Ngày hôm sau (20/7) hãng thông tấn DPA đã đi tin cải chánh của Trung tướng Võ Văn Tuấn, phó tổng tham mưu trưởng quân đội CSVN rằng “sức khoẻ” của tướng Phùng Quang Thanh vẫn ổn định sau cuộc giải phẫu và sẽ trở về Việt Nam vào cuối tháng 7. Nhưng DPA vẫn không phủ nhận nguồn tin Tướng Thanh đã chết.
Để xác tín điều mình nói, Tướng Võ Văn Tuấn cho biết là ông đã được nói chuyện trực tiếp với Tướng Phùng Quang Thanh ngay sau khi bản tin DPA loan tải, và còn cho biết là Tướng Thanh tỏ ra “bức xức” trước thông tin nói ông đã chết.
Trước hung tin do DPA loan tải, các báo lề đảng đã đồng loạt phản công dưới sự chỉ đạo của Ban tuyên giáo trung ương rằng DPA đã loan tin thất thiệt và cho phỏng vấn Tướng Võ Văn Tuấn, phó tham mưu trưởng của Bộ quốc phòng để “chữa cháy”.
Tuy nhiên, vấn đề sống chết của Tướng Phùng Quang Thanh vẫn còn rất mơ hồ:
Thứ nhất là tin Tướng Thanh từ trần là do một nhân vật ẩn danh trong quân đội CSVN cung cấp cho hãng thông tấn DPA.
Thứ hai là Bộ quốc phòng CSVN qua Trung tướng Võ Văn Tuấn, đã yêu cầu DPA phải loan tin cải chính Tướng Thanh chưa chết, với lý do là đã liên lạc được với Tướng Thanh cho biết sức khoẻ diễn tiến tốt sau đợt giải phẫu. Nhưng ngay cả một tấm hình chụp, một đoạn video là những bằng chứng đơn giản nhất để chứng minh cũng không hề có.
Những tin tức và diễn biến liên quan đến việc sang Pháp chữa bệnh, và sự sống chết của Tướng Phùng Quang Thanh đều xuất phát từ giới quân đội CSVN.
Một bên thì tiết lộ Tướng Thanh đã chết nhưng muốn giữ bí mật tông tích, một bên thì công khai cải chính Tướng Thanh vẫn còn sống và sắp về nước.
Trong một xã hội tự do dân chủ và xuyên suốt, những tin tức sống chết của cấp lãnh đạo không thể nào úp úp mở mở như trường hợp Tướng Phùng Quang Thanh hiện nay.
Nếu thật sự Tướng Phùng Quang Thanh đang trị bệnh tại Pháp, người ta chỉ cần cung cấp một tấm hình hay một cuộc phỏng vấn ngắn của một Bác sĩ nào đó của Bệnh viện Georges Pompidou, ít nhiều xóa tan những nghi vấn của dư luận.
Vấn đề là tại sao CSVN đã không làm như vậy và chỉ giải thích theo kiểu “mọi sự đều tốt đẹp” trong khi thực tế thì mọi người đều thấy là không hề “tốt đẹp”.
Thứ nhất, tin tướng Phùng Quang Thanh sang Pháp chữa bệnh được loan tải ngay trước khi ông Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị chuyến viếng thăm Hoa Kỳ từ ngày 6 đến 10 tháng 7. Cả ông Trọng lẫn ông Thanh đều được đánh giá là phe thân Trung Quốc hay nói đúng hơn là dựa vào Trung Quốc để nắm quyền.
Nhưng thái độ “thân” Trung Quốc của Nguyễn Phú Trọng đã thay đổi sau chuyến viếng thăm Hoa Kỳ khiến cho Bắc Kinh lo ngại và đã phải tức tốc cử Trương Cao Lệ, phó thủ tướng, thường trực ủy viên bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc sang gặp để hỏi trực tiếp về chuyến Mỹ du 5 ngày của ông Trọng.
Trong các cuộc hội kiến, Trương Cao Lệ nói rằng mục đích chuyến đi lần này là để chấp hành thỏa thuận chung của lãnh đạo hai nước đã đạt được, hầu tăng cường giao lưu trao đổi, củng cố tin cậy lẫn nhau về chính trị, thúc đẩy hợp tác, tăng cường giao lưu nhân dân.
Tại sao vào lúc này, họ Trương và lãnh đạo Bắc Kinh lại đề cao sự giao lưu giữa hai giới chức của hai nước, nếu không nói là Bắc Kinh đang lo ngại phe thân Trung Quốc “tự diễn biến” hoặc bị thanh trừng? Tướng Thanh nếu bị chết theo tin của DPA, rất có thể nằm trong trường hợp này.
Thứ hai, tin tướng Thanh qua đời là do một quan chức ẩn danh trong quân đội đã tiết lộ cho DPA. Cho đến nay, DPA đã không đính chính nguồn tin từ quan chức ẩn danh này mà chỉ loan tải lời cải chính của Trung Tướng Vũ Văn Tuấn cho thấy là có sự “xung đột ngầm” trong cánh quân đội.
Nói cách khác, trong nội bộ của giới quân sự CSVN đã có hai luồng phản ứng về sự sống chết tướng Thanh, biểu hiện cho hai thái độ “thân” và “chống” lại những hành động bá quyền của Bắc Kinh trong nhiều năm qua.
Việc một quan chức quân đội ẩn danh tiết lộ tin Tướng Thanh đã chết cho DPA ngay vào lúc Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ viếng thăm Việt Nam là chuẩn bị có kế hoạch. Nhóm này muốn gây đòn ly gián trong giới quân sự thân Bắc Kinh, khi mà xu hướng chung của đảng đang xích gần với Hoa Kỳ sau chuyến đi Mỹ của ông Trọng.
Vì thế, sự sống chết của Tướng Thanh theo bản tin DPA đã cho thấy có sự “lùng bùng” trong giới quân sự CSVN khi CSVN chọn đường lối đi gần với Mỹ hiện nay.
Nói tóm lại, việc lãnh đạo Hà Nội đã có những thái độ “mập mờ” về sức khoẻ của Tướng Phùng Quang Thanh hiện nay, biểu hiện sự phân hóa, đấu đá nội bộ và lấn cấn của chính lãnh đạo Hà Nội trong việc chuyển dịch thế đứng mới đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc, sau chuyến thăm “lịch sử” trên nước Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng.
Leave a Comment