Một nhân vật cao cấp của Trung Cộng đến Hà Nội

- Quảng Cáo -

Một nhân vật cao cấp của Trung Cộng đến Hà Nội

Chine_Yu ZhengshengVào ngày 25/12 vừa qua, chiếc máy bay đưa ông Du Chính Thanh, nhân vật lãnh đạo được xếp hàng thứ tư của Trung Cộng sang thăm Việt Nam, đã hạ cánh xuống phi trường Nội Bài, Hà Nội.
Theo Tân Hoa xã nhằm mục đích thắt chặt quan hệ bang giao với Việt Nam, chuyến viếng thăm của ông Du Chính Thanhkéo dài 3 ngày, với các cuộc họp cấp cao giữa hai đảng cộng sản sẽ được tổ chức để thảo luận về việc phát triển mối quan hệ song phương. Ông này cũng xác định rằng, chuyến đi thăm Việt Nam của ông ta lần này là để nhằm “củng cố niềm tin, xây dựng sự nhất trí và thúc đẩy mối quan hệ Việt – Trung đi đúng hướng.”

Cần nói thêm, ông Du Chính Thanh là Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), một cơ quan hoàn toàn mang tính chất hình thức, nhưng dầu sao ông cũng là nhân vật đứng hàng thứ tư trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, và là một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Du Chính Thanh diễn ra sau những tháng căng thẳng cao độ giữa Hà Nội với Bắc Kinh, do việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến khu vực Hoàng Sa, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Theo giới quan sát, Bắc Kinh có vẻ như đang tìm cách ngăn chận những vấn đề mà tranh chấp chủ quyển Biển Đông đang gây ra cho quan hệ Việt – Trung, bởi vì điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến trao đổi thương mại giữa hai nước. Tình hình Biển Đông càng căng thẳng thì tâm lý chống Trung Quốc càng tăng mạnh, phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc cũng tăng theo. Bắc Kinh cũng không muốn thấy Hà Nội ngả theo Mỹ quá nhiều, cho nên lại càng cố gắng kéo Hà Nội quay trở lại vòng ảnh hưởng của họ.

- Quảng Cáo -

Nhưng một mặt hàn gắn quan hệ với Việt Nam, mặt khác Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông, đặc biệt là qua việc xây một đảo nhân tạo với sân bay trên quần đảo Trường Sa.

 

2,000 công nhân đình công đòi tăng lương

congnhandinhcongTin từ báo Lao Động, sáng ngày 26 tháng 12, 2014, ít nhất 2,000 công nhân nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin đã đồng loạt mở cuộc đình công để phản đối việc tăng lương căn bản năm nay quá thấp.

Đại diện của công nhân cho biết, tỉ lệ tăng lương căn bản của nhà máy này trong năm 2014 chỉ đạt 5%, quá thấp so với tỉ lệ tăng lương căn bản của năm rồi. Theo thông báo của ban giám đốc nhà máy, mức tăng này sẽ được áp dụng kể từ đầu năm tới, ngoài khoản tiền thưởng tết và phụ cấp công việc chỉ vào khoảng 350,000 đồng (17.5 Mỹ Kim).

Theo Phó tổng giám đốc Công ty Tàu biển Hyundai Vinashin, nhà máy đang phải đối phó với quá nhiều khó khăn trong hoạt động, nên không thể tăng lương cao hơn tỉ lệ 5%. Đại diện của công nhân lại cho rằng tỉ lệ tăng lương cho thợ thuyền tại nhà máy này từ trước đến nay luôn đạt mức tối thiểu là 11%, ngoài ra công ty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng, khiến công nhân đã phải tăng ca làm việc liên tiếp trong thời gian qua.

 

Miền Tây có nguy cơ biến thành sa mạc

mientayVào ngày 24/12/2014 tại hội nghị được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hầu hết các phúc trình của các diễn giả đều đưa ra lời báo động về tương lai mờ mịt của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Võ Văn Đới- Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ- cảnh cáo một khi nước Lào hoàn thành công trình xây đập thủy điện Don Sahon, thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành sa mạc vào mùa khô trong tương lai. Ông Đới cho biết, hiện nay nước biển xâm nhập sâu vào đất liền trong mùa khô, khiến vùng đồng bằng miền Tây không đủ nước tưới tiêu.

Ngoài ra, theo phúc trình của ông Nguyễn Hữu Thiện- chuyên viên nghiên cứu- thì thủy điện Don Sahon được xây dựng ở lưu vực sông Mekong ở Lào sẽ ngăn 15% dòng chảy xuống vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Thiện xác định vào mùa khô, tỉ lệ này sẽ lên đến 50%.

Các chỉ số trên cho thấy, đập thủy điện Don Sahon được hoàn thành sẽ trực tiếp đe dọa sự sinh tồn của hàng chục triệu cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo mạng Một Thế Giới dẫn lời ông Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Sự Biến đổi Khí hậu tại thành phố Cần Thơ- cho rằng, nhiều nhà máy thuỷ điện mọc như nấm trên sông Mekong thuộc địa phận của Hoa Lục, Thái Lan và Lào… sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 60 triệu cư dân khu vực sông Mekong.

Xin nhắc lại, sông Mekong dài 4,900 km, đi qua lãnh thổ 6 quốc gia gồm Hoa Lục, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam. Sông Mekong lâu nay là nguồn nước chính tưới tiêu cho đồng ruộng vùng châu thổ miền Nam, và mang theo nhiều cá nuôi sống người dân vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

 

Gần 26% trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng

suydinhduongTrong một hội thảo được tổ chức tại Hà Nội vào hôm nay ngày 10-12, Tổ chức Viện trợ của Ireland (Irish Aid) và Liên minh Toàn cầu về Cải thiện Dinh dưỡng (GAIN) cho biết trong khoảng 6,5 triệu trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi có tới gần 1,7 triệu trẻ, chiếm khoảng 26%, bị thấp còi do thiếu dinh dưỡng, và tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn ở Campuchia và Lào.

Nhằm cải thiện tình hình, tại Việt Nam, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và tổ chức GAIN đang hợp tác cung cấp gói bột bổ sung đa vi chất cho 24.000 trẻ dưới 5 tuổi ngay trong tháng 12 này. Chương trình được Irish Aid tài trợ nhằm sản xuất gói bổ sung dinh dưỡng trong nước kết hợp với phân phối thông qua hệ thống y tế. Bên cạnh đó, chương trình còn hướng dẫn các giải pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng tại hộ gia đình.

Tại buổi hội thảo, bà Nuala OBrien, Phó Đại sứ Ireland tại Việt Nam, cho hay Ireland cam kết hỗ trợ chính phủ các nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong nỗ lực giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, tập trung vào giai đoạn 1.000 ngày đầu tiên từ khi mang thai cho đến lúc trẻ đủ 2 tuổi. Vì suy dinh dưỡng trong hai năm đầu đời có thể gây ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển, trí tuệ, sức khỏe, học tập và năng suất lao động của trẻ em trong tương lai. Hàng năm trên thế giới suy dinh dưỡng gây tử vong cho 3,1 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 162 triệu trẻ khác bị suy dinh dưỡng thấp còi và chịu những hậu quả suốt đời về sức khỏe và lao động.”

 

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here