Quảng Cáo

Vô Cảm, Vô Cảm, tuyệt đối Vô Cảm (phần 1)

Quảng Cáo

Phải mất sáu tiếng đồng hồ một đoàn cấp cứu người Pháp và người Nepal cưa gỗ, đục tường và sàn nhà, mới kéo được anh Rishi Kanal, 28 tuổi, ra khỏi đống gạch ngói đổ nát, sau trận động đất, đưa nước uống và bơm dưỡng khí cho anh. Một cụ già 101 tuổi ở quận Nuwakot, phía Tây Bắc thủ đô Kathmandu được cứu; cụ nhịn đói, nhịn khát suốt bảy ngày sau khi động đất; cả làng bị xóa sạch. Nhân viên một công ty Mỹ mang hai cái máy tìm kiếm bằng radar sóng ngắn qua, cứu được bốn người bị vùi dưới hai lớp cao ốc sụp đổ ở làng Chautara. Cái máy này của NASA lần đầu tiên đem dùng trên trái đất, có thể dò biết hơi thở và nhịp tim đập của con người dưới sâu hàng chục thước. Ðoàn cấp cứu này gồm nhiều người quốc tịch Bỉ, Hòa Lan và Trung Quốc.

Sau những vụ thiên tai, cảnh con người đi cứu lẫn nhau khiến chúng ta xúc động; cảm thấy tình nhân loại thật ấm áp.

Nhưng chúng ta cũng rất buồn khi thấy những người hoàn toàn vô cảm trước nỗi thống khổ của đồng loại. Người Việt Nam thì không những buồn mà còn thấy xấu hổ, khi thấy trên mạng Internet quốc tế cảnh một đồng bào của mình hoàn toàn vô cảm. Trên website 9gag có hình nhiều du khách ngoại quốc đang đi cấp cứu các nạn nhân động đất, kèm theo bức hình một phụ nữ Việt Nam đang đứng chụp hình kỷ niệm giữa cảnh đổ nát. Cô có khuôn mặt rất xinh, miệng nở nụ cười hớn hở, tay đưa lên như chỉ cho mọi người thấy ngôi nhà bị sập cao như thế nào. Ðúng là một thái độ vô cảm. Ðiều đáng xấu hổ hơn, là cô này ở trong một phái đoàn hội Chữ Thập Ðỏ, sang Nepal trước đó mấy ngày để “nghiên cứu về động đất.”

Chữ Thập Ðỏ, người miền Nam trước đây gọi là Hồng Thập Tự, là một tổ chức cấp cứu. Tinh thần của các hội Hồng Thập Tự là cứu người, giúp người. Phải có tấm lòng mẫn cảm, thương xót mới làm việc cho những tổ chức như thế. Thái độ vô cảm càng không chấp nhận được. Trên website 9gag có hai tấm hình, lần lượt được chú thích cho dân mạng so sánh: Hình người phụ nữ Việt Nam là Một thành viên Hội Chữ Thập Ðỏ Việt Nam. Hình kia là những du khách khác đang cùng dân địa phương tìm bới các đống gạch đổ nát.

Nhưng không phải chỉ một mình cô gái này vô cảm. Cả đoàn cùng đi với cô cũng vậy. Ði học hỏi về việc phòng bị động đất, đối phó với động đất, đáng lẽ ra khi gặp cảnh động đất thật thì phải coi đây là một cơ hội học hỏi trên thực địa. Nhưng không. Gặp động đất, cả đoàn tìm cách kéo nhau về sớm. Về tới nhà, được dịp khoe khoang tài thành tích ăn mì gói và tài chạy chọt của mình, làm thế nào tìm được máy bay đi Quảng Châu rồi về Hà Nội!

Họ thanh minh rằng không có khả năng cấp cứu, không biết phong tục và ngôn ngữ địa phương nên đành về. Nhưng có hai người Việt Nam khác, nhân viên một hãng viễn thông đang ở Kathmandu lúc đó, họ không bỏ chạy. Họ tình nguyện vào bệnh viện giúp các công tác cứu thương, và đi hiến máu. Có ai cần biết nói tiếng địa phương đâu?

Dân Việt Nam không vô cảm như mấy người Chữ Thập Ðỏ. Câu chuyện và hình ảnh này lên mạng, các công dân mạng ào lên “ném đá!”

Dân mạng lại “ném đá” một lần nữa khi thấy cảnh người ta đưa xác một phi công tử nạn về nhà trong một cái túi xách tay! Ðó là di hài một thiếu tá phi công thiệt mạng trong chuyến bay huấn luyện tháng trước, được đưa về cho gia đình tại Hải Phòng. Trên thế giới, người ta rất kính trọng các thi hài, dù đó là thường dân. Thi hài các quân nhân tử nạn khi đang làm nhiệm vụ đều được đặt trong quan tài phủ Quốc kỳ, đưa đón với lễ nghi trang trọng và uy nghiêm. Nhưng ở Việt Nam thì di hài một sĩ quan không quân bị nhét trong một cái túi hành lý loại xách tay, mầu xanh trơn, cho hai người khiêng, một người đi trước bước theo kiểu diễn hành. Gia đình người chết không được mời tới nhận và đưa thi hài về nhà. Ðơn vị không quân của anh có cử đại diện đưa anh về với gia đình hay không? Tại sao người ta không đặt cái túi lên một miếng gỗ lớn hơn một chút, bốn người khiêng trông nó đỡ bệ rạc? Chẳng người nào thắp cho người chết một nén hương. Cũng chẳng thấy một đóa hoa, một băng tang màu đen hoặc mầu trắng, hay một tấm khăn sô phủ cho kín đáo! Cả đám tang là cái túi hành lý xách tay, nếu mở coi bên trong chắc thấy chữ Made in China! Tại sao không bỏ tiền ra mua một cái “hòm” gỗ cho nó phải phép? Tiền để đem xây biệt thự cho các quan bí thư tỉnh, bí thư xã không bớt đi một phần trăm ngàn làm việc này được hay sao?

Nhiều công dân mạng trong nước đã ném đá. Những chữ diễn tả đúng nhất là “nhếch nhác, cẩu thả, vô cảm, phi văn hóa!” “Thà đừng làm gì cả. Làm kiểu nửa vời vậy rất lố bịch!” Một người còn thấy nhục quốc thể: “…rồi báo chí nước ngoài họ nhìn vào và họ đánh giá như thế nào đây? Thật quá đau lòng!”

Ai đã gây ra cái cảnh nhếch nhác, lố bịch, đau lòng này? Quân đội? Bộ Quốc Phòng? Không quân? Thủ phạm là tất cả cái nhà nước phi nghĩa, vô luân, bệ rạc, nhếch nhác? Tất cả cái đảng đã tạo nên một xã hội lãnh đạm, vô cảm, không còn một giá trị nào được kính trọng nữa!

Câu chuyện đám tang một sĩ quan và câu chuyện hội Chữ Thập Ðỏ đều cho thấy những người không còn biết xúc cảm nữa. Không xúc động trước cái chết của hơn bảy ngàn người Nepal, cũng không xúc động trước xác chết của một đồng đội. Cái gì đã đốt cháy tim óc những người đang ăn trên ngồi trốc trong xã hội Việt Nam; khiến cho họ không còn biết thương xót, không còn biết rung động trước nỗi khổ, trước cái chết của đồng loại?

**********

Kính thưa quý thính giả? Câu hỏi vừa kể sẽ được trả lời trong phần hai bài viết của tác giả Ngô Nhân Dụng, sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới. Mời quý vị đón nghe.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=207005&zoneid=7#.VU7vVkZ2MRI

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux