Từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 6 vừa qua, nội các của Thủ tướng Abe đã phải ra trước Quốc hội Nhật trả lời chất vấn của các đảng đối lập liên quan đến vấn đề thay đổi điều 9 Hiến pháp cho phép lính Nhật trong khi đi tuần tra chung với quân đội đồng minh có thể nổ súng để yểm trợ lúc lực lượng bạn bị tấn công. Việc đi tuần tra chung không chỉ giới hạn xung quanh lãnh thổ và lãnh hải của Nhật như trước đây nữa mà nới rộng ra khắp nơi khi có yêu cầu, chẳng hạn như phải tham gia vào công tác bảo vệ hòa bình ở một khu vực đang tranh chấp theo lời yêu cầu của Liên Hiệp quốc. Trước đây theo điều 9 Hiến pháp này thì lính Nhật chỉ được phép nổ súng tự vệ khi bị tấn công ngay trên chính lãnh thổ và lãnh hải của mình mà thôi.
Ngay ngày đầu tiên, không khí bên trong Quốc hội Nhật đã diễn ra một cuộc chất vấn nẩy lửa của các đảng đối lập, còn bên ngoài thì khoảng 25 ngàn người dân biểu tình phản đối việc sửa đổi Hiến pháp. Đảng Dân chủ mở đầu cuộc chất vấn bằng câu hỏi xin cho biết kế hoạch cụ thể mà Nhật Bản sẽ phải đối ứng lại trước sự bành trướng Trung quốc ở biển Đông qua việc bồi các xây dựng các đảo nhân tạo trong quần đảo Spratly (Trường Sa) và sẽ phản ứng ra sao khi có xung đột quân sự với Trung quốc ở đó.
Bộ trưởng Tự vệ (Quốc phòng ) Nhật là ông Nakatani trả lời rằng hiện nay chúng ta (tức là Nhật Bản) chỉ quan tâm đối phó ở biển Hoa đông khu vực xung quanh Nhật Bản, tự vệ đội Nhật không có tàu đi tuần ở biển Đông nên chưa có kế hoạch cụ thể để trình bày ngay bây giờ. Với tình hình quân sự của Trung quốc hiện nay ở biển Đông thì bắt buộc trong tương lai Nhật Bản phải đi tuần thêm ở đó với các quốc gia đồng minh mới có thể bảo vệ an ninh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Nhật.
Về phần Thủ tướng Abe thì trả lời rằng: Biển Đông là trục lộ giao thông chính yếu của tàu bè Nhật, phần lớn tàu chở dầu và chở hàng hóa của Nhật đi qua con đường hàng hải này một cách hợp pháp theo quy định của luật Quốc tế và luật Biển của Liên Hiệp quốc, nghĩa là Nhật Bản có quyền tự do đi lại ở biển Đông vì vậy nỗ lực của Nhật Bản là làm sao phải duy trì hòa bình và ổn định vùng biển Đông nên ngoài việc phải sửa đổi một số quy định trong điều 9 Hiến pháp, Nhật Bản còn phải đẩy mạnh sự hiệp tác với các nước trong vùng, đặc biệt là các nước tiếp giáp với Thái Bình dương. Khó mà bảo rằng sẽ tránh được xảy ra sự xung đột, nhưng cố gắng tránh tối đa, nhưng đã cố gắng tối đa rồi mà vẫn xảy ra thì lúc đó tùy vào sự phán đoán của người trách nhiệm ở hiện trường. Thủ tướng Abe còn nói thêm là việc đi tuần chung với đồng minh ở biển Đông không chỉ giới hạn với quân đội Hoa Kỳ mà còn với các đồng minh khác nữa có như thế mới mong kiềm chế được sự bành trướng quân sự của Trung quốc ở biển Đông. Ngày 4/06/2015, tôi đã hội đàm với Tổng thống Akino của Philippines, trước đó vào tháng 3 với Tổng thống Indonesia và trong tháng 5/2015 với Thủ tướng Malaysia để đối phó với việc Bắc Kinh muốn thay đổi hiện trạng ở biển đông bằng sức mạnh quân sự qua việc xây đảo nhân tạo, xây phi trường quân sự và quân cảng ở quần đảo Spratly (tiếng Việt là Trường Sa) mà Bắc Kinh gọi đó là quần đảo Tây sa lãnh đảo của Trung quốc. Tất cả ba vị lãnh đạo trên đều muốn đẩy mạnh việc thành hình một liên minh bảo vệ hòa bình, ổn định ở biển Đông mà Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ là hai quốc gia đi đầu. Nhật Bản là quốc gia Á châu duy nhất có mặt tại hội nghị Summit G7 vừa rồi ở Đức nên tôi đã yêu cầu phải đưa vấn đề biển Đông vào nghị trình họp với sự tán thành rất tích cực của Tông thống Hoa Kỳ Obama. Kết quả là sau nhiều giờ thảo luận, Summit G7 năm 2015 đã lên tiếng chỉ trích Trung quốc về những hành động của Bắc Kinh ở biển Đông trong bản Thông báo chung với nội dung như sau: Chúng tôi tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, bày tỏ quan ngại đối với bất cứ hành vi đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và gia tăng tình hình căng thẳng tương tự như việc lấn biển xây đảo quy mô lớn.
Với số ghế dân biểu ở Hạ viện Quốc hội Nhật thì liên hiệp chính quyền hai đảng Tự Dân & Công Minh có thể thông qua việc sửa đổi điều 9 Hiến pháp Nhật ngay tại thời điểm này, nhưng vì bị nhiều người dân phản đối mạnh nên chính quyền liên hiệp không muốn áp đặt bằng số đông vì vậy tuyên bố dời thời điểm bỏ phiếu đến tháng 9 để có thì giờ thảo luận hơn nữa ở lưỡng viện Quốc hội.
Việt Nam là quốc gia bị Trung quốc xâm chiếm lãnh hải, lãnh đảo nặng nhất thế mà vì lý do gì Thủ tướng Abe trong thời gian qua không mời lãnh đạo Hà Nội sang Tokyo để bàn thảo như nguyên thủ ba quốc gia Philippines, Indonesia và Malaysia ?, câu trả lời đã quá rõ là chẳng ai tin chế độ CSVN thật lòng chống Trung quốc xâm lược ở vùng biển Đông.
Leave a Comment