2/9/2015
Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân của Trung Quốc là đội quân lớn nhất thế giới với 2.3 triệu binh lính phục vụ trong các binh chủng bộ binh, không quân và hải quân. Trước thái độ ngày càng hung hãn của Bắc Kinh, nhất là trong vùng biển Đông, người ta phải nhìn lại quân đội Trung Quốc và tham vọng hiện đại hóa đội quân này của Bắc Kinh. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng mỗi năm 10% trong vòng 5 năm qua. Kết quả là gì? Chúng tôi (người dịch: báo LA Times) phỏng vấn ông Roger Cliff, nghiên cứu gia của Atlantic Council và tác giả của cuốn sách sắp phát hành “Sức mạnh quân đội Trung Quốc: đánh giá khả năng hiện tại và tương lai”.
Quân đội Trung Quốc so với quân đội Hoa Kỳ ra sao?
Khi đánh giá khả năng quân sự, chúng ta thường có khuynh hướng chú trọng vào những yếu tố vật chất như số lượng xe tăng hoặc binh sĩ. Nhưng theo lịch sử đã chứng minh thì các yếu tố này không tiên đoán chính xác kết quả của cuộc chiến. Mà đúng ra là cách quân đội được đào tạo, huấn luyện, tổ chức và tài năng của các nhân sự.
Nếu xét về vũ khí thì quân đội Trung Quốc trông rất tốt. Điều ngạc nhiên là phẩm chất của binh lính. Quân đội Trung Quốc nỗ lực đào tạo và rèn luyện binh sĩ. Một người lính Trung Quốc tiêu biểu không còn là hình ảnh của một quân đội nông dân nữa mà nay được rèn luyện kỹ lưởng như một binh sĩ Hoa Kỳ.
Một số hệ thống vũ khí của quân đội Trung Quốc đã lỗi thời và dựa vào thiết kế thời thập niên 50 của Liên Sô. Những hệ thống vũ khí mới sau này mà họ đem ra dùng tương đương với phần lớn vũ khí của quân đội Hoa Kỳ như xe tăng M1, chiến đấu cơ F-16 và các loại khu trục hạm của hải quân.
Những loại vũ khí này của Hoa Kỳ không mới; chúng được đem vào sử dụng trong thập niên 80 và 90. Vì chúng ta bận tâm với những xung đột có tầm nhỏ trong vùng Trung Đông trong những thập niên đó cho nên chưa kịp tân trang các loại vũ khí đời mới.
Đến năm 2020 vũ khí của quân đội Trung Quốc sẽ rất giống như của quân đội Hoa Kỳ năm 2000. Tuy có vẻ như Trung Quốc vẫn còn đi sau Hoa Kỳ tới 20 năm vào năm 2020 nhưng đừng quên là quân đội Hoa Kỳ không có hiện đại hóa gì nhiều từ đây cho đến đó. Thành ra Trung Quốc không hẵn là thụt lùi xa Hoa Kỳ về mặt vũ khí.
Về mặt cấu trúc tổ chức thì sao?
Có một số vấn đề cấu trúc: họ vẫn dùng mô hình dựa vào hệ thống quân dịch, tức là tân binh vào phục vụ hai năm rồi một đợt lớn giải ngũ. Do đó ở vào bất cứ thời điểm nào cũng có một phần lớn lượng binh sĩ thuộc năm đầu hoặc năm thứ nhì. Tuy nhiên họ có giới sĩ quan được rèn luyện tương đương với sĩ quan Tây Phương.
Khi xét về mặt nhân sự, họ đã biến đổi từ một quân đội nông dân qua một quân đội chuyên nghiệp hơn đồng thời cải thiện về mặt huấn luyện. Nhưng vẫn có vấn đề đáng kể về mặt hậu cần.
Còn học thuyết tác chiến như thế nào?
Chúng ta có thể sắp xếp các học thuyết tác chiến thành một chuỗi dài, bắt đầu từ học thuyết dựa vào giao chiến trực tiếp. Tức là lấy lực tinh nhuệ nhất để tấn công thẳng vào đối phương và bẻ gãy lưng đối thủ. Trong Thế Chiến Thứ Hai, Hoa Kỳ và Anh thắng trận theo lối đó. Học thuyết này không linh động lắm và nhờ vào lợi thế của hỏa lực mạnh.
Phe quân đội phát-xít Đức thì áp dụng học thuyết khác, giao chiến gián tiếp và điều động. Ý ở đây là không giao chiến trực tiếp nhưng đi tìm điểm yếu của đối phương, tấn công vào đó để làm tê liệt đối thủ.
Vào năm 1999 Trung Quốc áp dụng một học thuyết mới nhấn mạnh vào khả năng điều động và linh động, tấn công vào điểm yếu của đối phương và tránh giao chiến trực tiếp. Điều này hợp lý trong bối cảnh thập niên 90 khi mặt công nghệ và vật liệu của họ còn kém hơn các đối thủ như Hoa Kỳ, và ngay cả Nhật Bản và Đài Loan.
Nhưng vấn đề mà tôi khám phá ra là họ không có cấu trúc tổ chức hoặc nếp văn hóa thích hợp để áp dụng một học thuyết như thế. Nếu bạn có học thuyết về điều động và gián tiếp, bạn cần một tổ chức tản quyền, không chuẩn hóa, để cho phép những người cấp dưới lấy quyết định phù hợp với tình huống của họ đang gặp phải chứ không phải quyết định theo thủ tục tác chiến tiêu chuẩn. Bạn cũng cần hệ thống liên lạc hàng ngang để người lính ở tiền tuyến có thể nói chuyện trực tiếp với nhau ngay cả khi họ không ở trong cùng hệ thống điều khiển, thay vì phải liên lạc trở lại bên trên.
Cấu trúc quân đội Trung Quốc ngược lại. Nó rất là tập quyền, mọi quyết định được đưa lên trên. Không ai muốn lấy chủ động, không ai chịu trách nhiệm, mọi thứ đều phụ thuộc vào hệ thống điều khiển và mọi thứ rất ư là chuẩn hóa. Bạn phải tuân theo các thủ tục tiêu chuẩn và không được làm khác đi.
Còn nếp văn hóa của quân đội Trung Quốc như thế nào?
Nếu nhìn về nếp văn hóa của tổ chức, tôi thấy có những vấn đề tương tự. Nếu bạn muốn học thuyết về điều động và đổi mới, thì bạn muốn có một tổ chức biết trân quý những việc như chủ động, cải tiến, sáng tạo, dám lấy rủi ro. Thay vào đó quân đội Trung Quốc là một tổ chức đặt nặng vào kỷ luật và trung thành. Đây không thể nào là nếp văn hóa tổ chức mà bạn muốn áp dụng cho một học thuyết đòi hỏi tư lệnh chiến trường lấy quyết định chớp nhoáng để chụp lấy cơ hội hiếm hoi mà chỉ có mình họ thấy.
Tôi xem đây là yếu điểm cơ bản của quân đội Trung Quốc. Họ đạt được đầy đủ vật liệu và các yếu tố khác cho một quân đội hiệu lực nhưng lại thiếu cấu trúc tổ chức hoặc nếp văn hóa để trở thành một quân đội hiệu lực thật sự.
Trung Quốc có lợi thế gì?
Lợi điểm mà Trung Quốc có là những xung đột gì có thể xảy ra dính đến Trung Quốc thì xảy ra ở sân nhà của họ. Trong khi đó đối với Hoa Kỳ thì là ở nửa vòng trái đất. Điều này cho Trung Quốc được lợi thế của sân nhà.
Quân đội Trung Quốc dĩ nhiên là mạnh hơn so với các quân đội khác trong vùng như của Nhật Bản hay Đài Loan. Nhưng vì những điểm yếu kém cơ bản về mặt cấu trúc tổ chức khiến cho họ không hùng mạnh như ấn tượng cho thấy nếu chỉ xét về mặt vũ khí mà thôi. Và dĩ nhiên là họ chưa ở vị thế để cạnh tranh với Hoa Kỳ trong vai trò cường quốc thế giới.
Vấn đề tham nhũng trong quân đội được đề cập nhiều. Các sĩ quan cao cấp bị khai trừ vì ăn hối hội và có nguồn tin là hối lộ để được lên chức. Những việc này có ảnh hưởng đến sự hiệu lực của quân đội?
Tham nhũng là một cách hành xử. Nó có ý nghĩa với hai lý do. Thứ nhất là có giá phải trả liên hệ với tham nhũng – tiền hối lộ là tiền đáng lẻ ra dùng cho mục tiêu khác. Thay vì dùng để mua thiết bị chẳng hạn thì nó được dùng để mua chức. Thành ra có giá kinh tế phải trả cho tham nhũng.
Ngoài ra có giá phải trả về mặt hiệu suất tổ chức, bởi vì khi hối lộ để được lên chức thì người được lên chức không phải là người có khả năng nhất mà chỉ là người đưa hối lộ nhiều nhất. Thành ra quân đội không thăng chức cho người có tài. Đây là một vấn đề lớn và quan trọng cho quân đội Trung Quốc. Nhưng vấn đề thật sự là quân đội Trung Quốc tập trung vào sự ứng xử, chứ không phải những giá trị nền tảng của sự ứng xử đó.
Tại sao lại có tham nhũng trong quân đội? Bởi vì có lợi ích tiền bạc khi được thăng quan tiến chức hoặc giúp người khác thăng quan tiến chức. Nhưng cũng có những trị giá khác liên quan đến tham nhũng.
Tham nhũng thường xảy ra trong những tổ chức với độ tín cẩn thấp. Tham nhũng thường xảy ra trong những tổ chức đặt nặng về lòng trung thành. Vấn đề tôi thấy là lãnh đạo Trung Quốc tìm cách loại bỏ tham nhũng mà không thay đổi những giá trị nền tảng gây ra cách ứng xử như thế cũng như động lực kinh tế.
Tại sao Trung Quốc lại có cuộc diễn binh và tại sao trong thời điểm này?
Có nhiều phỏng đoán về chuyện này. Trung Quốc đã từng có những cuộc diễn binh này. Gần đây nhất là năm 2009. Nhưng trước đó là vào dịp kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc. Lần này thì không phải vậy.
Có lẽ giới lãnh đạo Trung Quốc muốn có cuộc diễn binh lớn một phần là muốn nhắn gửi đến các quốc gia trong vùng, nhưng khán giả quan trọng hơn hết là quần chúng trong nước. Trước nhất là để nhấn mạnh tầm quan trọng của quân đội Trung Quốc và do đó mối đe dọa an ninh hiện hữu. Thứ nhì là để nhấn mạnh một quốc gia Trung Quốc hùng mạnh.
Hoàng Thuyên tóm lược
Leave a Comment