Quảng Cáo

Qua chuyện Nguyễn Bá Thanh đến lời ông Thủ tướng (phần 1)

Quảng Cáo

Đột nhiên, ông Nguyễn Tấn Dũng lên phán một câu được truyền thông nhà nước đưa lên mà dân mạng “hả lòng, hả dạ” chỉ vì thấy nó… không sai. Đó là khi chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Văn phòng Chính phủ sáng 15.1, lần đầu tiên ông yêu cầu văn phòng phải làm sao để tổ chức, định hướng thông tin trên mạng xã hội như facebook một cách nhanh chóng, chính xác vì “không thể ngăn cấm người dân”.

Điều này làm người ta khá ngạc nhiên và tự hỏi: Phải chăng ông ta đã rút ra được cho mình một bài học? vì chỉ mới cách đây vài năm, ông đã ra lệnh cho các bộ phận “điều tra và trừng trị” các trang mạng như Quan làm báo, Dân làm báo, Biển Đông… vì đã “đưa tin phản động”. Ông còn có “chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ‘cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động”. Hay bây giờ, các trang mạng không nhận “sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng” đã không còn là “phản động” nữa chăng?

Cũng có câu trả lời ngay rằng: Chuyện đấu đá nội bộ, nó “tồn tại khách quan” đến mức nhiều người cố tình không tin rồi vẫn phải tin vì những chứng cứ tự nó phơi bày sự thật. Nhưng giai đoạn đó nó khác với giai đoạn này và những thông tin trên mạng lúc đó khác những thông tin trên các trang hiện nay. Lúc đó, những Quan Làm Báo, Dân Làm Báo… chuyện đời tư, chuyện phê phán thì nhiều nhưng đối tượng chính lại là… thủ tướng. Còn bây giờ những trang như Chân dung Quyền lực và một số trang khác thì đối tượng của nó lại là “đối tượng của thủ tướng”.

Thực ra, nếu ông Thủ tướng, cần thông tin trên mạng nhanh chóng chính xác thật sự, thì chắc cũng không đến nỗi khó khăn. Chỉ cần bám vào “Sự Thật” thì mọi thông tin chẳng cần định hướng vẫn cứ chính xác như thường. Vấn đề là ông muốn “định hướng thông tin” theo cách “đảng lãnh đạo tuyệt đối cho dân làm chủ” thì e khó khăn không thể có.

Thử lấy một sự kiện gần đây nhất để chứng minh.

Sự kiện Nguyễn Bá Thanh và thông tin

Ông Nguyễn Bá Thanh kể từ khi ra Hà Nội như thế nào với mục đích gì, và kết quả ra sao, thì hẳn những người quan tâm đều đã biết. Ở đây, ta chỉ nói về thông tin nhà nước trong vụ việc ông Nguyễn Bá Thanh chữa bệnh và trở về nước gần đây.

Khi ông Nguyễn Bá Thanh đi nước ngoài chữa bệnh, những thông tin ít ỏi, úp mở của báo chí nhà nước đã đặt cho người dân những câu hỏi không lời đáp như: Ông ta bị bệnh gì mà phải đi nước ngoài chữa bệnh? Chẳng lẽ có cả một Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương mà đến tận khi bệnh tật nguy cấp vậy mới biết sao? Nếu biết trước, thì mới mấy tháng trước điều ông ta ra Hà Nội làm gì cho thêm rối việc?

Rồi thì việc ông chữa bênh kéo dài hết tháng này sang tháng kia nhưng những hình ảnh và thông tin về ông ta thì… tịt mít. Thậm chí, cả cơ quan có trách nhiệm cũng chỉ nhận được thông tin qua gia đình với nội dung thì chẳng có thông tin gì ngoài việc ông ta đang chữa bệnh. Nguyên nhân là ở đâu?

Có phải vì sự xa xôi, vì phương tiện thông tin khó khăn hay một lý do kỹ thuật nào đó? Hẳn nhiên là không phải vậy. Thời buổi này, khi mà công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách cuộc sống, chỉ cần chiếc điện thoại vài chục dola thì mọi thông tin đều được cả thế giới biết đến nếu cần. Huống chi ông ta chữa bệnh ở những nơi mà mỗi ngày riêng tiền viện phí đã vài chục ngàn đola.

Thế rồi ông Thanh cũng về Việt Nam. Một thời gian ngắn trước khi ông về, một số trang mạng đã cập nhật tình hình sức khỏe của ông rất chi tiết và chính xác hơn cả 800 tờ báo nhà nước được đầu tư đầy đủ cả pháp lý và tiền bạc. Kèm theo các thông tin về bệnh tật, sức khỏe Nguyễn Bá Thanh là thông tin rằng ông “đã bị đầu độc” mà oái oăm thay lại bị chính “đồng chí” của mình đầu độc, hãm hại(?).

Những tin tức này đáng tin đến mức làm chấn động không chỉ ở hạ tầng cơ sở mà cả thượng tầng kiến trúc của thể chế Cộng sản, thậm chí tác động đến những người xưa nay vốn kín tiếng trong bộ máy nhà nước như ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Sở dĩ nói ông kín tiếng là bởi ít khi thấy ông lên tiếng về những vấn đề an nguy của đất nước, mất mát của lãnh thổ hoặc nguy cơ bị xâm lược. Nếu có, cũng chỉ vài câu về sự sợ hãi, khiếp nhược trước kẻ thù là anh bạn vàng của Đảng. Hoặc ông ta nói lên nỗi lo lắng sợ hãi khi dân ta lại ghét bọn Trung Cộng xâm lược(!)

Vậy mà lần này, ông đã phải lên tiếng rằng thì là “cần phải siết chặt quản lý việc truy cập khai thác thông tin trên Internet, ngăn chặn những thông tin xuyên tạc gây chia rẽ phân tâm”. Nhưng, ngay sau hành động mở miệng của ông, ông trở thành đối tượng để có thông tin về “những khối tài sản khổng lồ đến mức kinh ngạc” của bố con ông với đầy đủ chứng cứ, địa chỉ xác thực và đề nghị ông trả lời. Thế rồi cư dân mạng căn cứ vào đó để tìm hiểu vì sao ông ngại nói đến chiến tranh với kẻ thù dân tộc mà chỉ muốn “hòa bình”, vì sao ông sợ và lo lắng khi dân ta chống Tàu… với lời giải thích rằng: “Vì nếu có chiến chinh, ai giữ cho ông đống tài sản đó”?

Và đến đó thì ông Phùng quang Thanh im hẳn.

*******

Kính thưa quý thính giả, từ những lệnh thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cấm ngăn, trừng trị những trang blog bị coi là đưa tin phản động của đến cuộc chiến thông tin giữa nhà nước và các trang mạng độc lập xung quanh trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh như vừa kể, người ta nên hiểu những lời có cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng về việc không ngăn cấm người dân tìm hiểu thông tin như thế nào? Phần hai bài viết của tác giả JB Nguyễn Hữu Vinh, đuợc gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới sẽ bàn về câu hỏi này. Mời quý vị đón nghe.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux