Hôm 23/02 Tân Hoa Xã loan báo tàu khảo sát của Trung Quốc đã hoàn tất chương trình nghiên cứu tài nguyên thủy sản trên Biển Đông sau hai năm tiến hành, và đã phát hiện ra các trữ lượng cá dồi dào ở khu vực trung phần và ở phía Nam Biển Đông. Press Trust of India ngày 25/2 thuật lời giới chức Viện nghiên cứu của Trung Quốc về Đánh bắt cá Biển Đông cho hay kết quả thăm dò cho thấy khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa có trữ lượng cá khoảng 1,8 triệu tấn mà chừng nửa triệu tấn trong số này sẵn sàng để đánh bắt.
Cuộc khảo sát cũng cho biết hơn 20 loài cá trong vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa là quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.
Trữ lượng cá ở vùng biển xung quanh quần đảo Trung và Tây Sa được ước tính là khoảng từ 73 tới 172 triệu tấn.
Bắc Kinh nói kể từ năm 2013, Viện nghiên cứu vừa kể đã thực hiện 8 chuyến khảo sát ra Biển Đông giàu tài nguyên bằng tàu khảo sát tân tiến đầu tiên do Trung Quốc sản xuất.
Hành động Trung Quốc nghiên cứu Biển Đông đơn phương không hề thảo luận hoặc kêu gọi sự thảo luận với các nước khác, đặc biệt đang tranh chấp chủ quyền biển đảo, cho thấy Bắc Kinh coi nơi này như “ao nhà” của họ.
Bắc Kinh đã cho các loại tàu khảo sát khác nhau tiến hành, từ mấy năm trước, theo những kế hoạch muốn nuốt trọn Biển Đông mà từ đó, người ta đã thấy Trung Quốc gấp rút biến các bãi đá ngầm cướp của Việt Nam năm 1988 thành các đảo nhân tạo, gồm cả phi trường và cảng biển.
Với nhịp độ tiến hành đang diễn ra ồ ạt tại 7 bãi đá ngầm tại Trường Sa, nhiều chuyên viên quốc tế tin rằng các công trình xây dựng trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc phần lớn hoàn tất trong năm 2015, trước khi phiên tòa quốc tế phân xử về các cáo buộc Bắc Kinh vi phạm luật lệ về biển và xâm phạm chủ quyền nước khác.
Lý do họ viện dẫn là những gì họ đang làm ở khu vực quần đảo Trường Sa nằm hoàn toàn trong vùng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ như được vẽ mơ hồ qua đường 9 đoạn, giống như hình “lưỡi bò”.
Cái “Lưỡi bò” này khi kết nối lại với nhau, chiếm hơn 80% Biển Đông. Các nước ở khu vực gồm Việt Nam, Philippines ở hai đầu Đông Tây, Malaysia, Brunei và Indonesia ở phía nam, chỉ còn các rẻo nước dọc theo bờ biển. Nhiều khu vực bị cái “Lưỡi bò” liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước.
Leave a Comment