Quảng Cáo

Tòa Trọng Tài Thường Trực, vụ kiện Trung Quốc của Phi

Quảng Cáo

Vào ngày 22/04/2015, Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA Permanent Court Of Arbitration tại The Hague, Hòa Lan) đã ra quyết định thứ tư trong phiên xử đơn kiện của Phi Luật Tân đối với âm mưu đòi chủ quyền của Trung Quốc trên 90% Biển Đông. Quyết định này liên quan đến việc Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực, do đó tòa sẽ mở một phiên xử nhằm cứu xét vấn đề trên. Chúng tôi xin phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân về vấn đề nói trên.

 

 

CTM : xin ông cho biết sơ qua về diễn biến của vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

NNB : Thưa qúy vị thính giả của Đài Chân Trời mới, vụ chính phủ Phi Luật Tân đệ đơn kiện dã khởi đầu từ đầu năm 2013, vào ngày 22/01/2013 tại Tòa Trọng Tài Thường Trực, sau khi đã hoàn toàn thất bại không đạt một kết quả nào, trong tiến trình thương thuyết với Trung Quốc trong một vòng đàm phán kéo dài gần 20 năm trời. Sau khi nhận đơn và thụ lý hồ sơ của Phi, trong quyết định thứ nhất vào ngày 27/8/2013, Tòa ra lệnh cho Phi Luật Tân phải nộp hồ sơ và thời hạn chót là 30/3/2014. Trong quyết định thứ hai, vào ngày 3/6/2014, Tòa quyết định về thời hạn chót mà Trung Quốc phải nộp hồ sơ phản biện lại hồ sơ Phi Luật Tân là ngày 15/12/2014. Ngày 17/12/2014, Tòa ra quyết định thứ ba, sau khi nghi nhận là Trung Quốc đã từ chối không nộp hồ sơ và yêu cầu Phi Luật Tâm bổ túc thêm hồ sơ, hạn chót ngày 16/3/2015. Vào ngày 22/4/2015, Tòa ra quyết định thứ tư, theo quyết định này, Tòa sẽ mở phiên tòa đặc biệt vào tháng 7/2015, nhằm cứu xét việc TQ luôn luôn phủ nhận thẩm quyền của Tòa Thường Trực và cho TQ quyền nộp hồ sơ cho tới 16/6/2015. Cho đến nay, Phi luôn luôn nộp các hồ sơ theo yêu cầu của Tòa đúng thời hạn. Trong lúc Trung Quốc luôn luôn phủ nhận. Theo dự trù, sau phiên xử đặc biệt vào tháng 7 này, Tòa sẽ ra phán quyết sau cùng về đơn kiện của Phi vào cuối năm 2015, tức khoảng 3 năm sau khi khởi đơn kiện. Về phần nhận định cá nhân, tôi nghĩ có nhiều xác xuất là Tòa sẽ bác bỏ yêu sách của TQ đòi hỏi thẩm quyền trên 90% biển Đông qua đường Lưỡi Bò 9 điểm, do chính TQ vẽ ra mà không dựa trên một căn bản lịch sử, công pháp quốc tế nào. Về phía Việt Nam, CSCN không dám trực tiếp đệ đơn kiện như Phi, Bộ Ngoại Giao CSVN chỉ gởi đến Tòa vào ngày 5/12/2014, một thông báo liên hệ đến tiến trình kiện giữa Phi và Trung Quốc và được Tòa ghi nhận và gởi cho 2 bên. Hiện nay mọi người đang chờ đợi phản ứng của Trung Quốc, từ 3 tuần nay.

 

CTM : xin ông cho biết một số dữ kiện về Tòa Trọng Thường Trực PCA để qúy thính giả hiểu rõ về Tòa Quốc Tế này.

NNB : Tòa Trọng Tài Thường Trực là một Tòa Án Quốc Tế, tên Anh là Permanent Court of Arbitration tại The Hague, Hòa Lan. Sở dĩ Phi Luật Tân lựa chọn Tòa Trọng Tài, vì đây là một Tòa Quôc Tế đã xét xử nhiều vụ tranh chấp về biển giữa nhiều quốc gia, từ hơn 100 năm nay, có ít nhất 30 vụ tranh chấp về biển trong tổng số hơn 120 vụ kiện đã được đưa ra xét xử, với những phán quyết có giá trị pháp lý trên bình diện quốc tế, số còn lại là các vụ liên quan đến luật đầu tư hay các hiệp ước song phương và đa phương, giữa một đối tác quốc gia và một đối tác định chế cấp quốc gia. Vụ xưa nhất xảy ra vào đầu thế kỷ thứ 20 vào năm 1902. Sau khi cứu xét, Phi Luật Tân đã lựa Tòa Trọng Tài Thường Trực để kiện, vì trong Thủ Tục của Tòa, Tòa Trọng Tài vẫn tiếp tục xét xử dù bên bị cáo vắng mặt hay không chấp nhận tham dự. Đây là điểm khác biệt căn bản với Tòa ITLOS (International Tribunal for the Law of the Sea) tại Hamburg hay Tòa Hình Sự Quốc Tế ICC (International Criminal Court) tại The Hague. Hiện nay 5 quan tòa của Tòa Thường Trực là quan tòa Thomas A. Mensah của Ghana, quan tòa Jean-Pierre Cot of của Pháp, quan tòa Stanislaw Pawlak của Ba Lan, Giáo sư Alfred Soons của Hòa Lan, quan tòa Rüdiger Wolfrum của Đức. Với một thành phần quan tòa như trên, chắc chắn là Tòa Trọng Tài sẽ không bị ảnh hưởng trước những áp lực mua chuộc, răn đe đến từ phía TQ. Trong lịch xử xét xử của Tòa, chưa có lần nào mà một quốc gia lại luôn luôn phủ nhận thẩm quyền của Tòa như Trung Quốc lần này.

 

CTM : Sau quyết định lần thứ tư này, xin ông cho biết phản ứng của Trung Quốc.

NNB: Thái độ của Trung Quốc là trước sau nhất quyết không chấp nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Khoảng 1 tháng sau khi Phi Luật Tân để đơn kiện, TQ dã chuyển đến Phi một văn kiện trình bày về Quan điểm của TQ về các vấn đề của Biển Đông và bác bỏ đơn kiện. Kế tiêp vào ngày 21/5/2014, Tòa nhận được một văn kiện của TQ nhắc lại quan điểm và cho biết không chấp nhận thẩm quyền của Tòa. Sau đó, vào cuối năm 2014 ngày 16/12/2014, Tòa cũng nhận được một văn kiện từ TQ nhắc lại quan điểm và không chấp nhận đơn kiện của Phi, và cũng không đệ nạp hồ sơ phản biện. Lần này, các quan tòa của Tòa Trọng Tài đã tìm cách bẫy lại Trung Quốc qua việc đề nghị xét xử xem Tòa Trọng Tài có thẩm quyền hay không trong vụ kiện của Phi Luật Tân. Vì cả trong 2 trường hợp, Trung Quốc đều gặp bất lợi, tiến thoái lưỡng nan. Nếu từ chối không tham dự, rõ ràng là Trung Quốc đuối lý, không chứng minh nổi là tại sao họ lại từ chối thẩm quyền của Tòa. Nếu họ chấp nhận tham dự phiên tòa vào tháng 7/2015, họ sẽ gián tiếp công nhận thẩm quyền của Tòa và do đó, không còn có lý do chính đáng để không chấp nhận phán quyết của Tòa vào cuối năm nay. Hiện nay, trên nhiều lãnh vực kinh tế, văn hóa, Trung Quốc đang bị hội chứng siêu cường, bất chấp mọi luật lệ quốc tế, chỉ làm theo ý họ và sẵn sàng dùng sức mạnh bạo lực để đàn áp các quốc gia yếu kém hơn.

 

CTM: Xin ông cho biết những diễn biến mới nhất về Biển Đông và dựa trên bối cảnh tình hình hiện nay, xin ông cho biết dự kiến những gì sẽ xảy ra trên Biển Đông.

NNB : Hiện nay tình hình biển Đông vẫn đang biến chuyển nhanh chóng. Nhật và Hoa Kỳ đều rất quan tâm đến mưu đồ bành trướng và âm mưu đặt thế giới trước một sự kiện đã rồi của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như tại Hoàng Hải. Nhằm chiếm trận địa trước khi Tòa ra phán quyết sau cùng, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng các hải đảo nhân tạo và xây cất phi trường, căn cứ quân sự tại Gác Ma, nhằm dặt các quốc gia lân bang, cộng đồng thế giới trước một sự kiện đã rồi, không thể đảo ngược lại được. Sau Tư Lệnh Hạm Đội Bảy Hoa Kỳ, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Carter, đến lượt Tổng Thống Obama đã lên tiếng lo ngại và cảnh giác Trung Quốc về các toan tính bành trường, thay đổi hiện tình trên Biển Đông. Hoa Kỳ và Nhật Bản đang tổ chức để có những cuộc tuần hành tầu chiến và phi cơ tuần thám ngay trên Biển Đông. Hiện nay Hoa Kỳ đã bố trí 60% hải lực trong vùng Thái Bình Dương, thắt chặt hợp tác quân sự với các đồng minh như Đại Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Úc, bố trí chiến hạm tại Tân Gia Ba. Các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Tân Gia Ba, Nam Dương đều đang nỗ lực tân trang hải quân nhằm đối phó lại Trung Quốc. Gần đây, Ấn Độ và ASEAN cũng đang tiến gần lại với các hợp tác bằng quân sự nhằm đối phó lại Trung Quốc. Trước cuối năm 2015, nếu Trung Quốc có những động thái hung hăng hơn, công khai hơn, chắc chắn có thể sẽ xảy ra đụng độ về quân sự, với những hậu quả tai hại khó lường. Về phía dân tộc Việt nam, chúng ta phải luôn cảnh giác, báo động trước mọi âm mưu của Trung Quốc, vận động ý thức của người dân và các thành phần trong guồng máy chế độ về hiểm họa mất nước. Cảnh giác thế giới về âm mưu bành trướng của Trung Quốc.

 

 

Quảng Cáo
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux