Ông Nguyễn Phú Trọng triều kiến Trung Quốc trước khi sang Mỹ

- Quảng Cáo -

Tin từ thống tấn xã VN thì Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm viếng Trung Quốc 4 ngày kể từ ngày 7/4/2015 nhằm cải thiện mối quan hệ bị sứt mẻ vì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.

Đây là cuộc thăm viếng cao cấp nhất của phía Việt Nam đến Bắc Kinh kể từ khi có cuộc đối đầu trên biển giữa lực lượng hai nước ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa từ đầu Tháng 5 năm ngoái và kéo dài 2 tháng rưỡi.

Theo tờ Thanh Niên thì, ông Nguyễn Phú Trọng ngoài chuyện gặp các nhân vật hàng đầu trong guồng máy đảng cộng sản Trung Quốc gồm Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông “cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ thân mật với đại diện và thân nhân những người TQ có công với VN trong hai cuộc kháng chiến, các bạn bè TQ của VN nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN – TQ, tiếp lãnh đạo một số tập đoàn công ty TQ tiêu biểu đang đầu tư tại VN, tiếp đại diện Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân TQ và Hội Hữu hảo Trung – Việt…”

Đồng thời “cũng sẽ tới thăm tỉnh Vân Nam; tiếp lãnh đạo Tỉnh ủy, Chính quyền tỉnh Vân Nam và thăm một cơ sở tiêu biểu tại Vân Nam”.

- Quảng Cáo -

Cần nói thêm, từ những ngày đầu năm, khi có tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đi thăm viếng cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ trong năm nay, đã có nhiều lời bình luận, phân tích về ý nghĩa của chuyến đi này, sự sắp xếp đến đâu trước, trong cái thế đu dây tế nhị của lãnh tụ Hà Nội giữa hai cường quốc quân sự và kinh tế ở tình thế vừa đối đầu vừa hợp tác.

Tuy đã có nhiều phái đoàn cấp cao của CSVN đến Trung Quốc và của Trung Quốc đến Việt Nam thời gian gần đây, nhiều nhà bình luận thời sự quốc tế cho rằng Hà Nội dè dặt hơn trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Thậm chí có những lời kêu gọi ngay trong nội bộ đảng CSVN đòi hỏi “thoát Trung”, đa dạng hóa nhiều hơn nữa mối quan hệ chính trị và thương mại. Dù vậy, trên mặt kinh tế, người ta thấy Việt Nam càng ngày càng lún sâu vào sự lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc và chưa thấy có hành động cụ thể nào từ phía Hà nội muốn hay có thể “thoát Trung” trong đoản kỳ.

Bình luận về chuyến đi Bắc Kinh sắp đến của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên tờ Wall Street Journal, giáo sư Carlyle Thayer của Học viện Quốc phòng Hoàng Gia Úc, cho rằng chuyến đi của ông “nhiều phần không đạt được hạn chót để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Trọng nhiều phần sẽ có kết quả về cải thiện bang giao giữa hai nước”.

Về mặt chính thức, người ta sẽ phải chờ bản thông cáo chính thức sau cuộc gặp mặt Tập Cận Bình – Nguyễn Phú Trọng có thể với những lợi lộc kinh tế dùng làm mồi nhử. Nằm ngầm bên dưới, không loại trừ những lời đe dọa bóng gió để Hà Nội đừng quá nghiêng sang Mỹ.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here