Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố bản Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, cho thấy vấn đề ngân sách của Việt Nam đang là mối lo ngại chẳng những của chính phủ Việt Nam mà cả của các định chế tài chánh quốc tế.
Thực tế trong những năm gần đây, nợ công của Việt Nam được đánh giá là tăng rất nhanh. Trong khi đó, áp lực chi phí trả lãi cũng tăng cao, chiếm gần 7,2% chi ngân sách, đôi khi lấn át các khoản chi tiêu cần thiết khác.
Tính đến cuối năm 2014, nợ công của Việt Nam ước tính 2,347 nghìn tỉ đồng, tương đương khoảng 110 tỉ đô-la. Trong đó bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Tỷ trọng nợ công so với thu nhập tổng sản phẩm quốc dân cũng tăng nhanh, từ 50% năm 2011 lên 59,6% năm 2014.
Trong số này nợ chính phủ chiếm 79,6%, 19% là nợ được chính phủ bảo lãnh và khoảng 1,4% là nợ của chính quyền địa phương. Theo đà này, các nhà quan sát dự báo tổng số nợ công của Việt Nam có thể đạt gần mức 65% hoặc hơn trong 2 năm sắp tới.
Ngân hàng Thế giới cho biết, nợ tăng do thay đổi cơ cấu nợ. Do không còn được hưởng các khoản vay ưu đãi của quốc tế cho nhu cầu tài trợ ngân sách tăng nhanh, Việt Nam phần lớn phải dựa vào nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn. Trong khi đó, huy động vốn trong nước dựa vào phát hành trái phiếu chính phủ với thời gian đáo hạn tương đối ngắn, dẫn tới rủi ro quay vòng nợ không khớp với kỳ hạn.
Tình trạng mất cân đối ngân sách của Việt Nam vẫn là mối lo ngại hàng đầu vì chi phí trả nợ hàng năm có thể là gánh nặng ngày càng tăng cho ngân sách.
Hiện nay trần nợ công của Việt Nam được đặt ở mức 65%. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo con số này có thể sẽ sớm bị vượt qua, vì chính phủ không có khả năng giảm nợ công xuống trong năm nay.
Tăng thu ngân sách bằng mọi cách cũng chỉ đủ để trả lãi nếu không giảm được nợ công. Không có cách giải quyết, không làm ra tiền để trả nợ thì phải vay tiếp và càng ngày tỷ tiền đi vay để trả lãi sẽ càng lớn lên.
Đó là bức tranh u ám của nền kinh tế Việt Nam, mà không mấy viên chức lãnh đạo muốn đưa vai gánh vác. Bởi vì tiền “chấm mút” dự án thì làm giàu riêng cho giới lãnh đạo, còn chuyện trả nợ thì để người dân và thế hệ sau gánh chịu.
Leave a Comment