Chiều ngày 15/4/2015 sau 5 ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án tỉnh Phú Yên đã đưa ra một bản án được mô tả là nhẹ đối với các bị cáo nguyên là sĩ quan công an trong vụ án đánh chết ông Ngô Thanh Kiều.
Trong 5 công an bị truy tố tội “dùng nhục hình”, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát viên Công an Thành phố Tuy Hòa) bị mức án nặng nhất với 8 năm tù (trước đây bị 5 năm). Các bị cáo còn lại Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, đội phó trinh sát) 2 năm 6 tháng tù (trước đây bị18 tháng); Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, trinh sát viên) 2 năm 3 tháng tù (trước đây bị 2 năm); Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, đội phó đội điều tra tội phạm) 2 năm tù (trước đây bị 15 tháng) ; bị cáo Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, trinh sát viên) 1 năm tù cho hưởng án treo.
Riêng bị cáo Lê Đức Hoàn – thượng tá, nguyên phó trưởng Công an Tuy Hòa, bị tuyên phạt 9 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo vì phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Luật sư Võ An Đôn cho biết các bị cáo đã “tỏ ra vui mừng” sau khi nghe tuyên án, trong lúc gia đình bên bị hại đã phản ứng giận dữ.
Về trách nhiệm dân sự, tòa bác yêu cầu của gia đình bị hại là áp dụng luật trách nhiệm bồi thường nhà nước để bồi thường gần 1,5 tỉ đồng, mà chỉ chấp nhận mức bồi thường tối đa 60 tháng lương tối thiểu, và buộc Công an Thành phố Tuy Hòa có trách nhiệm cấp dưỡng cho hai con nhỏ của ông Kiều mỗi tháng 575.000 đồng/cháu.
Được biết, trong phiên tòa sơ thẩm lần hai này, Luật sư Võ An Đôn với tư cách luật sư bảo vệ quyền lợi gia đình anh Ngô Thanh Kiều đã đề nghị 3 điều:
1- Đề nghị chuyển tội danh 5 công an từ tội Dùng nhục hình theo Điều 298 BLHS, thành Tội giết người theo Điều 93 BLHS
2- Đề nghị khởi tố bị cáo Lê Đức Hoàn về Tội bắt người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS
3- Đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh – Viện trưởng VKSND thành phố Tuy Hòa và những người liên quan về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo Điều 294 BLHS
Nhưng tất cả 3 điều này đều bị hội đồng xét xử bác bỏ.
Sau phiên tòa, luật sư Đôn cho rằng bản án “quá nhẹ và bỏ lọt nhiều tội”. Ông nói: “Các bị cáo dùng dùi cui, thay nhau đánh từ 8 giờ sáng tới 2 giờ chiều, đánh chết anh Kiều, với 72 vết thương, trong đó có 12 vết thương ở phần đầu, và toàn bộ nội tạng bị đánh dập nát hết. Hành vi này đã cấu thành tội giết người, nhưng mà xử tội dùng nhục hình là không đúng.”
Ông cũng cho rằng nếu xử không nghiêm thì người ta không sợ.
Tình trạng dùng nhục hình ở Việt Nam rất là phổ biến. Chuyện chết trong nhà tạm giữ, tạm giam là hậu quả của dùng nhục hình, và số lượng thì cũng nhiều. Do trình độ của công an thấp, nên người ta phải dùng nhục hình, đánh đập để lấy lời khai. Việc đó xảy ra tràn lan, gây nhức nhối trong xã hội.
Ông Đôn cho biết sắp tới nếu gia đình bị hại nhờ ông kháng cáo thì ông sẽ giúp tới cùng dù có phải đối mặt với đe dọa thường xuyên, vì ông đang đấu tranh bảo vệ cho công lý.
Leave a Comment