Quảng Cáo

Phải ấn định một lằn ranh cho Trung Cộng (phần 2)

Quảng Cáo

Kính thưa quý thính giả, phần một bài bình luận nan đề “phải ấn định một lằn ranh cho Trung Công” của tác giả Ngô Nhân Dụng được gửi đến quý vị trong mục bình luận vừa qua đã sơ lược về tình hình Biển Đông trong những ngày gần đây. Trong đó, Trung Cộng hung hăng hơn, Mỹ cũng cương quyết ngăn chặn Trung Cộng hơn. Tuy tình hình căng thẳng nhưng vì quyền lợi, chắc chắn cả hai bên đều không để xẩy ra chiến tranh nóng, vì vậy sẽ diễn ra cuộc chiến tranh lạnh. Việt Nam sẽ làm gì trong tình trạng như vậy? Mời quý vị nghe sau đây phần hai bài viết của tác giả Ngô Nhân dụng bàn về vấn đề này

******************

Không ai muốn gây chiến tranh với Trung Quốc, một nước có nền kinh tế lớn hơn 50 lần và hải quân mạnh gấp mười lần VN. Nhưng muốn bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình, chúng ta không thể để mặc cho Trung Cộng tiếp tục lấn lướt từng bước, trong khi vẫn giữ tình trạng “chiến tranh lạnh” với Mỹ.

Quyền lợi của nước Mỹ khác quyền lợi nước ta. Ðối với họ, vấn đề quan trọng nhất là an ninh đường hàng hải. Những xung đột nhỏ không nguy hiểm cho tình trạng an ninh này, họ sẽ không quan tâm. Không chính phủ Mỹ nào muốn gây thêm chiến tranh vì những vấn đề nhỏ chỉ quan hệ cho các nước xa xôi. Thái độ của họ ở Ukraine cho thấy điều đó. Nếu họ muốn, dân chúng cũng không cho phép.

Nhưng đối với Việt Nam, mỗi hòn đảo bị mất cũng là mất mát lớn. Nếu Trung Cộng tiếp tục lấn lướt, thì không biết bao giờ họ sẽ chiếm hết hải phận nước ta.

Cho nên người Việt Nam phải xác định một lằn ranh, nếu Trung Cộng bước qua thì sẽ phản ứng quyết liệt. Một chính phủ Việt Nam biết bảo vệ danh dự và chủ quyền dân tộc không thể để cho Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục lấn lướt. Phải xác định trước cả thế giới “lằn ranh” của lòng kiên nhẫn. Nêu rõ những hành động nào của Trung Cộng sẽ được coi là bước qua lằn ranh đó, công bố cho cả vùng Ðông Nam Á và các cường quốc có quyền lợi trong vùng biết rõ. Lằn ranh này được xác định là “bước đường cùng,” tới đó thì nước Việt Nam không thể chịu đựng với lòng nhẫn nhục. Phải báo trước nếu Bắc Kinh bước qua lằn ranh đó thì sẽ sinh chuyện lớn.

Sinh chuyện lớn như thế nào? Người Việt phải chứng tỏ nước mình có khả năng biến cả vùng Biển Ðông trở thành một vùng bất an, dù mình không muốn gây chiến tranh với Trung Quốc.

Một cuộc hải chiến trong vùng Biển Ðông, dù chỉ ở cấp nhỏ với mươi chiến thuyền, cũng sẽ làm cho cả con đường hàng hải bất an. Chính phủ các nước chung quanh biết rằng họ sống nhờ an ninh của con đường biển này. Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore mới bày tỏ mối lo xung đột trên biển đang tăng cao. Báo chí Nhật Bản đang cảnh cáo nguy cơ Trung Quốc chiếm lĩnh Biển Ðông; mà một hậu quả là Mỹ có thể bỏ rơi không bảo vệ an toàn cho Nhật nữa. Tất cả các nước trên thế giới đều liên hệ. Mỗi năm số hàng hóa đi qua vùng này trị giá 5,000 tỷ đô la Mỹ, chiếm một phần ba giá trị của hoạt động hàng hải thương thuyền quốc tế. Hàng hóa Trung Quốc bán qua Châu Âu và Phi Châu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn không thể đứng vững nếu những tiếp liệu dầu lửa, hơi đốt và nguyên liệu đi qua đường này bị cản trở trong vòng sáu tháng. Những nước bán dầu lửa, nguyên liệu và cả máy móc ở các nơi xa cũng bị ảnh hưởng.

Cho nên, một cuộc hải chiến nhỏ cũng đủ làm rung động thế giới, và các nước phải can thiệp để chấm dứt càng sớm càng tốt. Không cần những nước khác phải “thân thiện” với nước ta, không cần họ phải ký hiệp ước nào với nước ta, họ vẫn phải can thiệp, vì quyền lợi của chính họ. Khi người Việt tỏ ra cương quyết bảo vệ chủ quyền và danh dự của mình, liều chết ngăn cản không cho Trung Cộng tiến thêm một bước qua lằn ranh giới hạn, cả thế giới sẽ phải giúp bảo vệ dân tộc Việt.

Một câu hỏi người Việt Nam sẽ đặt ra là: Chúng ta có dám, và có chấp nhận hy sinh nếu Trung Cộng cứ thản nhiên bước qua lằn ranh mà dân mình coi là “bước đường cùng” hay không?

Phải chấp nhận hy sinh. Vì chúng ta cũng biết rằng thế giới ngày nay khác với thời quân Nguyên tấn công, thời Tôn Sĩ Nghị đem quân sang đánh. Nước Việt Nam không cô độc khi phải đối đầu với bọn Thoát Hoan, Trương Phụ mới. Vì quyền lợi của chính họ, vì muốn bảo vệ an toàn cho con đường hàng hảo huyết mạch của kinh tế toàn cầu, các nước khác phải can thiệp và bênh vực một nước nhỏ chống lại một cường quốc mà hiện nay không có nước nào là đồng minh.

Phải chấp nhận hy sinh. Vì chúng ta không muốn hèn, để xứng đáng là con cháu những tử sĩ trận Hoàng Sa năm 1974.

Vào năm 1974, khi quân Trung Cộng tiến chiếm các hòn đảo Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đang phải lo chiến đấu chống quân miền Bắc và ở thế rất yếu, yếu hơn nước thế lực nước Việt Nam bây giờ rất nhiều. Nhưng Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại kể, khi được hỏi ý kiến, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh phải chống cự đến cùng. Ông Nguyễn Văn Thiệu biết rằng không thể trông cậy vào Hạm Ðội Thứ Bảy của Mỹ. Lúc đó, chính phủ Nixon đã báo trước cho cả Nga và Trung Cộng biết rằng họ bỏ Việt Nam; và họ biết miền Nam không thể đứng vững được khi họ cắt viện trợ. Chính phủ Nixon không có lý do nào đánh nhau với Trung Cộng chỉ để bảo vệ mấy hòn đảo mà họ biết sớm muộn sẽ rơi vào tay Việt Cộng.

Nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn phải ra lệnh Hải Quân Việt Nam tử thủ. Bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải quyết định như vậy, khi thấy đất nước mình bị ngoại quốc đánh chiếm. Dù biết rằng quân mình yếu, các chiến sĩ của mình sẽ chết, không một vị tướng nào có thể ngoảnh mặt làm ngơ khi tổ quốc bị xâm lăng.

Chúng ta tin chắc rằng có những người lính Việt Nam bây giờ không chịu tiếng hèn nhát hơn những chiến sĩ Hoàng Sa. Khi đụng trận, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người chịu hy sinh. Nhưng khi dân tộc đã đến “bước đường cùng” thì sẽ có hàng triệu người sẵn sàng hy sinh như vậy.

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux