Chiến dịch bắt bớ những blogger vô tội
Việc nhà cầm quyền VN bắt giam Nguyễn Quang Lập – một nhà văn, một blogger ôn hòa chỉ chuyên chở sự thật trên con thuyền “Quê Choa”, không làm bất kỳ điều gì phạm pháp, đã là một hành vi gây phẫn nộ lâu dài trong dư luận VN và quốc tế.
Theo thông tin cho biết, sau 9 ngày bị tạm giam, đến 17/12/2014, nhà văn Nguyễn Quang Lập, thay vì phải được trả tự do ngay lập tức kèm theo lời xin lỗi và bồi thưởng thiệt hại, bồi thường danh dự, thì lại bị khởi tố theo điều 88 về “tội tuyên truyền chống nhà nước”. Người bị kết tội theo điều này có thể bị án tù từ 3 đến 20 năm.
Nếu cả hệ thống tuyên truyền VN có lên tiếng bôi nhọ Nguyễn Quang Lập, cũng như bôi nhọ bloger Hồng Lê Thọ (bị bắt vào ngày 29/11/2014) và nhiều nhà bất đồng chính kiến, trí thức phản biện, những dân oan VN khác đang bị bắt giam trong nhà tù VN, thì có một sự thật không thể chối bỏ được là dẫu xét trên phương diện nào của Hiến pháp VN và những cam kết quốc tế mà VN đã ký, thì những người này vẫn hoàn toàn vô tội.
Khi Hiến pháp đã quy định quyền của công dân, đương nhiên không một văn bản luật nào được trái Hiến pháp. Điều 88 hay điều 258 của. Bộ Luật hình sự chính là những quy định vi hiến, được đặt ra để cấm đoán tự do ngôn luận, để ngăn chặn các công dân đưa thông tin về sự thật và các ý kiến phản biện, trái với quyền lợi của nhà cầm quyền độc tài mà thôi.
Giám đốc Á châu của Tổ chức theo dõi nhân quyền – ông Brad Adams đã là một trong nhiều người đại diện cho tổ chức, cá nhân lên án về sự sai trái của những điều luật này: “chính phủ Việt Nam đã nhiều lần từ chối không chịu sửa đổi hoặc rút lại những điều khoản về an ninh quốc gia trong bộ hình luật, như điều khoản 88, kết tội những người đối lập ôn hoà…[và] tiếp tục dùng những luật này để bắt những người chỉ trích phải im tiếng”. Ông cũng phê phán việc “chính phủ Việt Nam coi việc phát biểu quan điểm là một tội phạm”. Ông kêu gọi chấm dứt “bỏ tù những người bất đồng chính kiến”.
Nhiều chuyên gia về luật pháp trong nước và quốc tế đã nhận xét: việc sử dụng điều 88 cũng và 258 của Bộ luật Hình sự VN là vi phạm luật nhân quyền quốc tế.
Không ai không biết rằng những hành vi tước bỏ quyền tự do ngôn luận của công dân là một trong những tội ác chống lại loài người.
Dư luận cũng lên tiếng mạnh mẽ về phương diện trái đạo lý trong việc bắt giam Nguyến Quang Lập(NQL). Đày đọa một nhà văn tài năng, tuổi đã cao, bị liệt nửa người, hết sức khó khăn ngay cả trong việc tối thiểu như làm vệ sinh cá nhân, bản thân ông lại còn mang nhiều bệnh hiểm nghèo và có thể chết bất kỳ lúc nào bởi bệnh tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời và đúng chủng loại thuốc trong cảnh lao tù khắc nghiệt, rõ ràng là một hành vi hết sức thất nhân tâm.
“Nhận tội và xin khoan hồng”?
Chỉ sáu ngày sau khi NQL bị bắt, Báo Công an TPHCM đã loan tin “Ông Lập khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và xin được hưởng khoan hồng, sớm được tại ngoại. Ông Lập cam kết từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật để tập trung vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, phục vụ xã hội”.
Thông tin này khiến cho một số người thất vọng. Đặc biệt, những “dư luận viên” chuyên “ngậm máu phun người” để lấy lợi lộc thì đắc thắng, ra sức dè bỉu mạt sát. Nhưng những người đã nhiều năm chứng kiến diễn biến trong trường văn trận bút sẵn sàng chà đạp lên đạo lý và sự thật dưới sự điều hành theo lợi ích của phe nhóm cầm quyền nào đó thì suy nghĩ khác. Ai cũng biết rằng đưa những thông tin chưa được kiểm chứng nhằm gây mất uy tín cho một người nào đó là trò thường xuyên, dễ dàng nhất mà người ta có thể làm trong một nền báo chí bị bóp nghẹt tự do ngôn luận. Thực tế cho thấy đã từng có nhiều thông tin giả được tung ra, thậm chí được đưa trên truyền hình nhưng đã bị cắt xén nhằm bôi nhọ những nhà văn, nhà trí thức, nhân sĩ yêu nước có tài năng, trung thực, dám vì quyền lợi chung mà hy sinh quyền lợi riêng.
Mục đích của việc bôi nhọ đó là khiến cho nạn nhân bị cô lập. Đã bị đầy đọa, họ càng thêm cô đơn khốn khổ trong lao tù. Họ thậm chí còn có thể bị ngay cả những người cùng chí hướng coi thường, bỏ rơi.
Mặt khác, việc bôi nhọ này cũng khiến cho một số người đang có cái nhìn thiện cảm, biết ơn những nhân sĩ trí thức dấn thân vì công lý và sự thật nay dễ sa vào thất vọng, chán nản trước thần tượng mà họ ngưỡng mộ. Họ nghĩ rằng thần tượng của họ đã không bền chí, hèn nhát và đầu hàng trước bạo quyền bằng cách nhận tội dù bản thân vô tội.
Cũng có người đặt giả thiết: giả sử nhà văn Nguyễn Quang Lập do không chịu đựng được áp lực khắc nghiệt lên bản thân, bệnh tật và gia đình nên đã “nhận tội” dù biết rằng mình không có tội và “xin được khoan hồng”? Tính mạng anh đang bị đe dọa bởi bệnh hiểm nghèo nên phải tạm thời lùi bước để được tại ngoại cứu lấy mạng sống? Thực tế đã cho thấy nhiều tay sừng sỏ vào sinh ra tử trong giới giang hồ dù không giết người cũng phải nhận tội cho thoát khỏi áp lực bức cung, nhục hình dai dằng với đủ ngón thâm độc, dẫu biết rằng nếu nhận tội nghĩa là nhận cái chết. Công bằng mà nói, chúng ta, mong có một Nguyễn Quang Lập kiên cường nhưng ngay cả trong trường hợp như vậy, cũng không thể không biết ơn những gì anh đã làm, đã hy sinh vì quyền lợi cộng đồng trên con thuyền Quê Choa.
Việc Nguyễn Quang Lập không được trả tự do sau 9 ngày tạm giam mà tiếp tục bị khởi tố theo điều 88 khiến cho dư luận càng nghi ngờ việc “Nguyễn Quang Lập nhận tội và xin khoan hồng” là thông tin bịa đặt.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả Quốc tế (CPJ) hôm 8/12 đã ra thông báo kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà văn Nguyễn Quang Lập. Ông Shawn Crispin, đại diện của CPJ ở Đông Nam Á, nói: “Chính phủ Việt Nam nên chấm dứt việc sử dụng các đe dọa pháp lý để bịt miệng các bloggers độc lập và hãy bắt đầu bảo vệ quyền tự do báo chí được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam.”
Leave a Comment