Từ nhiều năm qua Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng được dư luận chú ý về tư cách và hoạt động chính trị của ông. Nói về tham nhũng, ông đã từng mang tiếng nhận hối lộ của Trung Quốc để giao cao nguyên Trung phần cho Bắc Kinh khai thác bauxite. Gia đình ông có quan hệ làm ăn với nhiều cơ quan thương vụ để trục lợi. Ông thi hành chính sách gia đình trị bằng cách đưa con gái nắm cơ quan huyết mạnh kinh tế, con trai thứ giữ chức thứ trưởng Xây Dựng, con trai út của ông nắm Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản.
Tuy nhiên trong thời gian nắm quyền thủ tướng ông có nhiều lời tuyên bố khiến quần chúng hài lòng trong khi đất nước bị giặc Bắc Kinh xâm chiếm. Tại Quốc Hội, tháng 11 năm 2011, ông khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Quốc lấn chiếm, ông đề nghị nên có luật biểu tình trong khi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng bị đàn áp. Lời phát biểu của ông chắc chắn sẽ làm Trung Quốc tức giận. Tại hội nghị Ðối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore, có sự tham gia của 31 quốc gia, lần đầu tiên Việt Nam dám cáo buộc Trung Quốc trước chính trường quốc tế, Nguyễn Tấn Dũng nói: “Ðâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.” Dĩ nhiên ai cũng phải hiểu rằng Việt Nam ám chỉ Trung Quốc. Chỉ có ông Dũng mới dám nói “không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy tình hữu nghị viển vông.”
Do áp lực của Trung Quốc hay chia rẽ bất đồng trong nội bộ mà Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính Trị đề nghị Ban Chấp Hành Trung Ương đảng kỳ thứ 6 tháng 10 năm 2012 , kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng hội nghị bế mạc, ông Dũng thoát nạn không bị khiển trách. Sau đó Nguyễn Tấn Dũng sử dụng mọi thủ đoạn để tạo uy thế cho mình ngày càng vững chắc trong đảng. Với lợi thế ở cương vị thủ tướng, ông Dũng đã ban phát rất nhiều bổng lộc cho những ai cần được ban phát. Thời gian qua, đối với các đảng viên được thăng quan tiến chức nhờ ân sủng của thủ tướng trở thành bộ hạ ca ngợi tài đức của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tháng 6 năm 2013, Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm các nhà lãnh đạo, ông Dũng đạt 42.14%. Tháng 11 năm 2014, Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm lần thứ hai, Nguyễn Tấn Dũng chiếm 64.39%. Tháng 1 năm 2015 tại hội nghị lần thứ 10, Trung Ương đảng lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính Trị, kết quả giấu kín nhưng tin tức lọt ra ngoài cho biết Nguyễn Tấn Dũng đoạt phiếu tín nhiệm cao nhứt. Các lợi điểm nầy cho phép Thủ Tướng Dũng nghĩ rằng chức tổng bí thư gần trong tầm tay.
Bắt đầu đó mọi sự đồn đoán trong nước và thế giới bên ngoài cho rằng Nguyễn Tấn Dũng đã dọn sạch đường lên chức tổng bí thư. Giáo Sư Karl Thayer người Úc chuyên nghiên cứu về vấn đề Việt Nam tiên đoán bộ tứ lãnh đạo Việt Nam sẽ do ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Báo chí Trung Quốc mỉa mai gây rối nội bộ chính trị Việt Nam cũng hô hào Nguyễn Tấn Dũng muốn làm tổng bí thư.
Trước đại hội đảng lần thứ XII, người ta đang thấy xuất hiện trên trang mạng “Chân Dung Quyền Lực” tố cáo đa số những quan chức cao cấp nào có tham vọng ngắm nhìn các chức vụ lãnh đạo. Nhiều người đã bị cáo buộc tội tham nhũng tột cùng, với hình ảnh, sự kiện và chi tiết chính xác khó có thể chối cãi.
Trong hiện tình đất nước sự tranh chấp nội bộ chẳng những nhắm vào cá nhân mà còn liên hệ nhiều với sự đổi mới chính trị.
Dư luận đặc biệt chú ý lời tuyên bố của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 15 tháng 10 năm 2014 tại viện Korber ở Berlin, nước Ðức: “Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người, Việt Nam không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế đó.” Báo chí Tây phương cho rằng ông Dũng đứng đầu nhóm đảng viên tiến bộ và có chiều hướng thân Mỹ.
Tác giả bài viết “Nguyễn Tấn Dũng nhân vật năm 2015” ông Nguyễn Quang Duy suy đoán Nguyễn Tấn Dũng như “một tổng bí thư Ðảng Cộng Sản hoặc là một tổng thống tương lai của Việt Nam.” Trang mạng Chân Dung Quyền Lực nhận xét: “Dư luận đồn đoán nhiều hơn về một vị tổng thống trong tương lai không xa của đất nước Việt Nam hậu Cộng Sản.” Bài viết không có tên tác giả, người ta tự hỏi ai là người thực hiện hoặc đứng sau chủ trương và cung cấp những tài liệu chính xác có giá trị khả tín cho trang mạng nầy với mục đích gì? Câu hỏi không thể có sự trả lời chính xác, nhưng có thể đoan chắc nhưng tài liệu và hình ảnh được phổ biến chỉ có thể nằm trong hồ sơ của Ban Nội Chính Trung Ương bài trừ tham nhũng đã sưu tầm và đúc kết, hoặc là của Ủy Ban Phòng Chống Tham Nhũng trước kia trực thuộc Phủ Thủ Tướng, bị ông tổng bí thư lấy lại đưa về Bộ Chính Trị giao cho Ban Nội Chính. Vậy thì phải chăng là bộ hạ của thủ tướng moi móc hồ sơ cũ dã từng có trong tay để hạ bệ các đối thủ hoặc là trói tay họ trong tương lai khi có sự thay đổi bất thường.
Ðiều ngạc nhiên là trang mạng Chân Dung Quyền Lực chỉ mặt đặt tên tố cáo đích danh từ những nhân vật Ban Chấp Hành Trung Ương, thành viên Bộ Chính Trị, đại biểu Quốc Hội, tướng lãnh, bộ trưởng, thứ trưởng, làm cho dân cư mạng phản ứng sôi sục, xói mòn quyền lực của nhà nước, tuy nhiên người ta ít thấy tên Nguyễn Tấn Dũng bị tố cáo trên mạng Chân Dung Quyền Lực. Thậm chí tác giả Trần Hồng Tâm viết bài tựa đề “Mũi thuyền rẽ sóng” bênh vực rằng nhà thờ họ của Nguyễn Tấn Dũng “không bằng cái gác xép” của các quan chức khác, và Trần Hồng Tâm vinh danh thủ tướng “vượt lên như một người thuyền trưởng đưa con thuyền vượt qua sóng gió.”
Thông qua những lời tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng, sự ủng hộ của Quốc Hội và của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng, cho phép tiên đoán mục đích của ông Dũng là đang nhắm tới một sự chuyển giao quyền lực có thể tổng bí thư nắm luôn quyền chủ tịch nước như đã từng có nhiều ý kiến đề nghị việc này.
Với chức vụ tổng bí thư, đương sự còn vướng mắc 15 vị ủy viên Bộ Chính Trị. Chi bằng thay đổi hẳn chế độ, nắm quyền tổng thống như Boris Yeltsin hay Vladimir Putin cai trị nước nga thời hậu Cộng Sản. Một sự đổi mới chính trị không thông qua một cuộc cách mạng, không lấy Chủ Nghĩa Xã Hội để tiếp tục bịp quần chúng như cựu Phó Thủ Tướng Trần Phương khuyến cáo nói rằng chủ thuyết Mác-Lê đã sai rồi!
Chắc Nguyễn Tấn Dũng cũng muốn thỏa mãn “đòi hỏi khách quan của xã hội loài người” như ông đã tuyên bố ngày 15 tháng 10, 2014 tại Ðức, nhưng thực hiện bằng cách nào? được hay không? Dĩ nhiên sẽ còn độc tài quân phiệt nhưng có thể mở rộng nhân quyền, tự do, dân chủ đến đâu. Tương lai sẽ có đáp số.
Leave a Comment