Hiệp Hội Doanh Nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân Hàng Công Thương của Trung Quốc vừa đề nghị Việt Nam cho phép sử dụng Yuan (Nhân Dân Tệ của Trung Quốc) trong các giao dịch tại Việt Nam với lý do là nhu cầu giao dịch bằng Yuan tại Việt Nam hiện rất lớn và tiếp tục gia tăng do thương mại Việt-Trung đang phát triển và như vậy thì Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam có thể quản lý – giám sát nguồn vốn này. Có thể thu thêm được thuế và chống được tệ nạn rửa tiền.
Đề nghị vừa kể của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân Hàng Công Thương Trung Quốc được xem là một phần trong chuỗi nỗ lực của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa Yuan, đưa Yuan thành đơn vị tiền tệ mạnh thứ ba trên thế giới (sau Mỹ kim và Euro).
Tính đến nay, Trung Quốc đã ký kết khoảng 30 hiệp định hoán đổi tiền tệ (SWAP) với Hoa Kỳ, Anh, Úc, New Zealand, Nhật, Mã Lai, Singapore…
Tuy thừa nhận hệ thống hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc và một số quốc gia sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại – đầu tư giữa Trung Quốc và những quốc gia đó, song ông Cao Sỹ Kiêm, cựu thống đốc Ngân Hang Nhà Nước Việt Nam, khuyến cáo phía Việt Nam phải hết sức thận trọng với kiến nghị của phía Trung Quốc vừa đệ đạt. Tuy vị trí của Yuan trên thị trường tiền tệ quốc tế có cao hơn trước nhưng Yuan chưa mạnh đến mức trở thành loại ngoại tệ được tự do chuyển đổi và còn vì nội lực, sức đề kháng của kinh tế Việt Nam. Ông Kiêm khuyên nên chờ cho đến khi Yuan có thể chuyển đổi được ra vàng hay Mỹ kim, hay Euro.
Ông Cao Sĩ Kiêm cảnh báo, do ở thế yếu trong quan hệ thương mại, chắc chắn Việt Nam sẽ không có đủ Yuan để thanh toán các hợp đồng nhập cảng và chì còn cách vay Yuan của các doanh nghiệp Trung Quốc. Cũng vì vậy, nợ nần sẽ tăng theo đà tăng giá của Yuan. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ lệ thuộc Trung Quốc cả về hàng hóa lẫn tín dụng.
Chuyên gia kinh tế tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, đề nghị của phía doanh nghiệp Trung Quốc là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vì ở Việt Nam chỉ hiện nay chỉ được phép lưu hành duy nhất một đồng tiền của Việt Nam là Việt Nam đồng, tất cả những đồng tiền khác đều phải chuyển đổi sang đồng tiền của Việt Nam.
Ts. Lê Đăng Doanh cũng phân tích, hiện nay Việt Nam đang nhập siêu rất nặng từ Trung Quốc. Nếu thanh toán bằng những đồng tiền khác thì Việt Nam còn có hy vọng để trả cho Trung Quốc, ví dụ như Việt Nam có thể kiếm được đồng USD từ việc xuất khẩu sang Mỹ, sang Nhật… Nhưng nếu chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ thì Việt Nam chỉ có một cách là vay của Ngân hàng Trung Quốc. Tức là ngoài nhập siêu, VN còn phụ thuộc thêm về mặt tài chính đối với Trung Quốc và đây là điều rất đáng quan ngại, cần phải xem xét kỹ.
Leave a Comment