Trong mấy ngày qua không một tờ báo kinh tế nào trên khắp thế giới, kể cả nhật báo thông thường, mà không đề cập đến việc ngân hàng Trung ương Trung quốc liên tục phá giá đồng tiền nguyên (tức là đồng nhân dân tệ) của mình. Nếu sự phá giá như thế mà xảy ra ở Hoa Kỳ, Âu châu hay Nhật Bản thì các chuyên gia, kinh tế gia sẽ tập trung vào việc phân tích để chỉ ra những yếu điểm nào trong nền kinh tế của quốc gia đó dẫn đến chuyện phải phá giá đồng tiền của mình, nhưng vì chuyện này xảy ra ở Trung quốc nên các chuyên gia kinh tế còn vạch ra những điều bất thường của nền kinh tế Trung quốc hiện nay do chuyện nhà nước can thiệp vào quá nhiều.
Hàng năm vào tháng 8, các chuyên gia phân tích về thị trường chứng khoán trên thế giới tập trung ở New York để thảo luận về bối cảnh kinh tế toàn cầu để qua đó đưa ra một số dự đoán, năm nay đề tài thị trường chứng khoáng Trung quốc liên tục rớt giá và việc phá giá đồng nhân tệ không cần ai đề nghị vẫn trở thành đề tài chính trong các buổi thảo luận. Việc nhà nước Bắc Kinh ra lịnh tạm thời đóng cửa việc mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của mình cho thấy cơ năng điều chỉnh giá cả của Trung quốc quá yếu kém nếu không muốn nói đó là một trong những nguyên nhân chính làm cho cơ hội phát triển kinh tế của Trung quốc bị khép lại.
Trong kinh tế học, Bộ ba bất khả thi (hay còn gọi là Bộ ba chính sách , từ chuyên môn này tiéng Anh gọi là Impossible trinity hay The trilemma) gồm chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập để ổn định giá cả và tự do lưu chuyển vốn không thể nào thực hiện cùng một lúc, chỉ có thể đồng thời tiến hành hai trong ba chính sách nà mà thôi. Thế nhưng nhà nước Bắc Kinh vì không biết hay quá ham hố nên đã thực hiện ba chính sách này cùng một lúc nên chuyện gì đến sẽ phải đến. Đó là nhận xét của các chuyên gia về tài chánh Nhật đưa ra trong những cuộc thảo luận ở New York vào tháng 8 vừa rồi.
Cũng vào thời gian này các Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung quốc và một số trưởng lão đang đì nghĩ mát ở Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc và tổ chức hội nghị ở đó, mặc dù nội dung hội nghị luôn là điều tối mật thế nhưng vẫn có tin luồn ra cho biết là vấn đề phát triẻn kinh tế Trung quốc bị giảm tốc đưọc đem ra thảo luận hết sức gay gắt, một số người tham dự hội nghị đã cho rằng ông Tập Cận Bình đã sai lầm khi mở rộng thị trường chứng khoán cho người dân tham gia và bây giờ là việc hạ hối suất đồng nhân dân tệ.
Theo các chuyên gia tài chánh, tiền tệ Nhật Bản thì trong thời đại toàn cầu hóa như ngày hôm nay thì bất kỳ một biến động xấu nào đó của một trong các cường quốc kinh tế sẽ ảnh hưởng lên tất cả nên chuyện đồng tiền nguyên liên tục bị phá giá như thế đã làm biến động các thị trường chứng khoán Âu Mỹ và Nhật, nhưng thiệt hại nặng nhất vẫn là Trung quốc vì không ai còn muốn cất giữ đồng tiền này nữa thành ra nó sẽ khó mà trở thành một trong những ngoại tệ mạnh theo như mong ước của lãnh đạo Trung quốc. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung quốc khởi xướng chính thức ra đời vào cuối tháng 6 vừa rồi sẽ đi về đâu khi mà đồng nhân dân tệ mất giá như thế này, AIIB mà không hoạt động hiệu quả thì Trung quốc sẽ mất nhiều ảnh hưởng đối với các quốc gia trong vùng đó là chưa kể nếu như Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) có trụ sở chính tại Manila mà Chủ tịch ngân hàng này luôn là một người Nhật bơm thêm tiền vào cho các nước này vay. Về phía Nhật thì sẽ bị những thiệt hại như là giới trung lưu người Trung quốc sẽ không đến Nhật du lịch và mua hàng hóa đem về tiêu dùng nhiều như trước đây nữa, hàng xuất khẩu Nhật sang Trung quốc phải tăng giá bán trong khi đa số người Hoa lục đang phải giảm tiêu bởi vì gia tài của họ đang bốc hơi qua vụ đầu tư cổ phiếu vừa rồi. Ngược lại hàng hóa Trung quốc xuất khẩu sang Nhật dễ bán vì giá rẻ hơn trước sẽ khiến cho các hãng Nhật phải giảm giá thành mới cạnh tranh được trong khi Nhật đang đẩy mạnh việc chống giảm phát.
Nhiều chuyên gia kinh tế không cho rằng Trung quốc đang khởi động một cuộc chiến tranh tiền tệ, nhưng thực tế cho thấy việc đồng tiền nguyên mất giá theo ý đồ của lãnh đạo Trung quốc đã khiến cho thị trường hối đoái thế giới biến động kịch liệt và lẽ đương nhiên các quốc gia phải có đối sách về chuyện này.
Vào thời chiến tranh lạnh Liên Sô chạy đua vũ khí với Hoa Kỳ, kết quả như thế nào thì ai cũng biết, nay nếư Trung quốc khởi động cuộc chiến tiền tệ không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với nhiều quốc gia thì chuyện thắng bại thuộc về ai chỉ cần một thời gian ngắn nữa là sẽ rõ.
Leave a Comment