Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (PĐC) xuất thân từ một gia đình có thể nói là “royal family” của tân nhạc VN.
Vào quãng năm 1951 gia đình Phạm Đình Chương di cư vào Nam và cũng tại đây ban hợp ca Thăng Long được thành lập để nhớ lại Hà Nội, chốn ngàn năm văn vật (1). Ngoài ra theo Tạ Tỵ, Thăng Long cũng là tên quán phở của gia đình Phạm Đình Chương lập nên ở chợ Đại cách Hà Nội khoảng 3,4 chục cây số trong thời gian toàn dân kháng chiến.
Khoác một danh hiệu khi làm văn nghệ cũng như kết thân với một định mệnh. Định mệnh này có thể xoáy người nghệ sĩ trong một cơn lốc dữ cũng như đẩy trôi hắn bềnh bồng trên triền sóng yên bình tùy theo cường độ từ tiếp xúc phản kháng, phủ phục biến cố ngoại cảnh và nội tâm. Trong trường hợp Phạm đình Chương hình như một nỗi nhớ khôn nguôi đã đeo đuổi ông triền miên từ khi ông chọn Hoài Bắc như một danh hiệu văn nghệ.
Thường ra nhạc sĩ nào chuyên làm nhạc buồn rất khó viết nhạc vui và ngược lại những nhạc sĩ chuyên viết hành khúc tươi vui rất khó viết nhạc buồn. Điểm qua những bản nhạc của Phạm Đình Chương, thính giả có thể tìm thấy những nguồn cảm xúc khác nhau từ những bản nhạc rất vui, khỏe như Hò Leo Núi, Sáng Rừng đến những bản thật buồn ảo não như Người Đi Qua Đời Tôi, Nửa Hồn Thương Đau…
Leave a Comment