3 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa đồng loạt kêu lỗ hàng ngàn tỉ vì chênh lệch tỉ giá. Họ lại muốn bù lỗ này vào giá điện, tiếp tục đè lên đầu dân chúng món nợ tội lỗi quá khứ do các tập đoàn này gây ra.
Nhưng ngay cả một quan chức có trách nhiệm của chính phủ là Ông Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia – cũng phải khẳng định rằng cách tính lỗ của 3 tập đoàn trên là phiến diện, vì đã bỏ qua chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền: Tiền vay ngoại tệ với lãi suất rất thấp và tiền vay đồng Việt Nam với lãi suất cao.
Còn với dư luận xã hội và báo chí VN, việc than lỗ đang dấy lên lo ngại: Các doanh nghiệp lợi dụng việc tăng tỉ giá để đổ lỗi cho việc không có kế hoạch dài hạn trong kinh doanh, và viện cớ đó để tăng giá điện. Bất chấp mọi phản ứng của công luận và xã hội, Bộ Công thương và trên nữa là giới lãnh đạo chính phủ vẫn tiếp tục đè đầu dân sinh.
EVN thường được biết như một quán quân gây lỗ với hơn 40,000 tỷ đồng quẳng vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng… từ nhiều năm trước. EVN cũng xếp trong nhóm đầu bảng các doanh nghiệp VN với số vay ngân hàng lên đến 118,000 tỷ đồng (có thông tin cho biết lên đến 143,000 tỷ đồng).
Mãi cho tới nay, EVN vẫn chỉ mới thoái được một phần không đáng kể vốn liếng đã “chôn” vào khu vực tài chính. Toàn bộ gánh lỗ ấy, EVN đã thực hiện chiến dịch “bù lỗ vào dân” thông qua “cơ chế” tăng giá điện từ ít nhất 4 năm qua, bất chấp tình trạng suy thoái cùng kiệt của đất nước.
Sau nhiều tháng bưng bít thông tin, vào quý 1/2015 cơ quan chủ quản của EVN là Bộ Công thương lần đầu tiên phải thừa nhận thế cùng quẫn của “đứa con hoang đàng” của mình: nếu không tăng và thậm chí không tăng mạnh giá điện, EVN sẽ phá sản.
Nhưng một câu hỏi không thể bỏ qua là toàn bộ tiền lãi do EVN nhập khẩu điện từ Trung Quốc từ năm 2007 đến gần đây, với giá cao gấp 3 lần giá sản xuất điện trong nước, đã chui vào túi ai mà khiến EVN ra nông nỗi này ?
Leave a Comment