Truyền thông Trung quốc cảnh báo người dân đừng mua hàng Nhật Bản
Mặc dù phong trào bài Nhật, tẩy chay hàng hóa Nhật do các tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản Trung quốc rầm rộ phát động, nhưng người dân Hoa lục, đặc biệt là giới trung lưu khi có dịp vẫn muốn mua đồ Made in Japan để xài vì nó tốt và an toàn. Trong những năm gần đây, điển hình là vào dịp Tết nguyên đán vừa rồi những người Trung quốc có dư tiền bạc đổ xô nhau sang Nhật du lịch nhưng thực chất là đi mua sắm hàng hóa đủ loại kể cả thực phẩm. Các cửa hàng miễn thuế, các siêu thị sang trọng ở Nhật vào những dịp như thế đều đầy ắp khách du lịch Trung quốc. Hành lý khi đi của khách du lịch Trung quốc chỉ là vài bộ áo quần để thay vì còn phải để trống vali đựng hàng hóa mua sắm lúc trở về. Theo con số ước tính mà bộ Thương mại Trung quốc đưa ra thì nội trong năm 2014 số hàng hóa mà người dân khi đi du lịch nước ngoài mua sắm đem về lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ, đây là một số tiền quá lớn nếu sử dụng để mua hàng nội địa thì sẽ giúp kinh tế nước nhà phát triển hơn.
Trong phiên họp thường niên vừa rồi của quốc hội Trung quốc, ông Cao Hổ Thành (Bộ trưởng Thương mại) đã được yêu cầu phải trình bày vấn đề này chi tiết hơn để quốc hội tìm đối sách ngăn chận. Chuyện ông Bộ trưởng này trình bày như thế nào không được tiết lộ, nhưng vào ngày 16/03/2015 vừa qua báo đài ở Hoa lục đồng loạt có nhiều bài viết để gọi là hướng dẫn người dân đừng mắc lừa bởi hàng hóa Nhật Bản.
Theo truyền thông Trung quốc thì thứ nhất các cửa tiệm miễn thuế ở Nhật đều tăng giá các mặt hàng lên ít nhất khoảng 8% để khi bán bớt đi thuế tiêu thụ 8%. Với chiêu thức này khiến du khách tưởng là được miễn thuế nhưng thực chất chẳng được giảm cắc bạc nào cả.
Thứ hai, du khách Trung quốc khi đi Nhật mua sắm phần đông ai cũng nghĩ rằng mình mua được đồ Nhật 100%, nhưng khi đem về mới khám phá ra đó là đồ của Trung quốc chế tạo, con buôn Nhật chỉ cần in nhãn hiệu Made in Japan là đánh lừa được nhiều khách hàng.
Thứ ba, về các mặt hàng thực phẩm bổ dưỡng sức khỏe thì khi mua khách hàng cần phải hỏi rõ ngọn ngành từ thành phần chế tạo cho đến cách sử dụng và hiệu quả, nhưng vì ngôn ngữ bất đồng nên chẳng ai hỏi, hơn nữa nhân viên bán hàng trả lời thì họ chỉ đề cập đến luật an toàn thực phẩm của Nhật mà thôi.
Thứ tư, tất cả các hãng du lịch hầu hết đều được những cửa hàng miễn thuế cho ăn tiền huê hồng nên cứ nhắm mắt dẫn du khách đến cho dù biết rằng tiệm bán đồ dỗm.
Và thứ năm là khi đã mua đồ đem về nước rồi mà thấy không đúng tiêu chuẩn thì đành chịu chứ không đem đổi lại được.
Nồi cơm điện Nhật là mặt hàng được du khách Trung quốc chiếu cố nhiều nhất nên đài truyền hình Trung ương Trung quốc đã phải tổ chức một chương trình thi nấu cơm giữa hai nồi cơm điện Made in Japan và Made in China, kết quả là cơm được nấu bằng nồi Trung quốc ngon hơn nồi cơm điện Nhật. Ngay trong khi chương trình thi đua này bắt đầu, cư dân mạng ở Hoa lục đã tiên đoán rằng nồi cơm điện Trung quốc chắc chắn thắng vì nếu để thua thì Giám đốc đài sẽ bị cơ quan tuyên giáo khiển trách và người làm chương trình phải bị hạ tầng công tác. Các giám khảo được mời ăn thử cơm để chấm điểm làm sao dám bảo nồi cơm điện Trung quốc thua nồi cơm điện Nhật.
Theo các bình luận gia Nhật thì những điều truyền thông Trung quốc nêu ra hoàn toàn sai sự thật, nhưng vẫn sẽ có một số người dân Hoa lục tin. Trên nguyên tắc thì các cửa hàng miễn thuế, các siêu thị ở Nhật có thể kiện truyền thông Trung quốc đã vu khống làm thiệt hại uy tín với khách hàng, nhưng việc kiện tụng sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa kiện ai chứ kiện truyền thông xứ cộng sản cũng vô ích. Điều quan trọng là các mặt hàng mang nhãn hiệu Made in Japan đáp ứng sự yêu chuộng của khách hàng về phẩm chất thì cho dù truyền thông xuyên tạc cách mấy đi nữa vẫn có nhiều người mua, ngoại trừ khi quốc hội Trung quốc ra luật tịch thu tất cả hàng hóa mà người Hoa lục đi du lịch Nhật mua đem về nước.
Leave a Comment