Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhập siêu tám tháng đầu năm 2015 lên khoảng 3.6 tỷ Mỹ kim. Tính riêng nhập siêu từ Trung Cộng là khoảng 22.3 tỷ Mỹ kim.
Trên thực tế, Việt Nam đang xuất siêu sang nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu Châu, Châu Phi, … nhưng tổng thể chung Việt Nam vẫn nhập siêu, vì nhập khẩu từ Trung Cộng quá lớn, vượt xa so với xuất siêu sang các thị trường khác! Đặc biệt, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các máy móc, thiết bị cho các dự án mà Trung Cộng trúng thầu, cũng như các dự án đầu tư của Trung Cộng và phần lớn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước.
Trong cuộc trao đổi với tờ Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ông Trần Ðình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam cho biết Việt Nam vẫn chỉ xuất cảng nông sản thô, khoáng sản thô sang Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam nhập hầu hết nguyên liệu, phụ liệu của Trung Quốc để lắp ráp, gia công và “xuất cảng dùm Trung Quốc.” Bên cạnh đó thì nhà cầm quyền Việt Nam còn khuyến khích dân chúng “cõng hàng từ Trung Quốc về.”
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam thực sự chưa nắm bắt được cơ hội, và chưa được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại hưởng lợi nhiều nhất.
Điều này thể hiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), xa hơn nữa là Hiệp định thương mại tự do với EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác. Nếu không thay đổi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục bị yếu thế và đánh mất ngay chính thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Mặc khác, chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam dường như chỉ nhằm chứng tỏ Việt Nam đang tự do hóa thị trường, chứ không tính toán xem các chính sách đó tạo ra những tác động như thế nào và hậu quả ra sao trong tương quan kinh tế với Trung Quốc.
Leave a Comment