Nah : Tiếng hát của một loài chim tuyết (2)

- Quảng Cáo -

Nah : Tiếng hát của một loài chim tuyết (2)

Nah NVSonTrong cái thế giới im lặng và cam chịu, những người trẻ của chúng ta bị bỏ rơi! Cha mẹ, thầy cô, học đường đã vô tình bỏ rơi cả một thế hệ thanh niên. Họ muốn tuổi trẻ nhiệt huyết cũng phải cúi đầu sống cam chịu như họ. Nah không muốn vậy, tôi chắc nhiều thanh niên cũng không muốn vậy. Và điều này đã đưa đến cái chết đau thương của một thanh niên Pháp Luân Công.

Chúng ta thấy gì phía sau kế hoạch cầm búa đến đập lăng Hồ Chí Minh của Nguyễn Doãn Kiên? Có lẽ không ai đồng tình với việc làm dại dột của các em, tuy nhiên tôi kính trọng suy tư của những người trẻ này. Nguyễn Doãn Kiên đã chia sẻ với các bạn của mình trước lúc em thực hiện kế hoạch, em bảo:

“Con ma lớn nhất không phải là tên đại ma đầu Hồ Chí Minh mà là sự sợ hãi trong lòng mỗi người dân Việt chúng ta.”

- Quảng Cáo -

Đúng sáng mùng bốn Tết tức là ngày 03/02/14, bốn thanh niên Pháp Luân Công đã đến lăng Hồ Chí Minh trên hai chiếc honda và họ bị bắt ngay khi tiếp cận gần sát chân lăng. Có đến sáu người đã bị bắt trong vụ này, trong đó có hai người chụp hình và quay phim. Họ là Nguyễn Doãn Kiên, Vũ Hồng Tố, Nguyễn Văn Kiệm, Trịnh Minh Khánh, Nguyễn Văn Lượng và Phạm Văn Hảo.

Không ai biết thêm gì về họ cho đến khi nghe được thông tin từ tù nhân Trương Minh Tam. Anh Tam kể rằng trong trại giam các thanh niên này đã bị đánh đập rất tàn nhẫn. Nhưng cứ sau một cú đấm đá đau điếng của quản giáo, sau mỗi lần họ ngã xuống, anh lại nghe câu: “đả đảo cộng sản” từ những thanh niên Pháp Luân Công này. Thông tin cuối cùng được biết về họ là một trong sáu thanh niên này đã tự tử và qua đời trong trại giam.

Trước hàng loạt những vô lý của xã hội, hàng loạt những đau thương như vậy, ĐMCS là thứ ngôn ngữ mà những người tuổi trẻ như Nah muốn dùng. Hơn nữa bản thân nhạc rap vốn là thể loại âm nhạc xuất thân và phát triển ở những khu tập trung của những người nghèo khổ, người da màu tại Hoa Kỳ; nơi gắn liền với nhiều tệ nạn xã hội và băng đảng. Có thể coi nhạc rap là thứ âm nhạc giúp những người sống dưới đáy xã hội dùng để tố cáo thực trạng kỳ thị, bất công đối với bản thân mình.

Nếu ai đã từng coi một số video về dân oan, điển hình là đoạn mới nhất của gia đình dân oan Mai Thị Kim Hương tại chợ Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An thì sẽ thấy cái điệp khúc đó cũng được lập đi lập lại trong các câu nhắm vào lãnh đạo CS và lực lượng công an. Kiểu như: “ĐM mày không ra đánh lấy Hoàng Sa, Trường Sa, mày giật chén cơm của tao” hoặc “Thằng nào muốn làm liệt sỹ, nhào vô! Tao bây giờ tao điên rồi”

Đó là một gia đình dân oan gồm bốn người. Họ mất đất, mất nhà từ năm 2009, kiếm sống duy nhất bằng một chiếc xe đẩy bán nước mía. Khi công an đến giăng dây cô lập cấm buôn bán, em Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi, đã bảo vệ mẹ và chỗ bán bằng cách tròng một sợi dây vào cổ và nói với lực lượng công an rằng: cứ giết em đi, đừng hủy hoại nguồn sống duy nhất của gia đình em. Một gã công an đã giật sợi dây trên tay em và siết cổ em đến ngất lịm. Với bằng ấy những sự uất ức, tôi nghĩ ĐMCS là tiếng nói của sự căm phẫn, là lời tố cáo thật nhất của những con người bị dồn đến chân tường.

Bằng một cách nhìn, cách nghĩ bộc phát, Nah và các bạn em đang thách thức thực trạng xã hội bằng những hành động có chủ đích, có ý thức và chấp nhận hy sinh. Bằng cung cách riêng, Nah và nhóm của em cũng đang làm cái việc mà nhà cách mạng Vaclav Havel gọi là “cuộc nổi loạn tuyệt vời của con cái” và chính ông đã trải nghiệm những năm tháng nổi loạn đó.

Khi các sinh viên, học sinh Tiệp Khắc tham gia biểu tình trên đường phố thì cha mẹ họ vẫn còn sợ hãi. Các thanh niên này đã giúp các bậc cha mẹ vượt qua sự sợ hãi và buộc họ phải đứng về phía sự thật cùng với mình. Chính những người trẻ này đã giúp đưa đất nước Tiệp Khắc đến mùa xuân dân chủ năm 1989. Hãy nghe Nah tâm sự về những mất mát của em. Nah bảo rằng em đã đánh cược những gì mình đang có:

“Cha mẹ tôi đã nói trước rằng họ sẽ không còn coi tôi là con, và tôi sẽ tự cắt đứt mọi liên hệ với gia đình, nếu như tôi tiếp tục làm chính trị. Em trai tôi còn bé, không hiểu chuyện, nên hổ thẹn vì tôi. Người yêu tôi, một người đã gắn bó với tôi 6 năm, và gia đình của cô ta, cũng đã chối bỏ tôi. Nhiều bạn bè anh em thân thiết đã quay lưng với tôi…”

Trong một bài viết mang tên: Thư gửi người Việt Nam Nah viết rằng:

“Trước tiên, tôi xin lỗi công chúng vì những lời bài hát và nội dung bài hát phàm phu tục tử( của DMCS). Tuy nhiên tôi mong mọi người hiểu rằng đó là cách chúng tôi thu hút sự chú ý của giới trẻ, để rồi sau đó nói lên sự thật cho họ nghe. Tiếng chửi thề cũng là một phần trong đời sống của nhiều người, và rap là một dạng văn học hiện thực. Đừng đánh giá sự việc chỉ qua bề nổi của nó”

“Tại sao tôi sẵn sàng hi sinh tất cả? Vì tôi yêu dân tộc Việt Nam, yêu nhạc rap, tin vào sự thật, tin vào cái tốt, và tin vào khả năng của chính mình. Tôi biết chắc một ngày nào đó không xa dân tộc Việt Nam sẽ sánh ngang với các dân tộc khác trên thế giới về mọi mặt. Có thể tất cả những điều này, vào lúc này, chỉ là điên rồ với một số người, đặc biệt là những người bị bọn Dư Luận Viên của nhà nước tẩy não quá kĩ, nhưng tôi tự hào khi tôi dám nói lên suy nghĩ của mình như một người tự do thật sự.

Tôi tin vào Chúa và Phật, và mong những đấng tối cao đó sẽ ban phước cho dân tộc Việt Nam”

Và hãy đọc một đoạn thư em viết cho cha mẹ:

“Con xin lỗi bố mẹ vì đã không làm tròn được chữ hiếu, vì con mà gia đình mình phải điêu đứng. Bố mẹ sinh tồn qua chiến tranh, của cải bố mẹ khó khăn dành dụm một cách lương thiện, công ơn sinh thành và lo cho tương lai của hai anh em tụi con, nhưng rồi gia đình mình đổ vỡ hết vì những chuyện con làm.

Mẹ đòi ly dị bố, bé Sao thì đòi bỏ học. Nguy hiểm luôn rình rập. Bố mẹ đã trải qua nhiều khổ đau trong quá khứ, nay đến khi đã già mà vẫn không được an vui cùng con cái. Có thể lúc này bố mẹ giận con lắm. Có thể con vẫn chỉ là thằng nhóc ngông cuồng và dại khờ. Nhưng con biết, không có tự do nào mà không phải trả giá. Con chỉ có một cuộc đời, con không thể phí hoài nó như những kẻ khác được…”

Bài hát ĐMCS ra đời cùng với thời gian mà các blogger VN đang tham gia vào phong trào “Tôi Không Thích Đảng Cộng Sản”. Có thể nói một cách nào đó bài hát này đã cổ vũ và giúp các blogger trong nước đẩy phong trào này thêm lớn mạnh. Ngoài ra nếu theo dõi sẽ thấy Nah và nhóm của em cũng giúp phân phát các đường link của tác phẩm Từ Độc Tài Đến Dân Chủ của tác giả Gene Sharp. Các hoạt động của họ chứng tỏ các bạn trẻ này đang theo đuổi phương thức Đấu Tranh Bất Bạo Động.

Khi được hỏi về logo Zombie của nhóm, tác giả Khang Kanny Nguyễn chia sẻ rằng bức hình chỉ mang một ý nghĩa đơn giản là “Open Mind, Open Eyes”. Cũng như Nah, Kanny cho rằng những người trẻ VN hiện nay như những con zombie đang không còn là mình. Và Zombie Nguyễn là thông điệp – Hãy mở mắt, thông não, nhìn cho rõ sự việc và lên đường đi tìm lại chính mình. Ngày VN thật sự dân chủ là ngày cả dân tộc, cả thế hệ trẻ không còn là những con zombie nữa.

Nah và cả nhóm cho rằng mọi thay đổi chính trị đều xuất phát từ thay đổi trong nhận thức, em bảo: “Nếu người da đen dùng nhạc rap để đòi quyền bình đẳng chủng tộc, thì tôi xin mượn nhạc rap của các bạn để đấu tranh phi bạo lực đòi nhân quyền cho dân tộc Việt Nam”.

Xin cám ơn Nah và nhạc rap. Cám ơn tiếng hát của loài chim tuyết. Mặc dù tôi chưa quen được với cách diễn đạt của các em, nhưng xin nghiêng mình trước những nỗ lực và hy sinh của các bạn trẻ. Hãy luôn hát bài hát của chính em. Bài hát đã cho chúng tôi một niềm tin – hoa rồi sẽ lại nở khi mùa xuân đến.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here