho người già còn nhiều hạn chế, người cao tuổi không có lương hưu, chủ yếu sống phụ thuộc con cái hoặc phải tự mưu sinh vất vả.
Leave a Comment