Nguyễn Trãi ngồi lều tranh thảo hịch
Đuốc nhựa thông sáng rực đêm dài
Văn nghìn điệu tiếng cầm, tiếng sắt
Lúc hào hùng, khi thống thiết, bi ai
Hịch bay đến làng Chài, làng Mía
Hịch truyền lên bản Thái, bản Mường
Hịch giục người đi cầm giáo mác
Hịch khuyên người thu góp quân lương.
Nghe lời hịch, cả non sông tỉnh thức
Khắp hang cùng ngõ hẻm nôn nao
Tội giặc ác lá rừng không chép hết
Giận mười năm quyết một trận đương đầu!
(Nguyễn Bùi Vợi – Gươm Thề Lũng Nhai)
…
Tuy chỉ vỏn vẹn có hơn ba ngàn quân và một thớt voi, nhưng, đạo quân thứ nhất đạo do Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy đã lập được nhiều chiến công xuất sắc nhất. Chỉ trong vòng một tháng, đạo quân này đã táo bạo đánh và thắng ba trận lớn:
Thứ nhất là Trận Ninh Kiều (nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội) diễn ra vào tháng 9/1426.
Thứ hai là Trận Nhâm Mục (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội.) diễn ra vào tháng 10/1426.
Thứ ba là Trận Xa Lộc (nay thuộc làng Tu Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú. Xa Lộc còn có tên gọi khác là Đồng Rọc hay Ròng Rọc) diễn ra vào tháng 10/1426.
Trịnh Khả là tướng chỉ huy hai trong số ba trận nói trên là trận Ninh Kiều và trận Xa Lộc. Ở trận Ninh Kiều, nếu tướng Phạm Văn Xảo có công lừa giặc vào trận địa của ta, thì tướng Trịnh Khả cùng các tướng Lý Triện và Đỗ Bí đã có công chỉ huy phục binh, bất ngờ đánh cho Trần Trí một trận tơi bời. Giặc bị giết tại chỗ hơn hai ngàn tên và chủ tướng của chúng là Trần Trí thì phải hốt hoảng tháo chạy về Đông Quan. Ngay sau trận thắng lớn này, Ninh Kiều được nhanh chóng xây dựng thành một khu căn cứ rất lợi hại của Lam Sơn.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng thứ hai là sẵn sàng chặn đánh viện binh của giặc rất có thể sẽ tràn từ Vân Nam (Trung Quốc) sang, các tướng chỉ huy đạo quân thứ nhất liền chia quân làm hai bộ phận, đóng giữ ở hai địa điểm khác nhau. Bộ phận thức nhất vẫn đóng ở Ninh Kiều, do các tướng Lý Triện và Đỗ Bí cầm đầu. Bộ phận thứ hai tiến lên vùng Tam Giang (nay thuộc Phú Thọ), do Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ huy.
Và Phạm Văn Xảo cùng với Trịnh Khả đã đánh thắng một trận lớn thứ hai ở Xa Lộc. Đây là trận tiêu diệt viện binh giặc do tướng Vương An Lão cầm đầu. Giặc bị giết tại trận hơn một ngàn tên. Vương An Lão buộc phải chạy vào cố thủ trong thành Tam Giang.
Trịnh Khả là một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc của trận quyết chiến chiến lược Tốt Động-Chúc Động (1426)
Sau trận Xa Lộc, Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ để lại một bộ phận nhỏ, làm nhiệm vụ tiếp tục bao vây và uy hiếp thành Tam Giang, còn phần lớn lực lượng thì nhanh chóng rút về Ninh Kiều để chuẩn bị ứng phó với tình thế mới. Quả đúng y như dự đoán, bấy giờ, Vương Thông đã được lệnh đem 5 vạn quân Minh sang cứu nguy. Tương quan lực lượng đôi bên nhanh chóng thay đổi theo chiều hướng rất bất lợi cho Lam Sơn.
Bấy giờ, đạo quân thứ nhất tuy đã có thêm sự tiếp ứng của các tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí, nhưng, tất cả gộp lại vẫn còn quá nhỏ so với tổng số sĩ tốt của giặc. Trong điều kiện đó chỉ có khéo dùng mưu mới hy vọng giành được chiến thắng. Và cùng với các danh tướng như Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đỗ Bí, Đinh Lễ, Nguyễn Xí… Trịnh Khả đã góp phần quan trọng vào việc phá vỡ từng bước, để rồi cuối cùng là đập tan hoàn toàn mưu đồ của Vương Thông.
Thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Tốt Động-Chúc Động là thắng lợi to lớn chung của các tướng lĩnh và nghĩa sĩ Lam Sơn, trong đó, phần đóng góp của Trịnh Khả là rất quan trọng. Sử cũ đánh giá về sự hợp đồng tác chiến của Trịnh Khả với các tướng trực tiếp tham gia trận đánh này qua Đại Việt thông sử, Chư thần truyện như sau:
Lúc bấy giờ, Trịnh Khả cùng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đỗ Bí và Đinh Lễ… đều là danh tướng một thời, luôn đồng tâm hiệp lực, khi thì bí mật bất ngờ, khi thì công khai đối mặt, ứng biến thật không lường, thừa cơ thật đúng lúc. Tất cả, nhanh như cắt, mạnh như tên, hễ đánh là thắng.
Trịnh Khả Đại phá Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa (1427)
Tháng 10 năm 1427, để cứu nguy cho Vương Thông đang bị vây hãm trong thành Đông Quan, triều đình nhà Minh liền sai Liễu Thăng và một loạt tướng lĩnh cao cấp đem 15 vạn quân tràn xuống nước ta. Bộ chỉ huy Lam Sơn đứng trước một thử thách lịch sử rất cam go, đó là, muốn bảo vệ thành quả mười năm chiến đấu gian nan của mình, muốn hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân, thì trước hết phải đập tan hoàn toàn lực lượng viện binh hùng hổ này của nhà Minh.
Bấy giờ, một bộ phận nhỏ của Lam Sơn được bố trí ở lại để tiếp tục bao vây, tiếp tục gọi hàng bọn giặc đang cố thủ trong thành Đông Quan, còn phần lớn lực lượng tinh nhuệ được huy động vào việc thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng. Một là tiêu diệt cho bằng được cánh viện binh tiến vào nước ta qua ngả Chi Lăng (Lạng Sơn) bằng nhiều trận mai phục hiểm hóc khác nhau. Hai là đánh chặn để vô hiệu hóa ý đồ hợp đồng tác chiến của cánh viện binh giặc tiến vào nước ta qua ải Lê Hoa (Cao Bằng).
Cánh viện binh tiến vào nước ta qua cửa ải Lê Hoa tuy chỉ có 5 vạn, nhưng lại do viên lão tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc là Mộc Thạnh chỉ huy. Dưới trướng của Mộc Thạnh còn có nhiều tướng tài khác của nhà Minh. Trong bối cảnh phức tạp và khó khăn như vậy, Lam Sơn không thể điều đại binh lên ải Lê Hoa, nhưng, cũng không được phép để cho Mộc Thạnh có thể thực hiện được những mưu toan nguy hiểm.
Nhiệm vụ ứng phó với Mộc Thạnh và 5 vạn quân Minh ở cửa ải Lê Hoa được Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn tin cậy giao phó cho Trịnh Khả và Phạm Văn Xảo. Trước khi đem quân lên ải Lê Hoa, Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả đã được Lê Lợi ân cần nhắc nhở rằng:
“Mộc Thạnh vốn là lão tướng, từng trải trận mạc, cũng từng biết rõ uy danh của quân ta, cho nên không thể khinh xuất, nhất định hắn sẽ chờ xem Liễu Thăng tiến thoái thế nào rồi mới động binh. Vì vậy ta cần phải nhanh chân đến giữ chỗ hiểm yếu mà không vội đánh nhau với chúng ngay làm gì.
Sau khi Liễu Thăng bị giết, cánh quân tiến vào nước ta qua ngả Chi Lăng đang có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Lê Lợi liến sai quân đem cờ quạt, ấn tín… của Tổng binh Liễu Thăng lên ải Lê Hoa để uy hiếp tinh thần của Mộc Thạnh. Và Mộc Thạnh đã hoảng hốt cho quân tháo chạy về Trung Quốc. Nhân cơ hội này, Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả đã tổ chức hai trận đánh lớn ở Đan Xá và ở Lãnh Câu (cũng tức là Lãnh Thủy).
Sử cũ mô tả rằng: “Trịnh Khả cùng Phạm Văn Xảo thừa thế phá tan giặc ở Lãnh Câu và Đan Xá, chém hơn 1 vạn tên, bắt sống được hơn 1 vạn tên, còn ngựa và các thứ quân trang khí giới thì nhiều không kể xiết”.
Lãnh Câu và Đan Xá là hai đòn cực mạnh cuối cùng, góp phần đánh gục hoàn toàn cuồng vọng của Vương Thông nói riêng và của triều đình nhà Minh đối với nước ta nói chung. Tháng 12 năm 1426, Vương Thông buộc phải cho quân rút khỏi nước ta.
Nhờ những công lao to lớn nói trên, năm 1428, khi Lê Lợi định công ban thưởng cho các quan, Trịnh Khả được ban hàm Kim Tử Vinh Lộc Đại phu, Tả Lân Hộ vệ Tướng quân, được ban túi Kim Ngư và Ngân Phù, chức Thượng Khinh Xa Kỵ Đô úy.
Năm 1429, nhà Lê dựng biển khắc ghi tên tuổi của các Khai quốc Công thần, Trịnh Khả cũng vinh dự có mặt trong đó. Cũng năm này, Trịnh Khả được phong tước Liệt Hầu, chức Đô Thái giám cai quản việc quân trong ngoài, đồng thời được kiêm giữ chức Trấn thủ Tuyên Quang. Ít lâu sau, ông được thăng làm Hành quân Tổng quản Xa chư Quân sự, Đồng Tổng quản, trực tiếp coi các đội quân Thiết Đột.
Những năm làm quan cho các vua đầu của triều Lê, Trình Khả cũng là người có nhiều công lao. Sử cũ trân trọng ghi nhận mấy cống hiến sau đây của Trịnh Khả:
Ông đã thừa lệnh Vua Lê Thái Tổ, đem quân sang giúp vua Ai Lao diệt trừ bọn nghịch thần để rồi trên cơ sở đó, xây dựng và củng cố mối quan hệ hữu hảo đối với Ai Lao. Sang năm 1434, ông xin về nghỉ, nhưng triều đình không cho, bắt ông phải nhận chức Trấn thủ Lạng Sơn, lại kiêm giữ cả chức Đồng Tổng quản vệ Nam Sách.
Năm 1437, khi Lê Sát bị bãi chức rồi bị bức tử, Trịnh Khả được gọi về triều, được thăng hàm Thiếu úy và được giao quyền nắm giữ lực lượng vũ trang thường trực của triều đình. Năm đầu đời vua Lê Nhân Tông (1442), ông được trao chức Nhập nội Tư mã. Sang năm 1443, ông được thăng tước Quận Thượng Hầu.
Cũng vào năm 1443, ông được cử làm tướng tiên phong cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Trong trận này, Trịnh Khả đã lập được công lớn, được ban hàm Nhập nội Thiếu úy, Kiểm hiệu Bình Chương Quân quốc Trọng sự, Thượng Trụ quốc và được thăng chức Quốc Thượng Hầu.
Sinh thời, Trịnh Khả là người nghiêm nghị và rất thẳng thắn. Sử cũ có chép hai mẩu chuyện khá độc đáo về ông, xin trích dịch như sau:
“Một hôm, ông vừa từ buổi chầu trở ra thì thấy có đám đông tụ tập ở trước cổng dinh công đường, trong số ấy, có người cầm cái lưới săn. Ông vội bảo họ phải cất đi ngay, không được để Vua trông thấy, vì như thế sẽ kích thích tính ham mê săn bắn của Vua sau này. Ông là người phòng xa cẩn thận như thế đấy” . Lúc này, vì Vua Nhân Tông còn quá nhỏ tuổi (Nhà vua lên ngôi năm lên 2 tuổi), cho nên Trịnh Khả mới sợ như thế.
“Viên quan giữ chức Chủ bạ của Nam Đạo là Đàm Thảo Lư ẩn lậu 4 quan tiền thuế, theo phép, chưa đến nỗi phải xử tử, nhưng vì hắn đã từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích, cho nên, ông ghét lắm, quyết khép vào tội phải chết mới thôi. Viên quan giữ chức Chuyển vận Phó sứ của huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ. Việc ấy bị phát giác. Các quan tả hữu xin tha, ông nói:
– Ăn trộm của một nhà còn không thể nào tha, huống chi là ăn trộm của một huyện.
(Nói xong), giao xuống cho các quan tra xét. Rốt cuộc, (viên Chuyển vận Phó sứ) bị xử tội phải chết. Các quan thời bấy giờ, không ai là không sợ.
Ông cứ theo ý mình mà làm hết chức phận. Trong khoảng vài năm, nước nhà được yên ổn.
Trịnh Khả là người trung thành, thanh liêm và tận tụy. Nhưng, cũng tương tự như không ít trung thần và lương tướng đương thời, Trịnh Khả chẳng khác gì cái gai trước mắt bọn tiểu nhân xu nịnh. Năm 1451, có kẻ gièm pha rằng ông và con trai ông là Trịnh Quát âm mưu kết bè kết đảng, vì thế bà Thái hậu (thân mẫu của Lê Nhân Tông) đã xử tử cả hai cha con ông.
Bà Thái hậu này cũng chính là người đã kết tội tru di tam tộc đối với Nguyễn Trãi năm 1442. Hai năm sau, năm 1453, triều đình thương ông vô tội, liền minh oan cho ông và ban cho con cháu ông 100 mẫu ruộng hương hỏa. Trịnh Khả có tất cả 22 người con, gồm 13 con trai và 9 con gái. Trong số 13 người con trai này, sử cũ còn ghi lại được tên và chức tước của cả 10 người.