Trông hình ảnh của bức tranh này thì có vẻ lạ lùng không hiểu cả về mặt nghệ thuật tranh tượng lẫn về mặt cuộc sống bên ngoài. Nhưng riêng ở xứ Việt Nam thì chẳng có gì lạ cả. Ở đất nước ra ngõ gặp anh hùng của chúng ta thì nhiều vô kể những con người như thế mà chúng ta gặp hàng ngày trên thông tin đại chúng…
Bức tranh tượng Người Cắm Đầu Vào Tường . Một anh mặc vết com lê thì phải là một quan chức cao sang chớ không phải dân đen, dân cày rồi. Anh ta lại xách ca tap thì đích thị là một anh trí thức trí ngủ, học giả học thật rồi. Trong đó dĩ nhiên có các anh nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà…nhà…đủ thứ nữa…
Người trong bức tranh đang làm gì ? Anh ta cắm đầu vào bức tường. Nhưng anh ta cắm đầu vào tường để làm gì ? Để được an toàn, để được tồn tại, dù chỉ tồn tại như một loài tầm gửi…
Không phải tất cả nhưng phần lớn là để mũ ni che tai, tự bịt mắt, bịt tai và bịt miệng để chẳng nhìn thấy gì, chẳng nghe thấy gì xung quanh. Đất nước có lầm than, dân đen có đói khổ, bất công đầy trong xã hội…thì anh ta cũng chẳng nghe, chẳng nhìn thấy gì hết và dĩ nhiên là sẽ chẳng nói gì hết. Thật ra là giả vờ không nghe, không thấy để không phải nói mà thôi. Vì tự cắm đầu vào thì cũng tự rút đầu ra được. Giống như đầu rùa thụt ra thụt mu rùa vậy. Tài tình lanh lợi lắm. Khi có lợi danh riêng, vinh thân phì gia thì anh ta lại…rút đầu ra, không cắm nữa để tranh đấu chứ, giống như ngày xưa quân ta :”kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra”…Vì đang tự cắm đầu vào tường nên anh ta có thể “chắt lọc” được những cái gì vào,hay không vào được Gáo Dừa của anh ta, và từ đó sẽ chỉ huy tai, mắt, miệng hành động hay không hành động. Đó là những người chỉ hành động theo trí óc chứ không theo trái tim. Đó là những người có thể có Tài, nhưng có ít Tâm và chắc chắn là không có Dũng..
Cắm đầu vào tường thì được lợi gì ? Lợi gì thì phải hỏi những người đang cắm đầu thì mới biết hết, nhưng có thể biết sơ sơ như được an toàn không lo bị nhập kho, lại giữ được cái nồi cơm, cái ghế ngồi…Quan chức cắm đầu thì được leo cao, leo nhanh trong một bộ máy toàn người cắm đầu. Giới nghệ sĩ, thơ văn.. thì vươn lên cao, vươn nhanh trong một giới toàn những nghệ sĩ, nhà văn nhà thơ cắm đầu. Cấp cao cắm đầu làm gương cho cấp dưới, cấp dưới cắm đầu học tập theo cấp cao… Người người nhà nhà thi đua cắm đầu vào tường trong một nước Việt Nam thời đại mới để tường cắm vào đầu…
Nên chẳng có gì lạ khi hàng ngàn báo đài cùng hàng chục ngàn nhà báo, nhà thơ văn, nhà này nhà nọ im re con cò không ho he khi Tàu Cộng đem giàn khoan HD 981 sang cắm vào lãnh hải của tổ tiên ta. Dân khổ, dân oan, dân nghèo… kêu than thấu Trời xanh nhưng không lọt vào tai của các nhà này nhà nọ kiêm thợ cắm, nên chẳng bác nào lên tiếng bênh vực cả. Các bác còn tự khen ngợi nhau, tự sướng với nhau nữa khi thấy có vài văn nhân can đảm bị bắt vì điều 88, 258…Ấy thế là cắm đầu vào tường lại hóa hay. Và giờ thì nước Việt ta có lắm anh trí thức nom chỉ thấy phần thân của giá áo túi cơm chứ không thấy phần đầu đâu vì gáo dừa để lại trong tường rồi…
Thế là trên dưới, cha con, đồng chí…tranh nhau lấy tường đội lên đầu cho ngập mặt. Nhiều người trong nhiều lãnh vực cũng đành giả hèn để giả vờ…cắm đầu kiểu giả dại qua ải để được yên thân trong một xã hội toàn trị với cái vòng Kim Cô lơ lửng trên đầu. Nhiều người khác nữa thì cũng phải cắm đầu vờ để được phục vụ xã hội, nhiều nhà văn thơ, nhà báo phải giả vờ cắm đầu để được làm việc đàng hoàng, để tác phẩm của họ được in sách báo…
Tất nhiên là trong một xã hội toàn trị cả một thế hệ như xã hội chúng ta thì không nên đánh đồng tất cả. Có những con người tài năng, đáng kính trọng, những nhà văn thơ tên tuổi…thậm chí cả những quan chức tốt (quan chức nhỏ thôi) Những người đáng trọng đó vì lớn tuổi, vì ở trong vòng Kim Cô bao lâu nay nên không thể lên tiếng, không thể nói lên những điều mà trái tim họ muốn nói…Và chúng ta luôn phải trân trọng điều đó cũng như trân trọng tên tuổi họ.
Ngoài số ít những người đáng kính trọng trên thì những người còn lại rõ ràng là những người Cắm Đầu Vào Tường, hoặc là những người lấy Tường Cắm Vào Đầu Mình. Những người giả đui, giả điếc, giả câm thời đại…
Mai Tú Ân
Leave a Comment