Từ tháng 5 đến nay, tại khu vực huyện Củ Chi có nhiều nơi bị sạt lở do tình trạng bơm, hút cát trái phép gây ra.
Ngay giữa ban ngày những người hút cát trái phép thản nhiên chọc vòi hút cát xuống đoạn khu vực đất vườn của nhà dân, cách đê bao ven sông Sài Gòn từ 5 tới 7 mét. Tiếng máy nổ của ghe hút cát cách cả trăm mét vẫn nghe thấy, khói đen từ máy nổ bay nghi ngút. Khoảng 30 phút sau cát đầy ghe, nhóm lấy cát cho ghe rời bến. Tiếp đó, nhiều ghe khác tiếp tục rảo quanh bờ sông vào khu vực hút cát. Dọc bờ sông thuộc tỉnh Bình Dương, những chiếc ghe lớn chằng chịt đường ống dùng để hút cát ẩn nấp trong các bụi cây ven bờ chờ thời điểm hoành hành.
Anh Nguyễn Thanh Phương, cư ngụ tỉnh Bình Dương bỏ cả công việc để canh chừng bọn lấy cát. Anh Phương cho biết những năm trước anh có mảnh đất trồng tràm, cây ăn trái sát sông Sài Gòn ở đoạn xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng. Thời gian qua việc hút cát đã làm dòng sông ăn sâu vào đất khoảng 20 mét. Cây tràm, vườn ăn trái… cứ thế trôi tuột xuống lòng sông.
Một người dân ở xã Phú Mỹ Hưng cho biết ngày trước, khúc sông Sài Gòn đoạn gần cầu Bến Súc khá hẹp. Nhưng những năm gần đây do những người hút cát sát bờ đưa tới sạt lở, lòng sông lần lần mở rộng ra hai bên khiến nhiều người mất trắng cả mảnh vườn.
Việc khai thác cát và nạo vét làm sạt lở bờ sông đang gây phản ứng gay gắt của người dân, vì ảnh hưởng sự an toàn tính mạng và tài sản ở hai bên bờ sông Đồng Nai. Nếu không có biện pháp kịp thời thì trong vòng 5 tới 10 năm khai thác cát sẽ ngày càng đào sâu xuống lòng sông trên 20 mét, thì nguy cơ sạt lở bờ sông ngày càng tăng cao.
Leave a Comment