Trong buổi tọa đàm về dự án bô xít diễn ra ngày 28/3/2015, được tổ chức bởi Trung tâm Thiên Nhiên Và Con Người ( thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), giới chuyên gia Việt Nam đã đưa ra kết luận mới nhất là nếu thực hiện đúng kế hoạch sản xuất đủ 660,000 tấn alumin trong năm nay, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ lỗ 37.4 triệu USD, và tất cả các dự án bauxite của Việt Nam đều có mức độ rủi ro lớn và rủi ro sẽ tăng theo thời gian.
Thông thường, Việt Nam không đủ khả năng tự soạn thảo hồ sơ mời thầu, thiết kế kỹ thuật, thẩm định hồ sơ dự thầu nên phải thuê tư vấn. Đối với hai dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông), TKV không thuê tư vấn mà tự làm. Lẽ ra khi tự làm, TKV sẽ tiết kiệm được 5% tổng giá trị gói thầu là 659 tỷ. Tuy nhiên trên thực tế, khi TKV tự làm, chi phí quản lý và tư vấn dự án đã tăng thêm 800 tỷ !
Song chuyện đó chưa đau bằng việc TKV bị nhà thầu Trung Quốc lừa. Ông Nguyễn Văn Ban, cựu trưởng ban Alumin của tổng công ty Khoáng Sản Việt Nam, kể lại, khi tranh thầu, nhà thầu Trung Quốc đã đưa giá rất thấp và thắng thầu vì các nhà thầu khác ở phương Tây theo không nổi. Song khi ký hợp đồng thì giá bỏ thầu và giá trên hợp đồng chênh lệch rất xa. Nhà thầu Trung Quốc giải thích, sở dĩ có sự chênh lệch như vậy là vì… trong giá bỏ thầu nhà thầu Trung Quốc chưa tính đến các thiết bị dự phòng.
Hiện nay, trên thế giới bình quân để sản xuất ra một sản phẩm Alumin thì chỉ mất đến 2-5 giờ công. Với quy mô sản xuất tại nhà máy Tân Rai thì chỉ cần 200-300 nhân công. Nhưng trên thực tế hiện nay con số nhân công lên tới hơn 1000 người, đồng nghĩa với việc cứ sản xuất được 10 tỉ tấn bauxite thì thất thoát đi 3 tỉ tấn.
Tính đến thời điểm hiện tại thì mức thua lỗ do sản xuất Alumin Nhân Cơ và Tân Rai là 14%. Mức thua lỗ khoảng 57,6 USD/Tấn. Nếu không muốn tiếp tục diễn thua lỗ thì buộc phải sản xuất đủ 660,000 tấn theo như kế hoạch. Để chế biến Alumin thành nhôm, thì mức điện năng phải sử dụng cho công suất 450.000 tấn/năm là 5,8 tỉ kWh/năm. Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam lại phải đầu tư thêm những dự án thủy điện có công suất 1,933 MW, với tổng chi phí là 3,8 tỉ USD, hoặc một dự án nhiệt điện chạy bằng than với khoản phí vào mức 830 triệu USD.
Các dự án bauxite không chỉ thua lỗ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các thảm họa môi trường. Ông Nguyễn Văn Ban cho biết ngay tại Trung Quốc cũng chưa có nhà máy nào xử lý quặng bauxite tương tự như kiểu đang làm tại Việt Nam. Hai nhà máy bauxite mà nhà thầu Trung Quốc xây dựng tại Việt Nam đều có tính “thử nghiệm.” Thành ra thiết kế, vận hành, quy trình công nghệ đều không có gì bảo đảm.
Với những bài học rút ra từ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề do khai thác bô xít gây ra, liệu rằng Việt Nam có nên tiếp tục hai dự án bô xít này nữa không?
Leave a Comment