Gần đây dư luận trong và ngoài nước khá quan tâm đến tuyên bố của Đại sứ hợp chủng quốc Hoa kỳ tại Việt nam Ông Ted Osius trong cuộc họp báo chuyên đề về quan hệ Việt- Mỹ qua chuyến viếng thăm của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam Nguyễn Phú Trọng.
Thật ra tuyên bố trên của chính phủ Hoa kỳ chẳng có gì mới lạ. Tôn trọng thể chế chính trị của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng đôi bên cùng có lợi là tuyên bố của bất cứ một quốc gia nào trong công tác đối ngoại của mình. Ông O sius cũng như bao nhà ngoại giao khác của Mỹ đã từng tuyên bố, nó không hề chứa đựng yếu tố nào làm cho giới cầm quyền Hà nội hồ hởi tung hô, cũng không hề hàm chứa yếu tố nào làm cho phong trào dân chủ Việt nam tỏ ra thất vọng.
Nhìn lại các nước độc tài điển hình như Cu ba, Bắc Triều tiên, chính sách cấm vận của Mỹ và các nước phương tây trong nhiều thập niên qua đã không làm cho chế độ độc tài ở các nước này sụp đổ, vì chẳng một nhà độc tài nào tự nguyện từ bỏ quyền lực, trái lại họ chú tâm củng cố chế độ để sự độc tài ngày càng trầm trọng hơn. Nhà tù nhiều hơn trường học, cảnh sát, quân đội được biên chế hùng hậu để bảo vệ chế độ, biên giới trở thành vùng cấm, mặc sức cho những chế độ đó đưa ra các chính sách để củng cố nền độc tài, bưng bít thông tin, nhồi sọ ngu dân; thậm chí thảm sát người dân mà không cần quan tâm đến phản ứng của thế giới bên ngoài. Xét cho cùng thì chỉ người dân là cùng cực do hậu quả của cấm vận, trong khi tầng lớp cầm quyền ăn trên, nằm trốc chẳng khác gì vua chúa ngày xưa.
Thể chế độc tài luôn đối lập với nền dân chủ, văn minh. Chính sách mở cửa hội nhập là hiểm họa cho giới cầm quyền độc tài cộng sản, vì nó tạo cơ hội cho người dân tiếp cận tự do, hình thành ý thức dân chủ, làm tiền đề cho cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền thành công. Tuy vậy, nhà cầm quyền độc tải cộng sản vẫn bắt buộc phải mở cửa hội nhập để cứu nguy cho cho nền kinh tế lụn bại, vì kinh tế lụn bại sẽ dẫn đến sụp đổ.
Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đặt trên ba nền tảng: tiếp cận giao thương, hợp tác an ninh và cổ võ nhân quyền, dân chủ. Tuỳ theo mối quan hệ với từng nước và tuỳ theo tình hình, Hoa Kỳ có những chính sách chú trọng vào ba nền tảng đó với những mức độ khác nhau để phục vụ quyền lợi của Hoa Kỳ. Vì thế, tôn trọng thể chế chính trị của nước khác và áp dụng những nguyên tắc, chính sách ngoại giao như vừa kể là cách tạo ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với các quốc gia trên thế giới. Chỉ có cách tiếp cận thì mới có cơ hội chi phối, điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến các nước độc tài. Đầu tháng 7 vừa qua, trong bài diễn văn nhân dịp tái mở cửa các toà đại sứ Hoa Kỳ và Cuba sau khi nối lại bang giao, tổng thống Obama đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự tiếp cận hầu tạo ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Sự lạ lùng đến ngạc nhiên khi giới cầm quyền Hà nội tỏ ra hả dạ về tuyên bố của nói trên của chính phủ Mỹ. Có thể đây chỉ là động thái của phe nhóm trong giới cầm quyền cộng sản Việt nam đang cố tạo dáng cho Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm của mình chuẩn bị hành trang để tiến đến đại hội đảng toàn quốc sắp tới. Tuy nhiên trong phần cuối cuộc họp báo, đại sứ Mỹ đã đưa cho Hà nội một thông điệp rất rõ ràng rằng: “ Một trong những điều kiện để hoàn tất việc đàm phán hiệp định đối tác xuyên thái bình dương(TPP), Việt nam phải chấp nhận tuân thủ các tiêu chuẩn lao động của quốc tế, những tiêu chuẩn đó sẽ bao gồm cho phép sự tự do thành lập các nghiệp đoàn và tự do hội họp” . Như vậy có thể khẳng định là lập trường của Mỹ không có gì thay đổi. Họ hướng vào những vấn đề lớn, những vấn đề mang tầm chiến lược. Một nước Việt nam có được việc tự do lập hội, mà trước tiên có nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi ích của người lao động thì đây là bước tiến mang tầm vóc lịch sử. Xét cho cùng, đó chính là một trong những yếu tố cốt lõi để tiến đến dân chủ.
Như đã trình bày ở trên về những chính sách dựa trên ba nền tảng ngoại giao của Hoa Kỳ; ở đây là nền tảng giao thương (TTP) và nền tảng nhân quyền. Người Việt Nam có câu “ lạt mềm buộc chặt” diễn tả trường hợp này.
Vi Đức Hồi
Leave a Comment