Quảng Cáo

Chuyện khen chê, nịnh nọt

Quảng Cáo

Trong chương trình truyền hình trực tiếp do một nhóm phóng viên Mỹ thực hiện tại hang động Sơn Đoòng, Quảng Bình, có một số xen Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lội nước, băng rừng, cùng đi với đoàn thám hiểm và trả lời phòng vấn bằng tiếng Anh. Phong cách của ông khá năng động nhưng cũng không có gì là đặc biệt lắm. Nhưng các báo trong nước lại khen lấy khen để rằng ông là một người rất năng động, làm đẹp hình ảnh Việt Nam, thậm chí có blogger còn cho rằng đó là hình ảnh mà cô thích nhất, để lại trong cô ấn tượng đẹp nhất trong chương trình… Nói chung là đủ các kiểu tán dương.

Thử đặt lại vấn đề: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có cảm thấy bị nhột khi nghe người ta tán như vậy hay không? Và tại sao các báo, đài, blogger lại thi nhau tán không tiếc chữ về ông Phó Thủ tướng?

Cũng xin nhắc lại, trước đây báo chí trong nước từng ca ngợi hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam năng động, linh hoạt khi ông ra sân chơi bóng với các cựu tuyển thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam, trong trận này, ông ghi bàn và được các báo tung hô hết mức có thể.

Ở câu hỏi đầu, khi nghe người ta khen vậy ông Phó Thủ tướng có cảm thấy nhột hay không? Có thể có mà cũng có thể không. Có nhột trong trường hợp ông là một trí thức, có hiểu biết và có lòng tự trọng. Bởi dù sao đi nữa, ông cũng là người từng du học ở phương Tây, chuyện nói tiếng Anh là chuyện bắt buộc, hơn nữa, trên cương vị một Phó Thủ tướng, có bằng này bằng nọ mà lại không biết tiếng Anh, không giao tiếp được bằng một ngôn ngữ quốc tế thì còn ra thể thống gì nữa.

Trong chuyện này, rất có thể tất cả các báo trong nước cố ý khen ông Đam để chửi cả cái nền giáo dục hổ lốn hiện tại. Nếu như vậy, phải nói rằng các báo chơi quá thâm, bởi vì trong số các quan chức thuộc ban bệ trung ương và ban bệ cấp tỉnh, thậm chí cấp huyện đều có bằng cao học, thạc sĩ, phó tiến sĩ, rồi tiến sĩ. Bằng cấp đầy rẫy ra đấy. Thử hỏi bất kì một quan chức cấp trung ương ở Hà Nội thử ông ta có bằng loại gì, chắc chắn phải là bằng tiến sĩ hoặc phó tiến sĩ, bèo nhất cũng là thạc sĩ.

Nhưng để học và thi các tấm bằng này, tiêu chuẩn đầu tiên của các học viên/nghiên cứu sinh là phải thông thạo tiếng Anh, phải đạt một điểm số nhất định về tiếng Anh, đó là tiêu chuẩn đầu tiên. Nhưng, ở Việt Nam có rất nhiều ông thạc sĩ, tiến sĩ đang giữ chức to bự từ cấp tỉnh đến cấp trung ương, liệu các ông này có nói được tiếng Anh, có nghe và hiểu được tiếng Anh? E rằng khó, nếu không nói là mù tịt!

Như vậy, lời khen của các báo trong nước vô hình trung làm lộ một gương mặt giáo dục hết sức dối trá và thô bỉ của Việt Nam, các phi vụ mua bằng bán chức được phơi bày sau khi một ông Phó Thủ tướng đứng ra nói vài câu tiếng Anh và các báo khen lấy khen để, tự hào về hình ảnh của ông. Chừng đó coi như đủ! Và đứng trên khía cạnh này, ông Phó Thủ tướng sẽ rất nhột, rất khó chịu nếu ông đặt danh dự quốc gia lên trên cái tôi và tính hảo ngọt của ông.

Ngược lại, có thể ông không thấy bị nhột và thỏa mãn nếu như ông cũng là một trong những trục phe cánh chính trị nào đó. Cũng tìm riêng cho bản thân một thế mạnh thông qua thế lực bồi bút cài cắm ở các báo (các thế lực chính trị tại Việt Nam luôn thao túng một tờ báo nào đó và chuyện này hiện ra rất rõ trong các cuộc tranh quyền, trước các đại hội) thì đây sẽ là cơ hội để ông đạp một đối thủ nào đó.

Đến đây, chuyện khen ông Phó Thủ tướng, nịnh nọt ông Phó Thủ tướng là chuyện rất bình thường trong báo chí nhà nước, chẳng có gì đáng bàn. Vấn đề đáng bàn nhất không nằm ở chỗ tại sao các báo lại dễ dàng khen chê như vậy nữa mà nằm ở chỗ khác.

Cái “chỗ khác” ấy chính là hình như giới quan chức trung ương nhà nước Việt Nam vẫn còn trong tình trạng chẳng có gì để nói, ù ù cạc cạc nửa nạc nửa mỡ, dốt không ra dốt mà giỏi thì chắc chắn không giỏi, khó có ai để tìm ra một biểu hiện trí tuệ. Chính vì vậy, khi ông Đam biểu hiện một chút “thông thái” thông thạo ngoại ngữ thì trở nên tiêu biểu, xuất sắc, trở thành để tài hot để khen, để nịnh nọt.

Mà báo chí càng khen, càng nịnh nọt, càng bốc thơm ông Đam lại càng cho thấy sự thối nát, tệ hại, tù mù trong hệ thống quan chức trung ương, quan lại địa phương của Việt Nam hiện tại. Chuyện nào cũng có hai mặt của nó.

Khen, nịnh cũng có mặt phải, đó là làm cho ai đó trở nên kì vĩ sau lớp màng bốc thơm nhưng đồng thời cũng làm lộ mặt trái của nó, làm lộ rõ phông nền của sự việc. Nói ra thành mạo phạm, chứ cách khen như vậy không bằng chửi. Chuyện này có khác nào khen một người biết đọc, biết viết giữa một đám mù chữ trong làng. Trong khi đó, muốn đi ra khỏi làng, việc đầu tiên là phải biết đọc. Và hơn hết là phải biết tự trọng!

http://www.rfavietnam.com/node/2594

 

 

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux