Xin một tràng vỗ tay

- Quảng Cáo -

Xin một tràng vỗ tay

votay

Tôi nghe một người bạn có con học ở Nhật kể rằng, ngày khai giảng ở đấy rất nghiêm trang mà lại giản dị. Tất cả các thầy cô giáo ra tận cổng trường đón học sinh. Rồi vào, từng thầy cô một tự giới thiệu mình, bằng cách gì tùy mỗi người miễn làm sao học trò hiểu được thầy tên gì dạy môn nào, qua đó biết sơ qua tính cách của thầy. Rồi thầy hiệu trưởng phát biểu, rồi… hết, học sinh vào lớp học ngay. Còn ở ta, cái lễ khai giảng nó rình rang thế nào mọi người biết cả rồi, có đến 80 phần trăm học sinh ngồi dưới nắng (hoặc mưa) từ sáng sớm không biết trong lễ ấy có đại biểu lãnh đạo nào đến dự, và các bác ấy phát biểu gì?

Mà đứng về mặt hình thức, ngành giáo dục hình như vẫn còn… khiêm tốn.

- Quảng Cáo -

Người ta đã thấy một cái lễ khởi công xây một cái nhà tình nghĩa có mấy chục triệu bạc cho một gia đình chính sách rất nghèo mà một dàn cán bộ áo trắng cà vạt giày đen giăng hàng ngang đội mũ bảo hộ cầm xẻng quấn giấy xanh đỏ chờ hô một hai ba rồi “vẩy” xẻng tượng trưng để… chụp ảnh, ghi hình.

Người ta cũng thấy cảnh rất đông các vị com lê cà vạt xách cái xô có tí tẹo nước rắc vào gốc cây trồng sẵn để rồi gắn biển ngày tháng năm đồng chí A đồng chí B trồng cây này…

Đi tặng quà thì bao giờ cũng phải cười tươi nhìn vào ống kính cho bằng được, thay vì nhìn vào người được tặng một cách trìu mến và âu yếm.

Sự hình thức đang lan tràn trong xã hội khiến cho ai đó có muốn… không hình thức lại trở nên lập dị, khác người.

Mỗi khi có “ngày” nào đó, mà nước ta thì có vô cùng nhiều “ngày”, hình như ngày nào cũng có “ngày”, thì ngành văn hóa lại lên kế hoạch, dự trù kinh phí… để làm bandron, khẩu hiệu, pano, áp phích… kỷ niệm “ngày” như một việc đương nhiên của ngành mình. Càng xin được nhiều kinh phí để treo được nhiều cờ, bandron, khẩu hiệu… càng thể hiện ngành mình làm được nhiều việc, nhiều khi lãnh đạo cũng không biết có cần nhiều đến thế không, đến lúc thấy phố phường cứ rực cả lên, san sát khiến người đi đường nhiều khi rối mắt, chưa kể cái nọ đè cái kia, câu nọ đè câu kia nhiều khi gây phản cảm, thậm chí vì nhiều quá không duyệt được hết khiến cả chữ lẫn hình sai tè le sửa không kịp như nhiều nơi đã từng bị, có cả những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… thì mới giật mình.

Sự hình thức ăn cả vào các buổi lễ khi phải giới thiệu đại biểu. Không thiếu ai đã đành, không được thiếu một tí chức nào ông ta đang giữ. Thôi thì cũng được vì có thể có ai đó trong số cử tọa ở dưới chưa biết, nhưng cái nạn cứ lặp đi lặp lại thì nó không còn là thông tin nữa rồi. Có một bác ấy, chức vụ ấy, người giới thiệu đã kính thưa rồi, đã giới thiệu rồi, ông phát biểu kế tiếp lại cũng kính thưa y như thế, rồi ông kế tiếp vẫn vậy, khiến người được kính thưa nhiều lúc thấy ngại. Vậy nên khi các tỉnh thành tổ chức lễ hội gì đấy thì yêu cầu đầu tiên là phải được… truyền hình trực tiếp. VTV1 là số 1, bí thì VTV2, VTV6… nhưng các bác có biết đâu là, người xem ti vi ấy, dân ấy, lại rất ít xem các buổi trực tiếp như thế. Đơn giản bởi vì cái phần kính thưa nó chiếm mất ¼ thời lượng rồi, như thể là nhân dịp “lên ti vi” thì giới thiệu cho bà con hàng xóm biết ta đang làm thế làm thế, trong khi người xem người ta chờ điều khác kia, thì mãi chả tới. Bây giờ người dân phải bỏ tiền để xem ti vi, họ có quyền chọn kênh, chọn chương trình mình thích.

Rồi còn cái nạn “Xin một tràng vỗ tay”, nó vừa hài hước vừa đầy chất tự kỷ, yếm thế. Ban đầu là từ một vài ca sĩ “thiếu nên phải xin”, giờ đến một số bác lên phát biểu, chưa nói gì đã “xin một tràng vỗ tay”, hoặc vỗ tay mồi để dụ cử tọa vỗ tay…

Tất nhiên sự hình thức nó đi kèm với sự phát triển của đời sống kinh tế, bởi phải có tiền mới bày vẽ được. Nhưng trong xã hội hiện nay, để “bằng chị bằng em”, nhiều gia đình, cơ quan, đơn vị… cũng phải giật gấu vá vai để… tăng thêm phần long trọng. Nhiều gia đình đám cưới đám ma xong là phạc phờ với chồng chất nợ. Nhiều đoạn đường vừa khánh thành xong đã… duy tu, nhiều chiếc cầu mới tưng bừng cờ hoa xong đã bảo dưỡng… báo chí vừa phản ánh, công ty Đức Long làm đường 14, vừa làm lễ khởi công đã đòi thu phí…

Sự hình thức ấy, nó còn là tâm lý “kém miếng”, vậy nên nó sinh ra cái nạn trèo rào để tắm miễn phí, đè nhau để ngắt hoa, cướp hoa, chen nhau xô đẩy để nhận xuất ăn khuyến mãi, dẫu chỉ là một ổ mì…

Từ lúc nào cái tâm lý ấy xuất hiện ở nước ta, và cách ứng xử với nó như thế nào, có lẽ không thể để xã hội tự điều tiết được, mà phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhưng phải là sự vào cuộc tâm huyết và có trách nhiệm, có chuyên môn chứ không như kiểu ngồi trên mây đề ra cấm ngực lép lái xe, tịch thu ô tô của người say, phải có ô kính trên quan tài, cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học, và mới nhất, nghe nói đang có chủ trương cấp bằng riêng cho người lái xe số tự động…, bởi đấy cũng là một dạng hình thức, nó chả khác gì việc “xin một tràng pháo tay”…

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here