Kính thưa quý thính giả, đánh dấu 20 năm nối lại bang giao Việt – Mỹ, tổng bí thư đảng CSVN sẽ có cuộc viếng thăm Hoa Kỳ 3 ngày trong tuần tới.
Nhân dịp này phóng viên Thanh Lan của Radio Chân Trời Mới đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ Tịch đảng Việt Tân về những nét chính trong tiến trình đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam trong hai mươi năm qua; ý nghĩa cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng và phong trào dân chủ VN cần phải khai dụng những gì trong tình hình mới cho công cuộc đấu tranh của mình?
************************
Thanh Lan: Thưa ông Đỗ Hoàng Điềm, đã có nhiều người đánh giá chung về mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam trong 20 năm, kể từ khi hai nước nối lại Bang giao từ năm 1995 đến nay; là một người lãnh đạo đấu tranh cho một tổ chức nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam ông đánh giá thế nào về tình hình đấu tranh trong 20 năm qua?
Đỗ Hoàng Điềm: Thưa quý vị, quả thật tình hình đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam đã thay đổi rất nhiều chỉ trong vòng 5, 6 năm qua. Nếu chúng ta so sánh với 20 năm trước thì sự thay đổi lại càng rõ ràng hơn nữa, và những thay đổi này theo tôi nghĩ đa số là thuận lợi và có thể tạm được gom lại qua bốn lãnh vực chính:
– Trước hết là sự kiện Trung Cộng đang ngày càng ngang ngược xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, và điều này đặt nhà cầm quyền của Cộng Sản Việt Nam (CSVN) vào tình trạng lúng túng vì họ bị ràng buộc rất nhiều vào Cộng Sản Trung Quốc; cho nên họ đã không làm hết sức để bảo vệ đất nước, nếu không muốn nói họ cũng phần nào chấp nhận hy sinh quyền lợi dân tộc để đánh đổi lấy sự an toàn cho họ. Chính vì vậy họ đã để lộ rõ bản chất phản bội dân tộc; và điều này khiến họ bị cô lập đối với toàn dân, và họ phải đối diện ngay với những sự bất mãn ngay từ chính trong hàng ngũ đảng viên của họ.
– Điều thứ nhì là chúng ta nhìn thấy tình trạng tranh giành quyền lực và quyền lợi trong hàng ngũ lãnh đạo CSVN đã bùng nổ một cách công khai trước mặt dư luận; chưa kể tình trạng tham nhũng trầm trọng đang được chính các nhóm tiết lộ để tấn công lẫn nhau. Những điều này làm cho người dân càng ngày càng chán ngán và không còn một chút tin tưởng gì ở giới cầm quyền nữa.
– Điều thứ ba là mặc dù bị đàn áp nặng nề; số người bất đồng chính kiến với ĐCS bị bắt giữ, bị sách nhiễu càng ngày càng nhiều, nhưng cùng lúc phong trào dân chủ càng ngày càng phát hiển. Nếu so với 5 hay 10 năm trước thì ngày hôm nay chúng ta nhìn thấy rõ số người tham gia hoạt động dân chủ tại Việt Nam càng ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn, hoạt động cũng hữu hiệu hơn nữa. Điều này cho thấy khả năng tồn tại và sức sống của phong trào dân chủ thật sự đã đạt đến mức tôi nghĩ chế độ khó lòng có thể tiêu diệt được.
– Sau cùng là sự bất mãn của người dân càng ngày càng lan rộng và thể hiện bằng những phản ứng cụ thể như những cuộc biểu tình chống Trung Cộng, các hoạt động khiếu kiện chống tham nhũng, các cuộc đình công của công nhân đòi quyền tự do lao động, hoặc những cuộc tranh đấu đòi quyền tự do tôn giáo v.v… Chúng ta thấy rõ tức nước thì vỡ bờ, và người dân khi bị dồn nén quá mức thì sẽ phản ứng mạnh trở lại mà thôi. Tóm lại, so với 5 hay 10 năm trước thì tôi nghĩ rằng ngày hôm nay uy tín và khả năng kiểm soát của chế độ đã sút giảm rất nhiều, trong khi đó động lực đấu tranh càng ngày càng phát triển và lan rộng hơn trước.
Thanh Lan: Thưa ông, trước đây dường như Hoa Kỳ không mấy quan tâm về vấn đề Biển Đông, nhưng từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt nam, rồi việc Trung Quốc gia tăng tốc độ xây dựng trên những đảo nhân tạo, trên các đảo đã chiếm của Việt Nam thì Hoa Kỳ và CSVN cũng gia tăng mối quan hệ giữa hai bên. Theo ông phải chăng Trung Cộng càng hung hăng thì CSVN và Mỹ càng gần nhau hơn?
Đỗ Hoàng Điềm: Nếu Trung Cộng chiếm lĩnh và khống chế Biển Đông thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng lên việc giao thương và an ninh của toàn vùng á châu Thái Bình Dương. Vì vậy chúng ta thấy rõ là rất nhiều nước, chứ không riêng gì Mỹ ngày càng quan tâm đến Biển Đông. Cũng nhắc lại, từ tháng 7/2010, tức cách đây đã 5 năm, bà Hillary Clinton lúc đó đang làm tổng trưởng ngoại giao Mỹ, đã tuyên bố tại Hội nghị của khối ASEAN rằng “việc đảm bảo quyền tự do hàng hải tại Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu của nước Mỹ”. Vì vậy tôi nghĩ rằng đó là điều bình thường khi nước Mỹ gia tăng nỗ lực ngoại giao tại Á Châu, thắt chặt thêm mối quan hệ đồng minh trong vùng như: Nhật Bản, Phi luật Tân, tìm cách đến gần với Việt Nam hơn. Vấn đề ở đây là ĐCSVN phản ứng như thế nào? Như tôi có nêu ở trên, họ đang ở thế kẹt vì hai lý do:
– Thứ nhất là quan hệ chồng chéo giữa hai ĐCS Việt Nam và Trung Quốc, nhất là ảnh hưởng của Trung Quốc lên ĐCSVN còn rất nhiều cho nên dù họ có thoát khỏi bàn tay của Trung Cộng cũng không phải là dễ.
– Thứ hai, mặc dù biết bị Trung Cộng chèn ép nhưng họ lại sợ nếu buông Trung Cộng ra thì họ sẽ không duy trì nổi quyền lực và địa vị thống trị của họ được nữa, nhưng đồng thời nếu cứ bám theo Trung Cộng thì lại phải đối diện với sự phẫn nổ của người dân. Do đó chúng ta thấy rõ là giữa lãnh đạo ĐCSVN đang dùng dằng, cù cưa đi dây. Có lúc thì họ tuyên bố mạnh bạo và có những động thái đi kèm với các quốc gia khác, kể cả Mỹ để đối phó với Trung Cộng; nhưng có lúc thì lại ca ngợi tình hữu nghị và thắt chặt mối quan hệ với Trung Cộng. Nếu họ thật sự đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc là trên hết thì họ đã phải dứt khoát từ lâu rồi, và đã phải có những phản ứng rốt ráo để đối phó với Trung Cộng; thí dụ, đáng lý họ phải kiện Trung Cộng ra Toà án Quốc tế, một việc rất cần và căn bản mà đến giờ này họ vẫn không dám làm.
Thanh Lan: Như vừa đề cập trong câu hỏi trên thì việc hung hăng của Trung Cộng đã khiến Hoa Kỳ và CSVN gần nhau hơn. Trong cuộc thăm viếng của Tổng bí thư ĐCSVN sang Hoa Kỳ sắp tới đây, dù rằng phía lãnh đạo ĐCSVN năn nỉ và được Hoa Kỳ chấp nhận để bỏ qua các thủ tục ngoại giao thì vẫn có thể được xem là bước nhảy vọt trong quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ. Trước những biến chuyển này, là một lãnh đạo của tổ chức đấu tranh ông có nhận định thế nào về tình hình đấu tranh sắp tới, có những khó khăn, thuân lợi ra sao đối với phong trào dân chủ; và phong trào dân chủ sẽ cần phải vận dụng những khó khăn và thuận lợi đó như thế nào?
Đỗ Hoàng Điềm: Thật ra tôi lại không nghĩ việc Tổng thống Obama của Hoa Kỳ tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là bước nhảy vọt gì trong quan hệ giữa đôi bên. Một cuộc gặp gỡ giữa hai người lãnh đạo mà đều đã sắp hết nhiệm kỳ rồi thì chưa chắc đã dẫn đến tiến triển gì to lớn cả; hơn nữa chúng ta cũng đừng quên là chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của Nguyễn Phú Trọng cũng có thể nhắm vào mục tiêu nội bộ nhiều hơn nhằm gia tăng tư thế của phe Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chạy đua tranh giành quyền lực vào Đại hội XII của ĐCSVN trong năm tới. Do đó bản thân tôi không đánh giá cao về chuyến đi này của Nguyễn Phú Trọng. Theo tôi, vấn đề chính của chúng ta, với tình hình này chúng ta sẽ phải làm gì trong vòng 2, 3 năm tới. Và như đã nói ở trên, mặc dù còn đang có nhiều khó khăn và thử thách, nhưng công cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam thật sự đã có nhiều tiến triển đáng kể trong vài năm qua. Tôi tin rằng trong thời gian tới áp lực thay đổi sẽ chỉ tiếp tục gia tăng và sẽ tiếp tục đè nặng hơn nữa lên chế độ. Vì vậy để thúc đẩy đất nước và xã hội Việt Nam được cởi mở hơn, có tự do và bình đẳng hơn; và xa hơn nữa, làm sao chúng ta tiến tới được một nền dân chủ thật sự cho đất nước. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần tập trung hoạt động vào bốn hướng sau đây:
– Trước hết là mọi người hãy tự động thực thi các quyền tự do căn bản được công pháp quốc tế quy định; quan trọng nhất là ba quyền tự do căn bản: tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do lập hội. Hãy sử dụng quyền của mình để tiếp tục đòi hỏi nhà cầm quyền phải mạnh mẽ hơn nữa đối với Trung Cộng. Hãy đòi hỏi công lý trước tình trạng cướp nhà, cướp đất bởi các quan chức tham nhũng. Hãy tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo; quyền lợi lao động; và hãy tích cực đòi hỏi nhà nước phải giải quyết các vẫn đề dân sinh và bất công trong xã hội.
– Thứ hai, các nhóm và cá nhân đang đấu tranh cho dân chủ, các tổ chức chính trị đang đối đầu với ĐCS hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác với nhau trong công việc; tất cả những việc từ phát triển thực lực của mỗi nhóm đến vận động dư luận quần chúng, chia sẻ thông tin và phương pháp hoạt động hay phối hợp qua những công tác nhằm tạo sức ép thay đổi lên chế độ đều là những lãnh vực cần sự liên kết để làm sao chúng ta cùng nhau gia tăng sức mạnh chung cho phong trào dân chủ.
– Thứ ba, làm sao nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam. Đây là nền tảng cần thiết cho việc xây dựng nền dân chủ trong tương lai. Nếu có điều kiện chúng tôi mong rằng mọi người hãy tham gia, hãy góp phần hình thành những đoàn thể xã hội dân sự đặc biệt nhắm vào những lãnh vực bảo vệ nhân quyền, bảo vệ công lý hay chống tham nhũng.
– Sau cùng, hãy cố gắng vận động sự hậu thuẫn của quốc tế trên các lãnh vực như tạo sức ép lên chế độ phải thả tất cả những ai đang bị bắt giữ vì lý do chính trị hay vì thực thi những quyền căn bản của con người; cải thiện nhân quyền, cải tổ chính trị và phát triển xã hội dân sự tại tại Việt Nam.
Tóm lại, tôi tin rằng nếu trong vài ba năm trước mặt, chúng chúng nỗ lực đẩy mạnh bốn hướng trên thì sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy tiến trình chấm dứt độc tài và xây dựng dân chủ trên đất nước của chúng ta.
Thanh Lan: Cám ơn ông Đỗ Hoàng Điềm đã cho chúng tôi buổi phỏng này.
Leave a Comment