Ngày 15 tháng 12 vừa qua, tòa án sơ thẩm Seoul đã đem ký giả Kato, trưởng văn phòng nhật báo Sankei của Nhật ở Hàn quốc ra xử về tội lăng nhục nữ Tổng thống Phát Cận Huệ theo đơn tố cáo của hai đoàn thể cực hữu.
Trong quá trình điều tra, ký giả Kato đã yêu cầu cảnh sát Hàn quốc hãy nêu ra bằng chứng cụ thể ngoại trừ những đoạn trích dẫn từ báo chí Hàn quốc.
Thưa quý thính giả, ngay sau khi vụ tàu Sewol bị chìm ngoài khơi khiến cho hơn 350 hành khách bị thiệt mạng chính phủ Hàn quốc đã nhanh chóng thành lập một ủy ban cứu hộ mà người đứng đầu ủy ban này không ai khác hơn là nữ Tổng thống Phát Cận Huệ, thế nhưng mãi cho đến 7 tiếng đồng hồ sau khi tàu Sewol bị chìm người ta mới thấy bà Huệ xuất hiện nên truyền thông Hàn quốc đưa ra nghi vấn là trong khoảng thời gian đó nữ Tồng thống đi đâu, làm gì?. Để giải đáp thắc mắc đó, không biết tờ Triều Tiên thời báo phát hành ở Seoul cũng như tờ báo kinh doanh hàng đầu của Hàn quốc là Maeil Business lấy thông tin ở đâu ra mà đăng rằng trong khoảng thời gian đó nghe đâu bà Huệ đang du hí với một người đàn ông.
Lẽ đương nhiên là Phủ Tổng thống Hàn quốc bác bỏ tin đó và như thế là thôi. Sau này trong một bài viết về vụ chìm tàu Sewol của ký giả Kato từ Seoul gởi về cho nhật báo Sankei có trích lại những đoạn của hai tờ báo như vừa nêu trên. Ấy vậy mà chính phủ Hàn quốc cho rằng bài báo của ký giả Kato đã bôi nhọ danh dự nữ Tổng thống Phát Cận Huệ nên yêu cầu tờ Sankei phải lấy xuống và đăng lời xin lỗi, nhưng Sankei không chịu vì cho rằng ký giả Kato của mình không mạ lị nữ Tổng thống Phát Cận Huệ, những nghi vấn đó là trích đăng lại của hai tờ báo Hàn quốc mà thôi. Thế là ký giả Kato bị cảnh sát Hàn quốc câu lưu để điều tra. Trong thời gian câu lưu thì ký giả Kato bị hai đoàn thể cực hữu nạp đơn kiện về tội bôi nhọ danh dự Tổng thống Hàn quốc nên ký giả Kato không được rời khỏi Hàn quốc cho đến ngày xét xử.
Lẽ đương nhiên truyền thông Nhật đã và đang lên tiếng chỉ trích, kháng nghị. Liên quan đến vấn đề này, phát ngôn viên chính phủ Nhật là ông Suga đã lên tiếng như sau: Đứng trên quan điểm tự do ngôn luận và sự quan hệ giữa hai nước Nhật-Hàn, chúng tôi thấy việc ký giả Kato bị cảnh sát Hàn quốc câu lưu để điều tra và không cho rời khỏi xuất quốc là không đúng.
Hiệp hội Phóng viên & Ký giả ngoại quốc tại Seoul và cả Hiệp hội Ký giả Hàn quốc đều lên tiếng chỉ trích chính quyền bà Phát Cận Huệ về chuyện này. Theo Hiệp hội Bảo vệ Ký giả ở Hoa Kỳ thì chuyện chính quyền Hàn quốc câu lưu ký giả Kato là có ý đồ chính trị. Nếu ký giả Kato thật sự bôi nhọ danh dự nữ Tổng thống Phát Cận Huệ đi chăng nữa thì tội bôi nhọ không thể xử bằng hình phạt cấm cố. Nếu viết báo lôi chuyện đời tư của một cá nhân bình thường nào đó ra chế diễu mà không có bằng chứng thì bị xử phạt đòi bồi thường thiệt hại, nhưng nếu đối tượng là một nhân vật của công chúng thì phải chịu nhiều chỉ trích hơn là người dân bình thường.
Hiệp hội Ký giả không biên giới cũng đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Hàn quốc không tôn trọng quyền tự do báo chí và gởi kháng nghị yêu cầu phải hủy bỏ phiên tòa xử ký giả Kato.
Có lẽ chịu không thấu những sự chỉ trích như vừa nói ở trên nên phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hàn quốc lên tiếng cho rằng đừng can thiệp vào chuyện xét xử ký giả Kato. Chính vì sự lên tiếng đó nên Đại sứ của Hy Lạp tại Liên Hiệp Quốc là ông M.Spinellis hôm 15 tháng 12 vừa rồi đã lên tiếng như sau: Phải tôn trọng quyền tự do báo chí. Đặc phái viên đóng vai trò như nhịp cầu nối giữa hai quốc gia nên rất quan trọng. Nếu đặc phái viên Hy Lạp ở Hoa Kỳ bị bắt bỏ tù về tội trích đăng hay dẫn chứng những gì mà báo Mỹ viết thì chính phủ và người dân Hy Lạp chúng tôi không ngồi yên đâu. Từ năm 1967 đến năm 1974, chính quyền quân nhân Hy Lạp đã hỏa tán một nguyên tắc căn bản của tự do, dân chủ đó là quyền tự do ngôn luận và báo chí. Lúc đó tụi sinh viên chúng tôi muốn nghe tin tức trung thực thì phải lén lút mở đài BBC hay các đài các nước khác để nghe chứ đâu cần nghe đài phát thanh hay truyền hình Hy Lạp vì ở đó toàn là tin tức một chiều nói hùa theo chính quyền. Ký giả Kato chỉ đăng lại một vài đoạn từ báo chí Hàn quốc mà đem ông ta ra xử và có thể bắt giam là điều hết sức kỳ khôi đối với một quốc gia tự do, dân chủ như Hàn quốc. Nên nhớ Hàn quốc chứ không phải Bắc Triều Tiên. Thế giới cần phải tích cực can thiệp vào chuyện này bằng lập trường khách quan chứ không phải lặng im như phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hàn quốc yêu cầu. Tôi có nghe tin là người dân Hàn quốc muốn ông Ban Ki Moon sau khi mãn nhiệm kỳ Tổng thư ký Liên Hiệp quốc ra ứng cử Tổng thống Hàn quốc, nếu ông Ban Ki Moon đắc cử thì tôi tin chắc luật bồi thường danh dự của Hàn quốc sẽ sửa đổi vì bản thân ông Ban Ki Moon luôn cổ võ quyền tự do ngôn luận và báo chí.
Vì tình hình ngoại giao giữa hai nước Hàn-Nhật trong mấy năm trở lại đây căng thẳng nên động một chút là Seoul lên tiếng phản đối Tokyo ngay, ngoài ra còn thêm sự nóng giận nên chính quyền bà Phát Cận Huệ luôn lâm vào thế kẹt, xử ký giả Kato có tội hay tha bổng đều bị thế giới chỉ trích.
Leave a Comment