Vào trưa ngày 29/01 vừa qua, một trận động đất mạnh 2,7 độ richter xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam.
Theo một số người dân ở thị trấn Bắc Trà My cho biết có nghe tiếng nổ nhỏ trong lòng đất và mặt đất rung lắc nhẹ. Nếu yên tĩnh mới cảm nhận được, còn ở chỗ nào ồn ào và có xe chạy thì khó cảm nhận được trận động đất này.
Xin nhắc lại, sau khi hoàn thành xây dựng và bắt đầu tích nước vào đầu năm 2012, thân đập bị thấm nước. Khi đó, các chuyên gia cho biết lượng nước thấm qua đập thủy điện Sông Tranh 2 đã gấp 5 lần mức cho phép, rất nguy hiểm. Bên cạnh việc nước thấm qua đập, trong tháng 9 và 10 năm 2012, hàng loạt các đợt địa chấn xảy ra trong khu vực có thủy điện được cho là động đất kích thích, một kiểu động đất xảy ra do quá trình tích nước của các hồ chứa nước. Liên tiếp trong các tháng 6, 7 đến tháng 9 năm 2014, xung quanh đập thủy điện này cũng thường xuyên xảy ra động đất, với trận cao nhất lên tới 3.6 độ richter vào ngày 8/7 và 17/9/2014.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, động đất kích thích diễn ra thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ địa chất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 như trượt lở đất, nứt sụt đất, lũ quét, … Hội khoa học kỹ thuật địa vật lý Việt Nam nhận định, động đất mạnh nhất có thể xuất hiện tại khu vực hồ Sông Tranh 2 đạt xấp xỉ 5,5 – 6,1 độ richter. Nếu động đất mạnh xảy ra trong lòng hồ thì nguy cơ tạo nên cột sóng lớn, tác động trực tiếp vào thân đập có nguy cơ gây vỡ đập.
Hầu hết các nhà khoa học đều nêu quan điểm thận trọng trong việc xây dựng và phát triển thủy điện tại Miền Trung Việt Nam. Bởi các con sông trong khu vực này thường ngắn và dốc, dễ gây ra biến đổi địa chất, không có lợi cho môi trường và sự an toàn của cư dân sống tại hạ lưu các con sông. Tuy nhiên, nhà cầm quyền CSVN đã bỏ qua các kiến nghị này, và vẫn tiếp tục thực hiện các dự án thủy điện trong nhiều năm qua, bất chấp sự an toàn của người dân mỗi mùa mưa bão.
Leave a Comment