Mấy năm nay chẳng riêng gì Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới, thiên hạ cứ kêu gọi tẩy chay hàng Tàu, cổ vũ tiêu thụ hàng nhà. Bao nhiêu bài trên mạng bày cách phân biệt hàng của xứ nào, Và đây là cách thức nhận biết như sau: Nếu ba số đầu tiên của mã vạch là 690 – 691 – 692 – 693 – 694 – 695, “made in PRC” thì 100% hàng MADE IN CHINA.
Pháp
Kêu thì cứ kêu nhưng mỗi người tiêu dùng tùy theo cái túi của mình. Khỏi nói ở nhiều nước Âu châu hàng nhà quá đắt. Kỹ nghệ vải vóc ở Pháp chết ngắt từ hồi thế kỷ 21 mới bắt đầu, chỉ còn lại vải vóc thượng thặng xa hoa dành cho nhúm khách hàng đẻ bọc điều trong tự điển không có chữ “xoàng”. Có lần Pháp neo bao nhiêu tấn áo quần của Tàu ở cảng Calais vì quá số nhập cho phép, là trong phố thiên hạ rùng rùng xuống đường, nói cấm hàng Tàu thì chúng tôi ở… chuồng à, mùa đông lại sắp tới. Thành ra dù gì Made in China vẫn cứ được chuộng.
Tuy nhiên những năm gần đây đã giảm nhiều, Pháp chuyển sang nhập từ Đông Âu, ngay cả ở Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, bước tới biên giới bắt tay nhau được thì giá di chuyển rẻ hơn là chạy cả nửa vòng trái đất. Từ 8 năm nay, khủng hoảng về tiêu thụ áo quần ở Pháp rất đáng kể, các bà các cô bớt tung tăng mua sắm. Vào những năm 80 nếu trên toàn lãnh thổ nước Pháp có hơn 1 triệu công nhân trong lĩnh vực này thì giờ đây chỉ còn 1/10, vậy mà nhiều xí nghiệp vẫn đang còn phải tiếp tục gạn lọc bớt người.
Cũng có Made in France “trung cấp”, là sự lội ngược dòng can đảm của một ít xí nghiệp, vì vậy khẩu hiệu là phẩm chất phải tuyệt đối. Những xí nghiệp này có thể cầm cự nhưng rất khó khăn, dù số cầu hàng Pháp càng ngày càng nhiều. Họ áp dụng chiến thuật là có cơ sở chính tại “mẫu quốc” lo việc dệt vải và sản xuất áo quần, rồi thuê hãng thầu Ấn Độ làm thêm một phần rất nhỏ thôi, bởi không thể bảo đảm sự thành thạo khéo léo đòi hỏi. Về tính chất cạnh tranh, sự chuyên môn rành nghề có thể cho họ khả năng ứng xử rộng rãi, như đề nghị tìm mua lại mặt hàng nào đó trong vòng một tuần hay ngay cả vài ba hôm, trong khi tại Á châu thì phải chờ 2-3 tháng. (Nghe vậy thì biết vậy chớ lạ, dịch vụ bên Á châu thường rất nhanh mà ?).
Năm 2013 chính phủ đưa ra phần mềm “Colbert 2.0” để giúp đỡ các xí nghiệp nhỏ và trung đánh giá lại lời lỗ nếu trở về từ các nước Á châu. Bởi vì “low cost” đã bắt đầu bước vào ngõ cụt, và cần dùng sức lao động quê nhà để giải quyết phần nào nạn thất nghiệp.
Mỹ
Từ những năm 80 các hãng may mặc đã dời tối đa sang Tàu, khoảng chục năm nay bắt đầu khăn gói trở về : 68% dân chúng Mỹ thích mua sản phẩm Mỹ dù đắt hơn. Các bà các cô Việt Nam nhiều ít cũng rành hàng Victoria’s Secret, nhưng dân Mỹ có tiền thì chuộng Hanky Panky giá đắt gấp 3 vì vải Mỹ, đì zai và phẩm chất. Hiệu quần áo trẻ trung cao cấp Abercrombie & Fitch là một trong những thương hiệu ít nhiều tai tiếng về “bóc lột sức lao động” của nhân công nước nghèo, cũng dành trong cửa hàng tranh tối tranh sáng của mình một quãng không gian Made in USA. Tuy hiện tại có rất ít hãng Made in USA, nhưng họ hoạt động chậm và chắc, với ít nhiều hãnh diện. Để đạt giá thành thấp nhất, các mặt hàng của Walmart là chuỗi siêu thị đầu tiên của Mỹ, đều sản xuất bên Tàu. Bây giờ họ cũng đã đổi khẩu hiệu, còn khuyến khích nhiều mặt hàng trở về sẽ có trợ giúp.
Chẳng những hãng Mỹ từ từ rời Á châu, nhiều nhà chế tạo sợi người Tàu còn chộp thời cơ xây dựng cơ sở trên đất Mỹ để hưởng tối đa lợi ích hải quan, rồi “xuất cảng” qua Trung Mỹ may thành quần áo rồi nhập ngược trở về đất Mỹ bán, nhằm hưởng lợi gía cả của “vùng trao đổi tự do” nữa. Thật là nhất cử lu bù tiện!
Nói chung từ đầu thế kỷ 21 đến nay ở các nước Âu-Mỹ, trừ một số ít cửa hàng dành riêng, có lẽ khoảng 95% là hàng Tàu, 5% còn lại là của Bangladesh, Ấn Độ, Cao Miên, Việt Nam… Trừ mấy nước kia có nét riêng, thì phải công bằng mà nói là sờ vào cái áo Tàu may coi có khác so với Việt Nam, từ cách chọn vải hạp với kiểu cọ đến đường kim mũi chỉ. Và cũng trừ tinh thần yêu nước mãnh liệt mà tuyệt đối kỵ hàng Tàu, chớ chẳng mấy ai sẵn sàng chọn cái xấu – nhất là hàng ăn diện của quý bà.
Con số này sẽ từ từ giảm bớt vì các nước lớn dự phóng chương trình kêu gọi các xí nghiệp hồi hương, sản xuất trong nước và tiêu thụ hàng nhà.
Việt Nam
Muốn mua cái thùng rác nhỏ cũng Made in China, giở cái rổ lên cũng Made in cùng nước. Hỏi ông chủ bán nồi ủ sao không có hàng Việt Nam, ông trả lời như dỗi : Thì công thức cũng như cái bình thủy thôi mà mình làm không nổi, mà nó thì cái gì làm cũng được. Có lẽ cũng không đáng bi quan như vậy, mình làm được tới đâu chớ ngán gì, chỉ cái hãng nào rồi sao cũng sập, mặc dù lương nhân công bên Tàu chắc đắt hơn nhân công VN : từ 2004, họ đã tăng tới 181%. Mà thôi, đó là chuyện kinh tế nhiêu khê xin miễn đi sâu.
Lại nữa thường mình “nghiêm” quá, túi xách, bình thủy, áo mão, vân vân, ngay cả đồ dùng học trò mà cũng u buồn một màu, thường sậm, kiểu “cho khỏi dơ”. Trong khi sờ tới cái túi đựng bút của Tàu thì có hình vẽ hoặc may lên con búp bê, con bướm sặc sỡ, cành hoa hay một nhân vật hoạt hình nào đó. Người lớn còn thấy vui vui huống chi trẻ nít nào chẳng thích xanh xanh đỏ đỏ.
Thành ra cộng với tinh thần vọng ngoại, sờ tới cái gì đề Made in Vietnam dân ta hay dè dặt, cửa hàng bán toàn quần áo Việt Nam là cửa hàng… không bảnh.
Vì vậy nhiều tiệm thời trang đề “hàng xuất khẩu” nghĩa là hàng tốt, kiểu cọ đì zai đẹp, lạ, “đẳng cấp”. Hàm nghĩa rằng hàng bán trong nước là không bằng. Nhưng theo ông Gu Gồ Vén tấm màn bí mật các mối hàng Việt Nam xuất khẩu “xịn” thì làm gì mà hàng xuất khẩu tràn lan thị trường tỉnh nào cũng có vài ba chục tiệm. Dầu vậy vẫn cứ tướng “hàng xuất khẩu” là các bà các cô khoái chí tưởng bở.
Riêng Hà nội, giữa lòng 36 phố phường, nhiều nơi sáng bóng hoành tráng thì cũng nhiều nơi giây điện treo mắc trên cây từng chùm lỏng thỏng suýt đụng đầu người, nhà cửa lôm côm lụp xụp, áo quần treo trên ban công ngay mặt tiền chật hẹp bừa bộn, có nhiều nhà còn nguyên dấu ám khói chắc đã từng bị cháy. Và vẫn buôn buôn bán bán, chắc không thể ngừng nghỉ để sửa chữa. Mà hệ thống điện Hà nội nếu phải làm lại chôn ngầm, thì chắc khó kinh thiên động địa.
Trong sắc màu chênh lệch đó, điều đập vào mắt nhất, dễ thương nhất là có nhiều tiệm không mang tên riêng với âm điệu Tây Mỹ Nga Tàu đại diện cho một nhà buôn, mà chỉ vỏn vẹn “Made in Vietnam”, đại diện cho cả một xứ sở. Nó lồ lộ chiếm hết bề cao bề dài chình ình trên cái trán căn nhà có vẻ hãnh diện, kiêu kỳ vỗ ngực ta đây, thể hiện cái “hồn” trong ấy hết sức mãn nguyện, đằm thắm, dành cho mọi người, có thể không đẹp không tốt lắm đâu, nhưng là của ta, do ta và vì ta, để phân biệt với hàng “nước lạ”. Và mua nó là ủng hộ nền kinh tế nước nhà chớ không đi làm giàu cho kẻ khác.
Ước sao các cửa tiệm “hàng xuất khẩu” trên khắp nước đều treo bảng Made in Vietnam !
Doanh nhân mình dậm chân tại chỗ chớ chẳng phải đùm túm di dời sang nước khác làm ăn, dân tộc tự hào thông minh, năng động, cần mẫn, nhân công có thừa và rẻ, dân chúng sẵn sàng tiêu thụ hàng nhà, miễn là xin các xí nghiệp chớ dậm chân tại chỗ trong mô hình sản xuất. Quý vị doanh nhân cố động não tìm cách nào để Made in Vietnam phục vụ trong hầu hết mặt hàng, với niềm kiêu hãnh. Ráng bung ra đi quý vị, thay vì để “kẻ lạ” nhào vô.
Và nhất là, làm thế nào diệt hàng lậu “nước lạ” tuồn qua cửa khẩu (những nơi, theo người biết chuyện, thì tình trạng là “nhà nhà buôn lậu”!) chỉ buôn bán hàng hóa đích thực của Việt Nam thôi. Đây lại là vai trò của nhà nước.
Nhàn cư, lang bang chuyện xứ người : là thuộc địa của Anh, để phản đối luật thuế trà của Anh quốc, cuối năm 1773 một số công dân Mỹ đã ném xuống biển tất cả 45 tấn trà trên 3 chuyến tàu của một công ty Ấn Độ neo ở cảng Boston. Đó là biểu tượng khai mào cho cuộc Cách mạng Mỹ giành độc lập, được thân mật đặt tên là “Tiệc trà” tuy chẳng được uống giọt nào.
Trông người lại nghĩ đến ta : Việt Nam luôn vỗ ngực độc lập, tự do, có khi nào mình đủ can đảm ném tất cả hàng Tàu xuống biển ? (Trừ phi, lạy Chúa, họ lại ma giáo… đổi mã vạch, thì sức khỏe dân Việt vẫn mãi mãi là một mối lo !).
Xuân Sương
Leave a Comment