Suy thoái đã kéo dài suốt bảy năm và trong vòng 30 năm vừa qua, kinh tế Việt Nam chưa bao giờ yếu như hiện nay. Kết quả tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong năm năm, từ 2011 đến 2015 còn rất hạn chế. Cũng vì vậy, ông Thiên khuyến cáo, phải rất thận trọng khi ban hành chính sách. Mặt khác phải dự báo chính xác về các rủi ro thay vì đưa ra những tuyên bố lạc quan.
Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam dẫn chứng, chính quyền CS Việt Nam từng tỏ ra rất hoan hỉ khi năm ngoái, kim ngạch xuất cảng đạt mức 150 tỉ Mỹ kim, xuất siêu gần hai tỉ Mỹ kim trong khi trên thực tế nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng đáng ngại và điều đó đồng nghĩa với việc, dẫu cho Việt Nam xuất siêu với cả thế giới nhưng cán cân thương mại vẫn mất cân đối. Việc nhập siêu những sản phẩm giá trị thấp từ Trung Quốc đã và đang “đè” kinh tế Việt Nam không thể “ngóc” lên được.
Ông Thiên chỉ trích, trong bối cảnh như thế mà Việt Nam vẫn tuyên bố, thậm chí cam kết sẽ hội nhập với kinh tế thế giới ở mức cao nhất là quá “liều mạng.”
Không riêng ông Thiên mà nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng từng công khai bày tỏ sự lo ngại về tương lai của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nội lực quá kém mà vẫn muốn hội nhập sâu. Nhiều chuyên gia từng khẳng định, nội lực của kinh tế Việt Nam chỉ có thể tăng nếu đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên việc tái cơ cấu kinh tế lại diễn ra rất chậm chạp, các nhóm lợi ích vẫn chi phối được chính sách và sự phân bổ các nguồn lực,… Trong khi chỉ có thể gia tăng nội lực khi có chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Leave a Comment