Quảng Cáo

Ai bảo vệ ngư dân ?

Quảng Cáo

Lại thêm một tàu đánh cá của ngư dân bị Tàu cộng uy hiếp và ăn cướp. Cứ mỗi lần ngư dân bị Tàu cộng tấn công và ăn cướp thì câu hỏi đầu tiên cớ lởn vởn trong tâm tưởng là: Hải quân Việt Nam đâu ? Cảnh sát biển đâu? Không có câu trả lời cụ thể. Nhưng sự thật dần dần hé lộ thì rất bẽ bàng. Hải quân và cảnh sát biển không đủ khả năng bảo vệ ngư dân đã đành, nhưng một bộ phận của lực lượng biên phòng còn tỏ ra tham nhũng.

Không rõ vì lý do gì mà đề tài về ngư dân bị Tàu cộng ăn cướp và ức hiếp chưa được báo chí VN khai thác một cách thích đáng. Báo chí có đưa tin tàu đánh cá VN bị Tàu cộng tấn công, rồi hình như chỉ dừng ở đó. Họ thậm chí không dám viết tên của tàu cướp mà chỉ bâng quơ viết là “tàu lạ”. Họ không dám đặt câu hỏi trực tiếp và bức xúc như trong khi hàng loạt tàu của ngư dân VN bị đánh cướp thì hải quân và hải cảnh VN ở đâu.

Nhưng cũng may là trong khi báo chí VN không lên tiếng thì có đài của “địch” như BBC, RFA và RFI lên tiếng dùm. Cha nó lú thì cũng có chú nó khôn. Qua những thông tin từ các đài vừa kể chúng ta dần dần có thể hình dung ra hoàn cảnh của ngư dân Việt Nam trước sự lấn áp của Tàu.

Trả lời câu hỏi hải quân VN ở đâu khi ngư dân Việt bị Tàu cộng ăn cướp, một ngư dân cho biết: “[…] các tàu Hải quân Việt Nam chủ yếu tập trung ở 110 độ kinh đông vào đất liền, phía bắc thì từ 16 độ vĩ bắc trở xuống, ngoài phạm vi đó thì tàu Hải quân Việt Nam ít xuất hiện”. Nhưng những vụ Tàu cộng uy hiếp và ăn cướp tàu cá của VN thì thường xảy ra ở Hoàng Sa. Nói cách khác, những chỗ Hải quân tuần tra thì tàu cá VN không hoạt động, còn những vùng tàu cá VN hoạt động thì không có Hải quân VN mà chỉ có Hải quân Tàu.

Thế nhưng các quan chức Chính phủ hứa hẹn rằng ngư dân sẽ được bảo vệ khi ra đánh cá. Nhưng trong thực tế thì không hẳn như thế. Một ngư dân trả lời phỏng vấn nói một cách thật thà: “Bảo vệ gì đâu! ra đó làm sao mà đụng được với Trung Quốc mà bảo vệ? Chỗ đó đâu có ra được chỉ có dân ra chứ bên quân sự đâu có ra được. Khu vực đó thằng Trung Quốc nó quản lí hết làm sao mà ra. Đánh cá thì đánh chui ở Hoàng Sa chớ cảnh sát biển không tới mép nước nữa”. Mà không chỉ anh ngư dân nói như thế, một quan chức của lực lượng Cảnh sát biển VN cũng thú nhận rằng “Phải nói thật với nhau là lực lượng ta còn yếu, thứ hai nữa đã yếu rồi nhưng phối hợp với nhau chưa phải là tốt lắm. Mặc dù so với xưa ta đã có nhiều tiến bộ” (2). Thành ra, báo chí phải thốt lên là Cảnh sát biển có mà cũng … như không !

Như vậy thì đã khá rõ: ngoài miệng thì nói Hoàng Sa là của VN nhưng hải quân của VN không có mặt ở đó. Có thể hiểu ngầm rằng VN đã mặc nhiên công nhận Tàu cộng có chủ quyền hoàn toàn ở Hoàng Sa, và một phần nào đó, ở Trường Sa. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng trên thực tế, bởi vì Tàu cộng có lí do để nói đó là vùng biển của chúng — một cách hợp pháp. Từ cách hiểu đó, bất cứ ngư thuyền nào của VN hay nước khác vào đánh cá ở Hoàng Sa là bất hợp pháp, và Tàu cộng có quyền bắt bớ, giam cầm, thậm chí tịch thu ngư cụ. Họ chỉ đơn giản viện dẫn rằng đây là vùng biển của họ. Nếu cãi lại, họ sẽ hỏi “vậy chứ hải quân và hải cảnh của anh có mặt ở đây không.”

Sự hợp thức hoá của Tàu cộng còn thâm hiểm hơn nữa. Chúng đặt ra cái gọi là “Thông hành hải”, tức giấy phép cho đánh bắt cá trong vùng biển mà chúng chiếm đóng từ VN. Theo lời kể của ngư dân thì họ phải mua cái “Thông hành hải” mới được đánh bắt ở Hoàng Sa. Mỗi giấy phép như thế lên đến 2000 USD (khoảng 40 triệu đồng) và chỉ có giá trị 1 năm. Không có cách nào khác, ngư dân VN phải mua Thông hành hải của Tàu cộng. Nhưng chính việc mua đó cũng là một chứng từ phía VN chấp nhận rằng Hoàng Sa là của họ và do họ quản lý.

Mới đây, một tin động trời do báo Lao Động phát hiện là các lực lượng tuần tra biển ở Quảng Trị lập hồ sơ khống để “ăn”. Nói cách khác, họ không đi tuần tra trên biển nhưng họ báo cáo là có đi để lấy tiền. Số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Thật khó tưởng tượng nổi khi một lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ ngư dân mà lại tham nhũng. Đúng như một bài bình luận trên Lao Động viết “Mỗi dòng tin ngư dân Việt Nam bị tấn công trên biển, bị tàu Trung Quốc bắt giữ hay đuổi đánh là một nỗi đau xót tận cùng gan ruột. Vậy mà những người có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ chủ quyền và bảo vệ ngư dân lại có thể ‘ăn bớt’ chính nhiệm vụ của mình”. Sự việc gây bức xúc trong dư luận, đến nỗi một tờ báo khác phải lên tiếng. Báo GDVN, sắp thành một Hoàn cầu thời báo của VN, viết như sau: “Nhưng có lẽ nỗi sợ hãi từ sự vô cảm của một bộ phận cán bộ thực thi nhiệm vụ còn nguy hiểm hơn nhiều so với sự đe dọa của thiên nhiên, tàu lạ uy hiếp. Họ chính là những ‘kẻ’ đã quay lưng bỏ mặc ngư dân ‘sống chết mặc bay’; bỏ mặc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng vì đồng tiền và sự vụ lợi của bản thân“. Đúng quá.

Sự việc còn làm cho công chúng đặt câu hỏi trước phát biểu mới đây của ông Phó Chủ tịch QH, thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn. Khi được hỏi quân đội có tham nhũng không, ông trả lời rất thuyết phục và rất khẳng định rằng “Quân đội có cái gì đâu mà tham nhũng”. Nhưng nay thì chúng ta biết rằng câu phát biểu đó không hẳn đúng hoàn toàn. Công bằng mà nói sự tham nhũng của một bộ phận biên phòng như thế chưa đủ để nói rằng quân đội tham nhũng. Nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ cần một vụ nhỏ bị khui ra cũng đủ để người dân đặt câu hỏi nhức nhối cho cả một hệ thống.

Quay lại câu hỏi nhức nhối “Ai bảo vệ ngư dân”, có lẽ câu trả lời hiện nay là chẳng ai cả. Ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, rõ ràng là chẳng ai bảo vệ ngư dân cả. Không có hải quân, không có biên phòng, và chẳng có hải cảnh. Nhưng khi họ bị nạn và về đến bờ thì chúng ta thấy có khá nhiều người mặc quân phục chỉnh chu, với hai vai đầy sao lấp lánh, họ đến để chụp hình, ghi chép, và … “làm rõ”. Trong điều kiện như thế mà ngư dân Quảng Ngãi và Quảng Nam vẫn bám biển, phải ghi nhận rằng họ mới đích thực là những anh hùng – những anh hùng vô danh.

 

 

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux