Ngày 12/8/2015, ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp thay mặt Chính phủ CSVN trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giải trình về dự luật tiếp cận thông tin, xin ý kiến lần đầu. Dự luật sẽ được tiếp tục chỉnh lý, bổ sung để trình lên Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tháng 10 tới đây.
Sau khi tiếp nhận, đánh giá về dự luật, Phó chủ tịch Quốc hội – ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, hiện nay nhiều nội dung, giấy tờ đóng dấu mật tràn lan là không hợp lý, thậm chí có những giấy mời họp cũng đóng dấu mật. Ông Sơn đưa ra thêm ví dụ về tình hình sức khỏe của một số quan chức, như các ông Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh thời gian qua. Ông Sơn cho rằng chuyện sức khỏe của cán bộ không đến mức bí mật. Vì cứ coi là bí mật nên mới sinh ra nhiều chuyện phức tạp, báo chí đưa tin, rồi đồn đoán này khác.
Theo ông Hà Hùng Cường thì quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của người dân đã được hiến pháp quy định. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành quy định chưa rõ và chưa thống nhất về nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; về cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin; về phương thức, hình thức, trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin. Do vậy, quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa được bảo đảm bằng các cơ chế pháp lý đủ mạnh.
Việc cung cấp thông tin còn nhiều bất cập đã dẫn đến nhiều hệ lụy như một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí đặc quyền nắm giữ thông tin để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi đề nghị không chỉ cơ quan nhà nước mới có trách nhiệm cung cấp thông tin khi công dân yêu cầu, mà mọi thông tin liên quan đến đời sống người dân, lợi ích của cộng đồng thì tổ chức nào cũng phải cung cấp.
Hiện nay quyền tiếp cận thông tin của người dân luôn bị hạn chế, mà trách nhiệm giải trình của nhà nước gắn bó mật thiết với quyền tiếp cận thông tin. Bởi có đầy đủ thông tin thì người dân mới có thể giám sát các hoạt động của chính quyền. Điều này giúp tăng tính minh bạch và dân chủ trong xã hội. Nhưng đó cũng chính là điều các chế độ toàn trị luôn sợ hãi. Do đó, tương lai của dự luật này, và việc thực thi luật nếu được thông qua vẫn còn mù mờ.
Leave a Comment