Trong nỗ lực hỗ trợ phong trào dân báo, Đảng Việt Tân, Tổ chức Article 19 và đài Á Châu Tự Do đã tổ chức buổi ra mắt StoryMaker. Đây là một công cụ truyền thông mới giúp một người bình thường có thể thực hiện các bản tin và phóng sự có chất lượng qua chiếc điện thoại thông minh.
Ứng dụng StoryMaker đã được chuyển sang 13 ngôn ngữ và tiếng Việt là phiên bản mới nhất được thực hiện bởi Đảng Việt Tân.
Buổi ra mắt có kèm theo một khóa huấn luyện kéo dài từ ngày 15 đến 17 tháng 5 tại Singapore với sự có mặt của đông đảo tham dự viên trẻ đến từ VN mà theo Việt Tân thì tổng cộng có hơn 30 người vừa Việt Nam vừa ngoại quốc. Được biết đạo diễn Vũ Trần, Giám đốc Chương trình đài truyền hình SBTN cũng đã có mặt để làm phóng sự.
Nhận định về công cụ này, nhà báo chuyên nghiệp Võ Văn Tạo cho biết: “Chỉ cần một điện thoại Android với vài thao tác đơn giản, ai cũng có thể cho công chúng biết điều bạn muốn nói. Còn gì tự do hơn, thú vị hơn? StoryMaker giúp chúng ta điều đó một cách hữu hiệu.”
Quí thính giả muốn xử dụng công cụ này có thể lên trang Chân Trời Mới, vào tiết mục Dạo Một Vòng Blog này của chúng tôi để download và thêm thông tin về StoryMaker: https://www.nofirewall.net/doi-net-ve-storymaker-cong-cu-dong-hanh-cho-cu-dan-mang/
Theo Việt Tân thì ngoài các buổi huấn luyện về truyền thông, các tham dự viên đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với các tổ chức nhân quyền quốc tế về vấn đề tự do ngôn luận. Và có lẽ đây là một trong những điều đã làm ĐCSVN lo sợ nên một số tham dự viên tên tuổi mà ĐCS biết được đều bị làm khó dễ sau khi họ trở về, những người đi đón bị đe dọa, bị hành hung, một vài tham dự viên bị mời làm việc sau khi đã về nhà. Tuy nhiên, với sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng mạng, sự quan tâm của các tổ chức quốc tế và sự tranh đấu trực diện của những người bạn ngoài đời, nhà cầm quyền cũng đã không thể làm được gì hơn.
Facebooker Le Toan DK: “Hù dọa ‘người yếu bóng vía’ là món nghề của côn an. Hiện tượng này có thể gọi là hiện tượng ‘cố tình phách lối’ của CA”.
Nhận định về sự kiện này Angelina Trang Huỳnh của đảng Việt Tân đã chia sẻ: “…nếu chính chúng ta không bình thường hoá việc đi lại thì CSVN sẽ luôn biến việc này thành một việc bất bình thường để tạo điều kiện bắt bớ. Tự do đi lại để trao dồi kiến thức là điều cần thiết trong một xã hội văn minh của thế kỷ 21. Vì thế ta phải đấu tranh cho quyền đó.”
Facebooker Dũng Mai, một trong những tham dự viên của khóa học, cũng xác nhận lại cái quyền tự do đi lại của người dân như sau: “Khi an ninh thẩm vấn có câu: Nếu lần sau Việt Tân mời anh có đi không? Anh trả lời: Why not? Có chứ, quyền đi lại, tham gia các hoạt động xã hội không bị pháp luật ngăn cấm. Nếu cấm đó là sự vi hiến. Dĩ nhiên, nếu họ cố tình dùng quyền lực và sức mạnh để cấm cản thì họ sẽ bị mất điểm rất nhiều.”
Cũng nên nói thêm là qua những hoạt động offline như thế này và trong quá khứ, các đảng viên Việt Tân đã tạo được một hình ảnh tốt trên cộng đồng online, giúp đánh tan nhiều ngộ nhận. Người ta thấy cộng đồng mạng đã không còn ngại ngùng khi công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ đảng Việt Tân. Blog Bà Đầm Xòe đã có một bài viết tích cực về những sự kiện này.
Facebooker Uyên Thảo Trần Lê, một tham dự viên của khóa học, đã post một tấm hình chụp chung với 1 người trong ban tổ chức và cho biết: “Cô gái này là người của tổ chức Aticle 19, mà theo lời một anh cán bộ an ninh nói với tôi cũng chỉ là tổ chức ngoại vi của Việt tân. VT đáng sợ như thế nào, chưa biết. Điều biết là họ thân thiện, giản dị. Những gì thân thiện, giản dị luôn là điều tốt”.
Facebooker Phuc Tho Nguyen: “Hoàn toàn ủng hộ những hoạt động dân sự này của Đảng Việt Tân. Cần phải có nhiều hơn nữa những hoạt động này”.
Leave a Comment