Những đền đài xây bằng nước mắt
Trả lời phỏng vấn với tờ Guardian, ông Mujica nói rằng ông thấy mình “lố bịch khi tận hưởng giữa sự khó khăn của đồng bào mình”. Giữa thế kỷ đầy cám dỗ vật chất và những tuyên bố hy sinh mang đầy tính mị dân của không ít kẻ cầm quyền, câu chuyện của ông Mujica thật sự là một nốt nhạc chói tai giữ những dàn đồng ca về lý tưởng đầy lừa dối.
Người dân Uruguay thật hạnh phúc khi có một người lãnh đạo biết yêu thương mình. Trong suốt 5 năm nhiệm kỳ của ông Mujica, đất nước chỉ có nền kinh tế trị giá 55 tỷ USD này đã làm mọi cách để dân chúng có thể tiến gần tới giấc mơ no đủ và không phải chịu nhiều loại thuế trên phần thu nhập it ỏi của họ.
Giá mà ông Mujica là một trong những nhà lãnh đạo ở Hà Tĩnh, có thể nước mắt của nông dân ở đây đã không rơi nhiều như ngày hôm nay. Ruộng đồng không bị vắt kiệt sức để góp nuôi cho bộ máy chính quyền ngày càng sang trọng và lộng lẫy ở tỉnh này. Hà Tĩnh, nơi lừng danh với những giọng hát hay, giờ đây đã bị lấn át bởi những tiếng khóc của nông dân.
Loạt bài phóng sự Gánh nặng quê nghèo của báo Nông Nghiệp Việt Nam mới đây, đã vén bức màn thêu hoa che đậy, cho thấy sân khấu đời còn lại của những người nông dân Hà Tĩnh chỉ là nghẹn ngào và tăm tối. Hơn chục năm nay, những người nông dân cắm mặt vào đất, thở dốc để làm ra hạt lúa, cuối cùng lại bị tước đoạt bằng những khoản thu đủ các tên gọi. Nhân danh thu cho ngân sách, chính quyền đến từng nhà ép đóng, đóng không kịp thì bị phạt lãi cao như tiền đi vay ngoài chợ. Nông dân kiệt quệ, nhiều gia đình xin trả đất đi làm nghề khác vì không còn nuôi nổi bản thân với trùng vây các loại thuế, phí, khoản thu… Sợ không thu đủ, chính quyền cho người ập tới sân nhà từng gia đình cướp lúa ngay khi họ mới gặt về. Những chuyện tưởng chừng chỉ có trong thời thực dân Pháp của thế kỷ trước, thì lại diễn ra công khai, kéo dài trong nỗi nghẹn ngào của người sống với ruộng đồng.
Mà chính quyền thu tiền để làm gì? Trong hàng chục các khoản thu mà mục đích đầy bí ẩn ấy, có cả khoản dùng để nuôi cán bộ, mang tên là “quỹ hành chánh phúc lợi”. Chỉ riêng quỹ này thôi, mỗi xã nghèo phải bị tận thu mỗi năm từ 350 triệu cho đến 1,7 tỷ đồng. Hãy hình dung những vùng quê nghèo khó ấy bị buộc phải nặn ra số tiền khổng lồ đó, thì không chỉ có mồ hôi, nước mắt của nông dân, mà còn có nỗi tuyệt vọng mới có thể dệt nên những bộ đồ vest và những chiếc xe đắt tiền cho các vị cán bộ nông thôn ấy.
Nông dân Việt Nam mãi mãi là những người khốn khó sau cùng của đất nước, dù đến một cơ quan nào ở nông thôn, những khẩu hiệu hy sinh, cống hiến cho cho giai cấp nông dân luôn nằm ở vị trí cao và đẹp nhất. Hình dung một tổng thể có thể xa xôi và lạ lẫm, hãy nghĩ đến hình ảnh của bà Hương, một nông dân gầy gò khóc nức nở khi nghĩ đến ngày mai không còn gì để sống, giữa trùng vây các loại thuế phí tại xã Thường Nga, Thượng Can Lộc, Hà Tĩnh. Ngay cả những người lao động chân chất và luong thiện ấy cũng không còn gì ngoài cuộc sống mòn.
Hà Tĩnh là nơi đứng thứ 7 trong cả nước có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và một tỉnh tuyên bố đầy những thành tựu kinh tế. Những tấm màn thuê hoa ấy vén lên, cũng có những người nông dân phải nghẹn ngào, vội vã bán tháo đi phần lúa cuối cùng của mình với giá 5,5 ngàn đồng/kg để kịp đóng thuế trong đợt truy thu. Những con số tương phản ấy nói lên điều gì?
Hà Tĩnh cũng là một trong những nơi cạnh tranh quyết liệt về cơ sở hành chính đồ sộ, nguy nga cho bằng vai phải lứa với mọi nơi. Dự án xây dựng trụ sở hành chính lên đến 1500 tỷ đồng vẫn còn làm ngất ngây những ai liên quan đến tin tức này, vì bởi mới tháng 2 này, các quan chức ở nơi đầy thành đạt này vẫn còn yêu cầu chính phủ trung ương viện trợ hơn 3000 tấn gạo cứu đói cho dân nghèo. Liệu trong những căn phòng máy lạnh sang trọng sẽ xây lên, trong những chiếc xe hơi đắt tiền của mình, các quan chức của tỉnh sẽ nhìn rõ hơn cuộc đời cơ cực của những nông dân quê mình? Ai sẽ là một Jose Pepe Mujica ở đất nước Việt Nam này, để nhận ra rằng mình đang “lố bịch trong sự nghèo khổ của nhân dân”?
Sắp tới đây, một Văn miếu nguy nga với giá gần 100 tỷ sẽ được dựng nên tại đây. Các quan chức cán bộ Hà Tĩnh nói rằng Văn miếu này sẽ giúp đẩy mạnh được giá trị văn hoá truyền thống đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là dành cho những người đã khuất. Trớ trêu thay, cái nghĩa dành cho người còn sống còn chưa trọn thì quy bái cho người chết có là gì? Mồ hôi và nước mắt của nông dân nghèo để đắp xây lên lâu đài, văn miếu… thì nơi đó phải chăng chỉ để gióng lên những tiếng oán thán cho đến tận đời sau?
Leave a Comment