Với sự tăng rác từ bãi rác Phước Hiệp, tình trạng của bãi rác hiện đại nhất của thành phố Sài Gòn ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn, khiến người dân quanh vùng thêm khốn khổ.
Theo báo Phụ Nữ Sài Gòn, bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh được đưa vào hoạt động đến nay gần 10 năm. Dù chủ đầu tư luôn khẳng định, bãi rác có công nghệ phân loại và thiêu hủy rác hiện đại nhất thành phố Sài Gòn, song tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn, nhất là từ ngày tăng rác từ bãi rác Phước Hiệp, huyện Củ Chi chuyển về.
Chỉ cần đi khoảng nửa đoạn đường của con đường nhỏ chừng 1.5km từ Quốc Lộ 50 rẽ vào bãi rác Đa Phước dài là đã bị mùi hôi xộc vào mũi nồng nặc. Cách bãi rác khoảng 100 m, nơi đây không chỉ có mùi hôi rất nặng mà nước khu vực xung quanh cũng chuyển sang màu đen. Ngoài ra do hít mùi hôi thối, nên con nít ở đây cứ thay nhau bệnh hoài, chủ yếu là bệnh đường hô hấp.
Theo chị Hà, mùi hôi nồng nặc đến nỗi có hôm bưng chén cơm chưa kịp ăn thì phải buông đũa vì nuốt không trôi. Ngoài ra, người dân nơi đây còn thường xuyên bị ruồi tấn công.
Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay, hầu hết người dân nơi đây đều sử dụng nước giếng khoan mà theo họ, vừa qua nguồn nước này đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm và khẳng định là ô nhiễm. Song, nơi đây chưa có nước máy.
Bực tức trước cảnh thường xuyên phải ngửi mùi hôi, bệnh tật, ruồi nhặng, ô nhiễm nguồn nước… người dân đã nhiều lần chặn xe rác không cho vào đổ để yêu cầu chủ đầu tư là công ty VWS giải quyết triệt để mùi hôi, nhưng họ chỉ hứa để rồi vẫn đâu vào đó.
Bãi rác Đa Phước đang tiếp nhận trung bình khoảng 4,200 tấn/ngày, người dân đã khổ như vậy. Sắp tới tăng lên khoảng 10,000 tấn/ngày thì người dân làm sao sống nổi?
Theo Phụ Nữ Sài Gòn, bãi rác Đa Phước đang là “mỏ vàng” cho VWS khai thác. Họ càng nhận nhiều rác càng thu lợi cao. Bởi trước đây, bãi rác Đa Phước được lãnh đạo thành phố Sài Gòn duyệt giá phân loại và thiêu hủy rác gần $17/tấn. Giá này được áp dụng cho việc chôn lấp, chế biến phân loại compost, nhà máy tái chế rác… Thế nhưng, những năm qua, VWS chủ yếu chỉ dùng công nghệ chôn lấp rác. Đây cũng là lý do người dân xã Đa Phước khốn khổ vì ô nhiễm từ bãi rác này.
Leave a Comment