Chính quyền Bắc Kinh càng ca ngợi hiệu năng của bức Tường lửa Vĩ đại được mệnh danh là Tường lửa Vạn Lý Trường Thành do họ dựng lên nhiều chừng nào thì cư dân mạng ở Hoa lục cũng như giới đầu tư nước ngoài lại càng bất mãn nhiều chừng đó. Hiện nay ở Hoa lục khó vào các trang mạng nước ngoài để tiếp cận thông tin, qua mạng Internet, muốn xem You-tube hay trò chuyện với nhau qua Skype cũng không còn đưọc bình thường như trước đây nữa, những email của người quen gởi đến mà bạn không nhận được nó sẽ tiêu tan thành mây khói. Tất cả điều đó nếu Tường lửa Vạn Lý Trường Thành chưa lọc qua là coi như vô vọng.
Ngày 13/03/2015 vừa qua, nhà nước Bắc Kinh mới ra Thông đạt bắt buộc những ngân hàng ở Hoa lục phải cung cấp ám số (chìa khóa) của tất cả máy rút tiền tự động nối với ngân hàng chính. Về kỹ thuật an ninh mạng Internet của ngân hàng thì từ đây đến năm 2019 phải áp dụng trên 75% kỹ thuật này của Trung quốc. “Vạn Lý Trường Thành tường lửa”, biệt danh của kiểm duyệt Internet, cũng gây ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp nước ngoài, vốn dĩ quá quen thuộc với các công nghệ thông tin hiện đại. Để vượt qua Tường lửa Vạn Lý Trường Thành nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Trung Quốc, phải dùng đến các trình duyệt trả tiền cho phép lẩn tránh được nạn kiểm duyệt bằng cách kết nối vào những mạng tư nhân ảo. Tuy có hiệu quả nhưng đường truyền cũng khá chậm chỉ được 86%. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn các hoạt động kinh doanh của họ đã bị đình trệ do những hạn chế và tình trạng kết nối chậm. Chuyện kiểm duyệt Internet cũng gây lo sợ cho hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài về rủi ro các dữ liệu nhạy cảm bị đánh cắp tại Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với những nơi khác.
Theo các chuyên gia, kỹ thuật gia về công nghệ thông tin thì Internet là công cụ tối tân nhất cho nhân loại bước vào kỷ nguyên tự do thông tin giúp nhân loại mở mang trí tuệ, hiểu biết thêm nhiều chuyện đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới trong một khoảng khắc rất nhanh. Bằng cách này hay cách khác để ngăn chận Internet là muốn khống chế trí tuệ con người.
Về phía các nhà hoạt động xã hội ở Hoa lục thì cho rằng chế độ Cộng sản Trung quốc lợi dụng việc chống khủng bố để lập ra Tường lửa Vạn Lý Trường Thành. Sự thật thì họ muốn ngăn chận việc nối kết toàn cầu qua mạng Internet vì chuyện nối kết này sẽ giúp người dân biết về những thông tin trung thực mà từ trước đến nay chế độ muốn dấu kín, khi người dân đã biết sự thật thì chắc chắn sự bất mãn sẽ bộc phát dữ dội có thể làm sụp đổ chế độ. Những gì cần muốn làm để ngăn chận Internet, chính quyền ông Tập Cận Bình đã làm, vấn đề còn lại là liệu trấn áp được hơn 600 triệu cư dân mạng ở Hoa lục được bao nhiêu lâu.
Việt Nam có tường lửa nhưng chưa mạnh như của Trung quốc nên Hà Nội dở thêm trò bắt bớ những ai chuyển tải thông tin trung thực qua mạng Internet cho mọi người đọc. Cái gì đúng sự thật mà có hại cho chế độ thì chính quyền CSVN liệt nó vào hạng thông tin xấu. Cuối tháng 12/2014, trong hội nghị toàn quốc tổng kết của ngành Tuyên giáo, ông Lê Hồng Anh, Thường trực ban Bí thư đảng CSVN phát biểu rằng ngành Tuyên giáo có trách nhiệm nghiên cứu, đưa ra các biện pháp để ngăn chận, vô hiệu hóa những thông tin xấu, độc hại trên mạng Internet. Ông Lê Hồng Anh cũng nhắc nhở mọi người phải nỗ lực đấu tranh, chống điều mà ông gọi là thủ đoạn âm mưu diễn biến hòa bình, ngăn chận không để cho nội bộ lung lay tư tưởng.
Trước đó vào ngày 15/07/2013, bộ Tư pháp của nhà nước CSVN ban hành Nghị định 72 cấm người dân sử dụng các trang mạng xã hội để chia sẻ tin tức, nhận định mang tính thời sự có thể gây bất ổn cho quốc gia. Nghị định này chí cho phép người dân dùng internet để chia sẻ những tin mang tính cá nhân.
Ngay sau khi Nghị định này được áp dụng, Liên minh Tự do Trực tuyến đã ra tuyên bố nói rằng Nghị định 72 sẽ áp đặt thêm những hạn chế đối với cách thức truy cập và sử dụng Internet ở Việt Nam.
Liên minh Tự do Trực tuyến là một nhóm liên khu vực gồm 21 chính phủ hợp tác để đẩy mạnh tự do Internet trên toàn thế giới. Trong nhóm này có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, và nội dung thông cáo được đăng trên trang web Sứ quán Mỹ tại Hà Nội.Theo tuyên bố này, Nghị định 72 “có nguy cơ làm tổn hại đến nền kinh tế của Việt Nam với việc hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp ở Việt Nam, hạn chế sự đổi mới, và làm chùn bước đầu tư nước ngoài”. Liên minh này còn cáo buộc các văn bản luật hạn chế sự công khai và tự do như Nghị định 72 tước khỏi các nhà sáng tạo và các doanh nghiệp các công cụ cần và đủ để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay và kêu gọi Việt Nam phải “sửa đổi Nghị định 72 để văn bản này thúc đẩy khả năng thực thi quyền con người của các cá nhân, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận”.
Lẽ đương nhiên là Hà Nội bác bỏ các chỉ trích về Nghị định này đến từ mọi nơi, nhưng vẫn huênh hoan khoe rằng hiện nay Việt Nam là quốc gia được xếp hạng cao về tự do Internet kể cả tự do ngôn luận. Nghe mà ghê quá phải không qúy thính giả.
Leave a Comment