Lới giới thiệu: Kính thưa quý thính giả, tại hội nghị trung ương 4 năm 2012, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã báo động rằng, tình trạng suy thoái và nạn tham nhũng trong đảng đã và đang đưa đến nguy cơ làm sụp đổ chế độ. Trong bài phỏng vấn của VN Thông Tấn Xã nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập đảng vào đầu tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng cũng dành phần lớn bài phỏng vấn nhắc lại nghị quyết của hội nghị vừa kể và cho rằng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng, nạn tham nhũng là vấn đề sống còn của chế độ. Thế nhưng, báo Người Cao Tuổi, tờ báo được coi là mũi xung kích trong mặt trận chống tham những từ mấy năm qua, nay lại đang bị trù dập. Sự kiện này nói lên điều gì? Trong mục bình luận hôm nay và kỳ tới chúng tôi xin gửi đến quý vị bài phân tích về vấn đề này của nhà bình luận Lý Thái Hùng.
Sau đây mời quý vị nghe phần 1 của bài viết.
**********
Sự “tố cáo” những sai phạm lẫn nhau giữa Bộ Truyền thông & Thông tin (Bộ 4T) và Hội Người cao tuổi liên quan đến vụ thanh tra “đột xuất’ của Bộ về các bài báo loan tải trên báo Người cao tuổi trong mấy ngày vừa qua, cho thấy là có điều gì không ổn, không chỉ trong việc quản lý ngành thông tin hiện nay, mà còn biểu hiện sự suy thoái, bệ rạc trong bộ máy thống trị của Hà Nội sau 70 năm cầm quyền.
Trong các chế độ độc tài, truyền thông là một vũ khí quan trọng không thua gì bạo lực công an. Nó không chỉ trấn áp đối phương mà còn có khả năng kết tội và làm “bầm dập” cuộc đời của nhiều nạn nhân, trước khi an ninh nhập cuộc. Hình ảnh 800 tờ báo, cơ quan truyền thanh nằm dưới sự chi phối của một tổng biên tập đã nói lên sức mạnh tuyệt đối của Bộ 4T và Ban Tuyên giáo trung ương.
Nhưng các biện pháp nửa vời của Bộ 4T đối với báo Người cao tuổi như rút thẻ báo chí của Tổng biên tập Kim Quốc Hoa, thu hồi tên miền nguoicao tuoi.org.vn; nhưng lại vẫn cho duy trì báo in cho thấy Bộ 4T chưa “dám đụng” đến Hội Người cao tuổi.
Thanh Tra “Đột Xuất”
Trong cuộc họp báo ngày 9/2, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ 4T cho biết vụ thanh tra khởi đầu từ việc Hội Người cao tuổi đề nghị khen thưởng ông Kim Quốc Hoa là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, và Ban Thi đua khen thưởng Trung ương vào đầu tháng 11/2014 đã có công văn gửi Bộ 4T, thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, đề nghị chấp thuận khen thưởng.
Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Tuấn thì vì có quá nhiều sai phạm nên Bộ 4T không chấp nhận việc khen thưởng. Sự kiện này đã khiến cho bà đại biểu quốc hội Cù Thị Hậu, chủ tịch Hội người cao tuổi lên tiếng bất bình và yêu cầu Bộ 4T phải chỉ rõ sai phạm.
Chính sự đòi hỏi của Cù Thị Hậu, Bộ 4T đã ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra “đột xuất” bắt đầu ngày 7/11/2014 đến ngày 7/2/2015. Theo Đoàn thanh tra Bộ 4T cho biết là trong thời gian 2 năm 2013 – 2014, Bộ đã nhận rất nhiều thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nội dung thông tin trên báo in và trang thông tin điện tử của báo Người cao tuổi. Nội dung trong các thư khiếu nại cho rằng báo Người cao tuổi đã thông tin sai sự thật, làm lộ bí mật nhà nước, gây hoang mang dư luận.
Thời gian mà Bộ 4T nói rằng họ nhận nhiều thư khiếu nại, tố cáo chính là lúc mà báo Người cao tuổi bắt đầu phanh phui “biệt thự khủng” của nguyên thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền tại Bến Tre vào cuối năm 2013. Liên tục trong nhiều số báo năm 2014, báo Người cao tuổi đã tiếp tục phanh phui tài sản của gia đình ông Trần Văn Truyền gồm những căn biệt thự và nhà đất ở Bến Tre và thành phố Sài Gòn.
Ngoài ra, tờ báo còn kê khai rằng trước khi về hưu, chỉ trong vòng 5 tháng từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2011, Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương. Đương nhiên khi tin tức này được công bố, ông Truyền đã chối bỏ và lãnh đạo CSVN im lặng.
Trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 vào ngày 12/6/2014, một số đại biểu đã chất vấn ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra chính phủ hiện nay, về vụ việc ông Trần Văn Truyền, người tiền nhiệm của ông Tranh, thì ông Tranh nói rằng: “khi còn đương nhiệm, ông Trần Văn Truyền đã kê khai tài sản đầy đủ và không có dấu hiệu thiếu trung thực”. Phát biểu của ông Huỳnh Phong Tranh đã như đổ dầu thêm vào lửa, khiến cho dư luận càng chú ý đến vụ tham ô của Trần Văn Truyền.
Do đó mà ngày 24/7/2014, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã điều động cán bộ đến kiểm tra và xác minh tài sản của ông Trần Văn Truyền. Đoàn thanh tra làm việc kéo dài đến 3 tháng. Đến ngày 20/11/2014, Đoàn kiểm tra đưa ra kết luận thu hồi 6 căn nhà và đất tại Bến Tre và Sài Gòn mà ông Trần Văn Truyền đã chiếm; trong số nhà tịch thu này, không có “căn biệt thự khủng” mà báo Người cao tuổi phanh phui đầu tiên vì Ủy ban kiểm tra cho là của người con trai ông Truyền.
Ngày 6/12/2014, Tỉnh ủy Bến Tre chủ trì cuộc họp kiểm điểm ông Trần Văn Truyền. Đa số thành viên của Tỉnh ủy đều cho là “sai phạm của ông Truyền đã đến mức phải xử lý kỷ luật và báo cáo về Ủy ban kiểm tra trung ương”. Ngày 30/12/2014, Ban bí thư đã ra thông báo về quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Trần Văn Truyền.
Vụ án “biệt thự khủng” của ông Trần Văn Truyền tưởng như đóng lại từ cuối năm 2014 sau khi Ban bí thư đưa ra kết luận; nhưng thực tế vẫn còn ầm ĩ .
Thứ nhất, những người đứng sau báo Người cao tuổi không hài lòng quyết định kỷ luật “cảnh cáo” của Ban bí thư đối với ông Trần Văn Truyền. Đây là quyết định bao che theo kiểu ‘đánh chuột sợ vỡ bình” của Nguyễn Phú Trọng và coi thường công luận khi đảng giương cao ngọn cờ chống tham nhũng hiện nay.
Thứ hai, những người đang nắm bộ máy đảng thấy khó chịu khi những cán bộ về hưu trong Hội Người cao tuổi đã dùng áp lực của dư luận – qua việc phanh phui các vụ án tham nhũng trên mạng internet – gây thanh thế và làm suy giảm tư thế lãnh đạo thượng tầng.
Chính trong thế trận ầm ĩ đó, Ban bí thư đã phải dùng Bộ 4T để tìm cách đánh sập những người đứng đằng sau báo Người cao tuổi.
**********
Kính thưa quý thính giả, nội lực của báo Người Cao Tuổi ra sao? Chiến thuật của các bên liên hệ như thế nào? Vết xe lịch sử cuộc mà xung đột này đang đi vào là gì? Đây là những vấn đề được phân tích trong phần hai bài viết của tác giả Lý Thái Hùng, sẽ được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới. Mời quý vị đón nghe
Leave a Comment