Chiều 28 tháng 7, 2015, phúc trình với hội đồng thành phố Sài Gòn, ông Lê Văn Nhân, phó giám đốc Trung Tâm Y Tế Dự Phòng thành phố Sài Gòn cho biết, chất lượng nước giếng ở thành phố này không đạt quy chuẩn của Bộ Y Tế về chất lượng nước sinh hoạt.
Kiểm tra 1.400 mẫu nước ở 7 quận, huyện ngoại thành, đa phần không đạt về chất lượng lý hóa (độ pH thấp và hàm lượng sắt cao) và một số không đạt chất lượng vi sinh. Cụ thể, nước có chất lượng pH thấp sẽ gây bệnh ngoài da; các vấn đề về tiêu hóa như trướng bụng, khó tiêu. Còn nước có tỷ lệ sắt quá cao (có màu, mùi tanh) cũng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa.
Tuy nhiên theo ông Nhân, nguy hiểm nhất là qua kiểm tra, phát hiện một số mẫu nước bị nhiễm chất amoni (110/1.400 mẫu). Nếu sử dụng nước nhiễm amoni cho việc ăn uống hàng ngày sẽ gây tác hại rất lớn. Vì chất amoni sau khi chuyển hóa thành nitra, nitrit làm cho cơ thể chúng ta bị thiếu oxy, gây bệnh ung thư.
Trả lời về vấn đề này với báo chí, ông Nguyễn Thành Chung, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải thành phố Sài Gòn bao biện, chỉ có khoảng 11 phường chủ yếu ở quận 12 đang sử dụng nước sinh hoạt có nhiễm amoni như: An Thới, Tân Thới Nhất, Tân Thới Nhì, Hiệp Thành, Tân Thới Hiệp,… do: “Nước ở đây chưa qua xử lý chứ không phải đã qua xử lý mà vẫn bị ô nhiễm” .
Trong khi đó, thực tế là cả 17 quận, huyện vùng ven của Sài Gòn chưa được chính quyền địa phương hướng dẫn cách xử lý nước, người dân không biết cách dùng thiết bị xử lý hoặc có nhưng chưa đúng kỹ thuật. Ngoài ra, nhiều địa phương quản lý kém làm cho chất lượng nước khi đến tay người sử dụng không bảo đảm, song giá bán thì cao hơn so với quy định.
Theo phúc trình thẩm định về tình hình cung cấp và chỉ tiêu sử dụng nước sạch của hội đồng thành phố Sài Gòn, hiện thành phố này vẫn còn hơn 358.000/1,8 triệu hộ dân chưa được sử dụng nước sạch. Nhiều điểm cung cấp nước sạch không đạt tiêu chuẩn của Bộ Y Tế quy định.
Leave a Comment