Từ một chính quyền quân phiệt, Miến Điện đang từng bước một đổi sang chính quyền dân sự để đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đất nước, nhưng theo nhận xét của nhiều quan chức cao cấp Nhật thì nếu không có sự hiệp tác của các tướng tá Miến Điện thì việc con đường dân chủ hóa đất nước của quốc gia này còn nhiều chông gai. Cũng theo các quan chức Nhật thì hiện nay chính quyền dân sự của Tổng Thein Sein vẫn đang còn bị ảnh hưởng mạnh từ cánh quân đội. Vì nắm quyền lực quá lâu trong một chính quyền quân phiệt nên hầu hết các tướng tá Miến Điện đều có lối suy nghĩ ngoại trừ quân đội ra thì không có một lực lượng nào có đủ sức nắm giữ vận mệnh quốc gia để phát triển đất nước. Muốn cho các tướng lãnh Miến Điện thấy cái lối suy nghĩ đó là không đúng thì tốt nhất là nên có chương trình mời các tướng tá Miến Điện sang Nhật để cho họ thấy rằng chính phủ Nhật hiện nay không phải là một chính quyền quân phiệt, các đảng phái thay nhau lên nắm quyền theo sự quyết định của người dân qua lá phiếu thế nhưng Nhật Bản vẫn phát triển không thua bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.
Chính phủ Nhật đã ủy thác cho tài đoàn Sasagawa đứng ra lo chuyện này theo kế hoạch 5 năm, mỗi năm mời khoảng một số tướng tá Miến Điện sang. Vào trung tuần tháng 12 năm 2014, 11 tướng tá Miến Điện do trung tướng Aung San làm trưởng phái đoàn đã sang Nhật để giao lưu khoảng 3 tuần theo lời mời của tài đoàn Sasagawa. Phái đoàn này đã được hướng dẫn đi tham quan nhiều căn cứ quân sự, đến bộ Quốc phòng để nghe thuyết trình về cách tổ chức và nhiệm vụ của quân đội Nhật, được mời đến Quốc hội để nghe một phiên chất vấn về vấn đề Quốc phòng từ các dân biểu, nghị sĩ của các đảng đối lập. Phái đoàn cũng đã có những cuộc thảo luận với ba nhân vật đứng đầu ba ngành Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp của Nhật. Nói tóm lại là phía Nhật Bản muốn cho các tướng tá Miến Điện thấy là quân đội Nhật chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ đất nước chứ không có quyền quyết định về chính sách của quốc gia, việc này thuộc thẩm quyền của hai ngành Lập pháp, Hành pháp và ngành Tư pháp để xét xử theo luật lệ hiện hành.
Những thông dịch viên được mướn là các du sinh Miến Điện đang học tại Nhật kể lại rằng trong những cuộc trao đổi với các vị tư lệnh quân đội Nhật đã hỏi thẳng là tại sao các ông đem cả mạng sống mình ra để bảo vệ đất nước mà chẳng có quyền hành gì ở Quốc hội hay sao ?, như vậy các ông có thấy bất công hay không ?. Câu trả lời là nếu muốn có quyền hành ở Quốc hội thì phải giải ngũ để ra tranh cử, nếu đắc cử thì sẽ có tiếng nói ở Quốc hội, nhưng mọi chính sách đều phải thông qua biểu quyết của tất cả dân biểu, nghị sĩ.
Cũng theo các thông dịch viên này thì vẫn có một số tướng tá cảm thấy buồn dùm cho các vị tư lịnh quân đội Nhật trên con đường tiến thân bởi vậy không biết việc giao lưu này có đem lại kết quả tốt hay không còn phải cần một thời gian dài. Trường hợp mà các tướng tá thấy dân chủ hóa đất nước thì họ bị mất nhiều quyền lực rồi đâm ra chống là hỏng. Sau ba tuần giao lưu, trong đầu các tướng tá này nghĩ gì không ai biết được, tuy nhiên khi lên đường trở về nước chẳng một vị nào mua sắm gì cả, ít ra đây là một điểm son vì ý thức được rằng đi là để học hỏi chứ không phải lợi dụng cơ hội xuất ngoại để tiêu xài.
Thưa quý thính giả, khách sạn 5 sao New Otani ở Tokyo là nơi lưu trú của phái đoàn ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Trương Tấn Sang hay bất cứ một lãnh đạo nào của đảng CSVN mỗi khi sang Nhật. Phái đoàn của các ông này thường từ 150 đến 200 người. Một ngày trước khi phái đoàn trở về nước thì khách sạn New Otani phải dành một cổng riêng cho các xe đến giao hàng mà mấy ngày trước những người trong phái đoàn đã đi mua.
Chỉ cần lấy chuyện mua sắm này ra để so sánh thì ta thấy tư cách của các phái đoàn lãnh đạo, quan chức đảng CSVN thua xa Miến Điện.
Leave a Comment