Xem phim người, mà ngẫm đến ta
Đã bao giờ khi xem những bộ phim này, chúng ta tự hỏi, bao giờ nền điện ảnh nước nhà mới cho ‘ra lò’ những bộ phim hoành tráng và hấp dẫn như thế.
Trẻ em Việt Nam hiện nay, có thể kể vanh vách cuộc chiến giữa Tống – Kim hay Chu Nguyên Chương đã thành lập triều Minh như thế nào, nhưng liệu bao nhiêu trong số ấy có thể nói ra việc Ngô Quyền đánh tan quân Nam hán hay Quang Trung đại phá quân Thanh ra sao. Điều này có thể gây shock cho nhiều người, nhưng sự thực nó là như vậy, khi lịch sử nước nhà, các em chỉ được học ở lớp với một tiết học không lấy làm hứng thú với phương thực được xem là học thuộc lòng, nhưng với lịch sử nước ngoài, các em dễ dàng tiếp thu khi được tiếp cận một cách đầy hứng thú bằng việc theo dõi các bộ phim được phát sóng ngay trên truyền hình, điều đó chẳng khó hiểu vì sao nhiều người đã thốt lên, trẻ em Việt Nam hôm nay, thuộc lịch sử Trung Quốc còn hơn lịch sử Việt Nam.
Một giáo viên lịch sử đã từng nhận định : “Trung Quốc tuy có lịch sử lâu đời hơn ta, tuy nhiên lịch sử của họ chỉ là những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ với nhau, còn chúng ta là lịch sử dựng nước và dựng nước, nếu chúng ta đưa nó lên phim, thì thực sự là quá tuyệt vời, còn so Hàn Quốc, thì họ không thể nào hơn ta được”.
Quả đúng như thế, hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, chúng ta đã trải qua rất nhiều cuộc chiến, có rất nhiều anh hùng dân tộc xuất hiện như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… với những cuộc chiến đã đi vào sử sách, minh chứng cho một bề dày lịch sử, nhưng chưa bao giờ chúng ta có một bộ phim lịch sử cổ trang đúng nghĩa.
Thấy như Hàn Quốc, một quốc gia nổi tiếng với những bộ phim tình cảm thì nay cũng hút khách với những bộ phim cổ trang đình đám: “Truyền thuyết Ju mông”, “Thần y” hay ‘Dae Jang Geum’, những bộ phim đã từng tạo nên những cơn sốt khắp Việt Nam, khiến cho nhiều khán giả “đứng ngồi không yên” trong suốt một thời gian dài.
Nếu so sánh thì quả đúng, lịch sử Hàn Quốc không thể nào so sánh được với lịch sử hào hùng của chúng ta, nhưng những nhà làm phim của xứ Kim Chi lại có thể khai thác nó một cách tài tình, để tạo nên những bộ phim rất ăn khách dù có thể một bộ phim như vậy kéo dài cả trăm tập. Còn chúng ta, những bộ phim cổ trang mang tính lịch sử chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể ra như: Đêm hội Long Trì, Tây Sơn hào kiệt, Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long, Huyền sử thiên đô, Đinh Tiên hoàng đế… Những bộ phim trên ít nhiều tạo được dấu ấn trong lòng công chúng, tuy nhiên nó còn không ít “hạt sạn” trong đó, mà thậm chí những “hạt sạn” lại phản lịch sử.
Lấy ví dụ như bộ phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”. Bộ phim được đóng nhân dịp đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với một kinh phí khổng lồ lên đến 109 tỉ đồng, một con số không hề nhỏ so với những bộ phim truyền hình khác, nhưng từ khi chưa được phát hành, đã gây nên một làn sóng phản đối từ trong nước bởi vì bộ phim đã bị Trung Quốc hóa.
Đây là một bộ phim thuần túy mang tính Việt, nhưng lại để người Trung Quốc thực hiện, từ khâu kịch bản đến đạo diễn, chuyên viên hóa trang, diễn viên đóng thế, diễn viên quần chúng… Bối cảnh thuê ở phim trường Hoành Điếm của Trung Quốc, phục trang, đạo cụ… tất tần tật của Trung Quốc. Đây thực sự là đều không thể chấp nhận được, bởi nó chẳng khác gì là một bộ phim gắn mác “Made in China”, nội dung phim thì lại được đánh giá phần nào ‘hư cấu’. Thế rồi do bị phản đối quá nhiều, bộ phim đã bị xếp xó và không được công chiếu rộng rãi.
Đây không phải là bộ phim cổ trang duy nhất vấp phải sự phản đối của người dân, rất nhiều bộ phim khác đã gây tranh cãi trong cộng đồng mạng như Tây Sơn Hào Kiệt hay Thái sư Trần Thủ Độ… hầu như những lỗi đến từ việc hiện đại hóa lịch sử thậm chí là sai cả lịch sử.
Những điều trên là lí do vì sao mà người yêu điện ảnh Việt không mặn mà lắm với những bộ phim mang mác “cổ trang Việt” thay vào đó là những bộ phim được đầu tư kĩ càng từ phục trang, diễn viên, kĩ xảo của Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Chúng ta hiện nay đang tự đặt câu hỏi, vì sao học sinh hiện nay lại không hào hứng với môn lịch sử, rất nhiều nguyên nhận, biện pháp đã đưa ra. Tuy nhiên, có một cách có thể gây hứng thú cho các em là việc sử dụng các bộ phim cổ trang lịch sử, điều này không chỉ tăng tính hấp dẫn cho môn học, mà cũng giúp các em có thể tiếp cận môn khoa học này tốt hơn và có hứng thú hơn. Sẽ không gì bằng việc, buổi sáng các em được học về Quang Trung – Nguyễn Huệ, đến tối lại xem một bộ phim truyền hình kể về người anh anh hùng này trên sóng quốc gia, đó phải chăng cũng là một cách để các em hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc.
Một quốc gia có lịch sử hào hùng như chúng ta, lại không thể có được một bộ phim cổ trang lịch sử nào tạo sức hút cho mọi người, mà thay vào đó là phải đi nhập khẩu những bộ phim lịch sử nước ngoài để công chiếu trên các kênh truyền hình quốc gia. Có bao giờ khi xem những bộ phim này, lòng tự tôn dân tộc của chúng ta trỗi lên và ta lại đặt được câu hỏi “Vì sao ta không thể làm được như họ“. Và có phải chính chúng ta, đang dần quay lưng lại với lịch sử của chính mình.
Leave a Comment