Cuối tháng 8 vừa qua, Tổng Cục Thống Kê Việt Nam đã công bố bản báo cáo về tình hình phát triển Việt Nam sau hơn 3 thập niên đổi mới. Bản báo cáo đã cho biết GDP của Việt Nam bình quân từ năm1990 đến năm 2014 đạt 6,9% một năm, đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình thấp. Nhưng so với các nước chung quanh thì Việt Nam lại vẫn còn có nguy cơ tụt hậu.
Việt Nam tụt hậu so với Nam Hàn từ 30 đến 35 năm, so với Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, và Indonesia và Phi Luật Tân khoảng 5- 7 năm. Theo ông Trương Đình Tuyến, cựu Bộ trưởng thương mại cho rằng Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu vì các chính sách cải cách hoàn toàn bị hệ thống chính trị chi phối nên không tạo được các bước đột phá, khiến Việt Nam không có khả năng cạnh tranh. Để tìm hiểu về vấn đề này xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình phát thanh hôm nay.
***
Thanh Thảo: Từ năm 2008, tức là sau 20 năm đổi mới, Việt Nam đã giã từ khối những quốc gia nghèo để bước vào bậc thang của những quốc gia có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người là 1.145 Mỹ kim, đến năm 2014 tăng lên 2.052 Mỹ kim; tức là tăng gần gấp đôi sau 6 năm đẩy mạnh việc xây dựng các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty. Thế nhưng tại sao, Tổng Cục Thống Kê Việt Nam lại cho rằng Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu thưa ông?
Lý Thái Hùng: Theo như báo cáo của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam thì sau 30 năm cải tổ kinh tế, GDP của Việt Nam đạt 186,2 tỷ Mỹ Kim, gấp 29 lần so với năm 1990. Nhưng kết quả này so với Indonesia hay Phi Luật thì còn rất kém xa so với một đất nước có 90 triệu dân. Nhưng đó không phải là sự yếu kém quan trọng.
Điều mà Tổng Cục Thống Kê nêu ra sự yếu kém sau 30 năm cải cách đến từ ba yếu tố sau đây:
Thứ nhất là chất lượng tăng trưởng và hiệu quả nói chung đối với nền kinh tế, đặc biệt là hiệu quả sử dụng năng lượng vẫn còn quá thấp so với các nước trong khu vực cũng như khả năng huy động nguồn vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế còn quá thấp. Nói cách khác là do vấn đề quản lý cơ cấu kinh tế theo mô hình quốc doanh chủ đạo, dẫn đến hệ quả là sự phung phí tài nguyên đất nước vào những kế hoạch, dự án đầu tư nhằm phục vụ cho các nhóm lợi ích hơn là cho phát triển quốc gia.
Thứ hai là từ năm 2001, CSVN đã đưa ra định hướng xây dựng một quốc gia công nghiệp tiên tiến vào năm 2020; nhưng trong thực tế việc cơ cấu hóa nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa còn rất chậm, tỷ trọng nông nghiệp vẫn còn chi phối rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực. Nói cách khác là do quen lối làm ăn “bao cấp” của quá khứ và tiếp tục dùng “chính trị” chi phối lên những quyết định về “kinh tế” nên mọi sự thay đổi đều diễn ra quá chậm chạp và khập khễnh.
Thứ ba là nền giáo dục Việt Nam trong 30 năm qua không đi theo kịp với nhu cầu cải cách về kinh tế và sự phát triển của xã hội. Mặc dù CSVN có đưa ra một số chính sách như Chiến lược phát triển nhân lực thời kỳ 2011 – 2020, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 hay Cải cách và đổi mới giáo dục phục vụ công nghiệp hóa nhưng hoàn toàn không đáp ứng cả về mặt lý thuyết lẫn mặt thực tế trong thị trường nhân lực tại Việt Nam. Nói cách khác là hệ thống giáo dục Việt Nam đã không đào tạo được những con người đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế. Sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không đủ khả năng để được thu dụng vào các doanh nghiệp.
Những yếu tố mà Tổng Cục Thống Kê Việt Nam chỉ ra tuy là rất sát với thực tế của Việt Nam nhưng theo tôi nó còn tiềm ẩn nhiều nguyên do khác nữa.
Thanh Thảo: Vậy thì những nguyên do tiềm ẩn đó nằm ở đâu thưa ông?
Lý Thái Hùng: Trong Hội nghị kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức ở thành phố Đà Nẵng hôm đầu tháng 8 vừa qua, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia về kinh tế đã cho rằng trong xếp hạng về thể chế kinh doanh thì Việt Nam xếp ở mức rất kém trong các chỉ số về chi phí ngoài pháp luật. Tức chi phí “hối lộ” so với nhiều nước khác.
Theo bà Phạm Chi Lan thì cứ 1 đồng lợi nhuận, doanh nghiệp phải mất 1,02 đồng cho “hối lộ”. Câu hỏi đặt ra là hối lộ cho ai? Bà Phạm Chi Lan không đề cập nhưng ai cũng biết đó chính là những quan chức trong bộ máy đảng và nhà nước CSVN mà ngày nay người ta gọi là “lợi ích nhóm”.
Bản chất của “lợi ích nhóm” ở Việt Nam hiện nay còn là một tổ hợp có tổ chức của những người có cùng chung một số mục đích, cùng chung lợi ích, do đó, cùng chung hành động. Họ tìm cách tác động đến cơ quan, doanh nghiệp và những người có quyền theo hướng có lợi cho nhóm người nào đó, dưới các hình thức như: chạy dự án, chạy vốn, chạy chức, chạy quyền và thậm chí chạy cả chính sách.
“Lợi ích nhóm” chính là mặt trái của cái gọi nguyên tắc tập trung dân chủ mà CSVN đã và đang áp dụng và khi tập thể lãnh đạo được tuyệt đối hóa thì nó sản sinh ra những u nhọt chạy chức, chạy quyền là chuyện đương nhiên và theo tôi đây mới là nguyên nhân cốt lõi đã làm cho nền kinh tế hay sự phát triển kinh tế của Việt Nam bị trì trệ và có nguy tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực.
Vừa qua, ông Trần Ngọc Thơ đã nêu vấn đề tăng giá than, xăng điện trên Tuổi Trẻ Online ngày 10 tháng 9 vừa qua, giúp chúng ta thấy rõ của những khuynh loát của “lợi ích nhóm” trong các ngành này.
Ông Trần Ngọc Thơ cho rằng việc các tập đoàn Than – khoáng sản, Điện lực và Dầu khí đang đề nghị Chính phủ cho phép họ phân bổ hàng chục ngàn tỉ đồng thua lỗ vì quản trị sai lầm vào giá bán cho người tiêu dùng là một cấu kết nguy hiểm.
Theo ông Thơ thì trên thế giới này không có doanh nghiệp nào có thể tính toán thoải mái những sai lầm trong quản trị doanh nghiệp của chính mình vào giá thành rồi tính hết vào giá bán cho người tiêu dùng, ngoại trừ họ muốn phá sản vì bị các địch thủ khác cạnh tranh.
Ở Việt Nam, yếu tố ngoại trừ này đã được Nhà nước bảo hiểm cho các doanh nghiệp độc quyền rồi. Đây là một cách khuynh đảo để làm giàu bất chính của “lợi ích nhóm”.
Thanh Thảo: Nhà cầm quyền Việt Nam đang đàm phán để gia nhập vào TPP cũng như tham gia khoảng 15 hiệp định thương mại (FTA) với các quốc gia, các khối để phát triển kinh tế. Theo ông thì các hiệp định này sẽ giúp gì cho sự phát triển tại Việt Nam?
Lý Thái Hùng: Nền kinh tế của một quốc gia thường dựa trên hai yếu tố sản xuất để xuất khẩu và sản xuất để tiêu dùng nội địa. Đa số các quốc gia phát triển đều tự cân đối hai yếu tố trên, trong khi Việt Nam thì tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 1,8 GDP, tức là sức mua của thị trường nội địa quá thấp, do đó mà Việt Nam phải đi tìm đối tác bên ngoài để gia tăng sản xuất để xuất khẩu.
Việt Nam đã và sẽ ký khoảng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là đang đàm phát để ký hiệp định TPP. Với con số hiệp định thương mại tự do này, Việt Nam được coi là quốc gia đứng đầu thế giới về việc tham gia các thỏa thuận thương mại.
Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại, nhìn biểu kiến thì giúp phát triển nền kinh tế vì sẽ bán được hàng hóa ra bên ngoài nhiều hơn cũng như gia tăng đầu tư; nhưng về mặt thực chất thì nó có hai điều kiện:
Thứ nhất là những doanh nghiệp ở trong nước phải có khả năng hoạt động sản xuất thật sự thì thông qua sản xuất sẽ đầu tư về kỹ thuật để gia tăng thế mạnh cạnh tranh, từ đó sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển. Con nếu như chỉ làm công việc gia công cho các công ty ngoại quốc như Việt Nam đang làm thì không giúp gì cho phát triển.
Thứ hai là tham gia vào các hiệp định thương mại không chỉ đơn thuần về cải tổ kinh tế để cạnh tranh mà còn tác động lên các mặt về chính trị, xã hội, pháp lý vân, vân… Nói cách khác là hiệp định FTA không đơn thuần là những cam kết buôn bán giữa hai quốc gia mà còn là những cam kết nâng cao quyền của con người để đóng góp hiệu quả vào các cam kết thương mại của hai quốc gia.
Do nhu cầu mở cửa và cải cách nền kinh tế, CSVN đang đẩy mạnh việc ký các hiệp định FTA. Nhưng việc ký kết này chỉ hiệu quả và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội Việt Nam, CSVN phải cải cách chính trị, tôn trọng thể chế dân chủ tự do thì sự cải cách này mới có kết quả còn không thì sẽ loay hoay như 30 năm cải cách vừa qua.
Thanh Thảo: Gần đây trên mạng xã hội dư luận bàn tán sôi nổi về một phát biểu của một chuyên gia World Bank cho rằng Việt Nam là quốc gia … không chịu phát triển và đó là nguyên nhân gây ra những trì trệ hiện nay. Ông nghĩ gì về điều này?
Lý Thái Hùng: Theo tôi câu nói dí dỏm của chuyên gia World Bank đã nói lên điều rất thực tế tại Việt Nam là lãnh đạo CSVN miệng thì nói đổi mới, áp dụng kinh tế thị trường; nhưng trong đầu của họ thì rất lo ngại sự đổi mới vượt khỏi tầm kiểm soát nên lúc nào cũng đem vòng kim cô “duy trì tư tưởng Mác Lê-nin” để biện minh cho sự độc quyền cai trị của một thiểu số.
Kinh tế theo chủ nghĩa Mác Lê-nin là nền kinh tế tập trung. Trong khi nền kinh tế thị trường dựa trên nguyên lý dân chủ tự do. Với sự đối nghịch như vậy mà CSVN lại không nhìn ra mà còn cố tình dung hòa để chế ra quái thai: “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà giờ này không có ai giải thích nó là gì.
Khi lãnh đạo đảng CSVN tiếp tục coi quái thai nói trên là định hướng phát triển thì rõ ràng là họ không muốn phát triển, dù có đến hơn 90 tỷ Mỹ Kim (vốn ODA) trong tay mà chỉ phung phí trong những dự án xây xong rồi bỏ, chứ không giúp ích gì cho sự nâng cao đời sống người dân.
Điều đáng nói là nước Lào đã tiến hành cải cách kinh tế sau Việt Nam nhưng cuộc sống của người dân Lào đang qua mặt cuộc sống của người Việt Nam. Theo thống kê thì một hộ gia đình của Lào ở thành phố có ít nhất 1 xe ô tô, nhà ở ít nhất 500 mét vuông; còn Việt Nam một hộ gia đình ít nhất là một xe gắn máy và 50 mét vuông. Thống kê này đã cho thấy lãnh đạo CSVN không muốn phát triển.
Thanh Thảo: Trước những khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là nền kinh tế đang bị khủng hoảng trầm trọng của Trung Quốc, liệu lãnh đạo Hà Nội sẽ đưa những chính sách cải tổ để thoát ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc, vực dậy nền kinh tế trong đại hội đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016 không thưa ông?
Lý Thái Hùng: Năm nay – 2015, CSVN đã gọi đây là năm Doanh Nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh một cách cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày nào mà lãnh đạo CSVN không có những cải cách về chính trị thực sự, tức là không còn coi vai trò đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo duy nhất trong xã hội thì mọi cải cách đều chỉ là đánh bùn sang ao, vì hai lý do:
Thứ nhất là mọi chính sách cải cách như cải thiện môi trường kinh doanh hay thay đổi tư duy về quản lý, điều hành doanh nghiệp sẽ bị những “lợi ích nhóm” khai thác, tác động theo hướng có lợi cho phe nhóm của họ mà thôi. Do đó, muốn cải thiện doanh nghiệp phải bãi bỏ tư duy “quốc doanh chủ đạo” nâng vai trò kinh tế tư nhân và tạo một sân chơi bình đẳng.
Thứ hai là vì lo sợ sự mất độc quyền cai trị, lãnh đạo CSVN chỉ dung túng những cán bộ bất tài không dám sử dụng nhân tài của quốc gia, nên mọi chính sách đưa ra đều mang tính chất “đầu voi đuôi chuột” không đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Do đó, phải cải tổ chế độ giáo dục, hướng vào việc đào tạo nhân tài phục vụ quốc gia trong môi trường tự do dân chủ thật sự.
Nếu CSVN không cải tổ theo những hướng nói trên thì Việt Nam không những tiếp tục tụt hậu so với Thái Lan, Malaysia mà sẽ còn thua cả Lào và Campuchia, Miến Điện trong thời gian tới.
Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.
Leave a Comment